Làm mẹ chuyên sâu và sự tồn tại của bất bình đẳng giới trong xã hội hiện đại

Trong xã hội hiện đại, vai trò của người mẹ ngày càng được đề cao, đồng thời cũng phải đối mặt với những áp lực và thử thách chưa từng có.

Làm mẹ là một thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Minh họa: Pinterest/Zaza

Làm mẹ là một thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Minh họa: Pinterest/Zaza

Làm mẹ chuyên sâu (Intensive mothering) là một khái niệm do Sharon Hays đặt ra, mô tả những người phụ nữ chỉ thực sự hoàn thiện khi sinh con và làm mẹ. Cũng theo mô hình này, người phụ nữ cần dành toàn bộ thời gian, năng lượng, sức khỏe, tình cảm, trí tuệ, tiền bạc của mình để nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, liệu đây có phải khuôn mẫu duy nhất và phù hợp với phụ nữ hiện đại?

Hệ tư tưởng nuôi dạy con cái thời hiện đại: Càng chuẩn mực, càng áp lực

Sự phát triển của kinh tế, xã hội và văn hóa mang đến nhiều áp lực hơn cho phụ nữ. Bất bình đẳng giới tính thể hiện rõ trong các yêu cầu của xã hội, với những kỳ vọng về người mẹ trong vai trò làm mẹ chuyên sâu.

Tức là phụ nữ trong vai trò làm mẹ phải là người đồng hành, giáo dục, chăm sóc con cái một cách trọn vẹn đồng thời phải giữ gìn hình ảnh bản thân hoàn hảo.

Những áp lực này ngày càng trở nên rõ nét và có sức tác động hơn khi mạng xã hội ngập tràn các tin tức, bài viết, hình ảnh về những người mẹ "điểm 10", "siêu đẳng" vừa đảm đang, vừa thành công, vừa xinh đẹp.

Thực tế cuộc sống phức tạp, những tiêu chuẩn khắt khe từ nhiều phía với đủ các vai trò đè nặng lên vai người phụ nữ: kiếm tiền, xinh đẹp, giỏi giang, đảm đang, tháo vát, hiếu thảo,... những tiêu chuẩn từ trong nhà ra đến bên ngoài vô hình chung biến phụ nữ hiện đại thành một khuôn mẫu "siêu thực", có thể mang đến nhiều hệ lụy khó lường.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, có từ 10% đến 20% số phụ nữ trên toàn thế giới mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Ở Việt Nam, tỉ lệ này lên tới 33%. Cứ 10 người thì 3 người có nguy cơ mắc phải. Con số biết nói này đang báo động cho tình trạng người phụ nữ làm mẹ chuyên sâu, làm mẹ với cường độ cao thường xuyên rơi vào trạng thái kiệt sức, thiếu sự chia sẻ, dẫn tới trầm cảm ở các mức độ và biểu hiện khác nhau.

Thách thức ranh giới của nhu cầu bản năng và việc làm mẹ chuyên sâu

Mỗi sáng thức dậy, chị Đ.T đều cảm thấy như đang chiến đấu với một con quái vật vô hình. Đó là áp lực của việc làm mẹ chuyên sâu - một hệ tư tưởng đòi hỏi chị Đ.T phải đặt mọi nhu cầu cá nhân sang một bên để tập trung vào việc chăm sóc hai đứa con nhỏ của mình. Đ.T luôn tự "đọc thần chú" trong đầu rằng chị muốn là một người mẹ tốt, một người mẹ mà con gái và con trai của chị có thể tự hào.

Nhưng khi chị nhìn vào gương, hình ảnh người phụ nữ trong gương phản chiếu một con người mệt mỏi, thiếu sức sống, lôi thôi, xuề xòa. Mái tóc chưa chải, đôi mắt thâm quầng, cơ thể rệu rã với toàn thời gian dành cho con cái khiến tinh thần chị càng thêm kiệt quệ.

Chị Đ.T chia sẻ rằng: "Chị đã dành trọn vẹn thời gian và năng lượng cho con cái, nhưng đâu đó trong chị vẫn còn một phần khao khát được sống cho bản thân, được chạy bộ vào buổi sáng sớm, được nhâm nhi một cốc cà phê hay được đọc một cuốn sách mà không bị gián đoạn hay quấy rầy bởi việc nhà và những đứa trẻ."

Sự thật phũ phàng mà xã hội hiện đại đã tạo ra một hình mẫu làm mẹ hoàn hảo, hy sinh mọi thứ mang tính cá nhân và dành tất cả cho con cái. Chị Đ.T cũng như nhiều phụ nữ khác, không muốn khi trở thành mẹ thì phải gạt bỏ bản thân, làm "hình bóng" phục vụ nhu cầu của người khác (chồng, con, định kiến xã hội,...).

Nhưng chị muốn được là chính mình, có địa vị xã hội, có năng lượng, có không gian riêng và thời gian riêng cho bản thân. Chị không muốn từ bỏ con cái, cũng không muốn từ bỏ chính mình.

Bức tranh cuộc sống làm mẹ của chị Đ.T đã làm rõ nét hơn khái niệm "làm mẹ chuyên sâu" trong xã hội hiện đại. Có rất nhiều thách thức đối với phụ nữ khi họ cố gắng cân bằng giữa các giá trị và mục tiêu cá nhân với thiên chức làm mẹ.

Việc toàn tâm toàn ý dành cho con cái có thể khiến người phụ nữ hy sinh những ước mơ, sự nghiệp, thậm chí là hạnh phúc của bản thân. Điều này dẫn đến một mâu thuẫn nội tại, khi người phụ nữ cảm thấy áp lực phải trở thành một người mẹ hoàn hảo nhưng lại phải đối mặt với sự mất mát từ bên trong, sự kiệt quệ hình thức, tâm hồn đến sự suy giảm địa vị xã hội, không có quyền cất lên tiếng nói...

Những chuẩn mực xã hội về việc làm mẹ và áp lực từ cộng đồng có thể làm gia tăng cảm giác tội lỗi và căng thẳng với những xung đột này, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của một người phụ nữ hiện đại. Suy luận rộng ra, sự ảnh hưởng tiêu cực từ một người mẹ có thể tác động vô hình lên chính những đứa con và gia đình của cô ấy.

Chăm sóc con cái: Ở nhà, đi làm hay thay đổi tư duy?

Việc lựa chọn giữa ở nhà chăm sóc con cái, đi làm hay thay đổi tư duy về vai trò của người mẹ là một quyết định phức tạp và mang tính cá nhân. Mỗi lựa chọn đều có những ưu và nhược điểm riêng. Ở nhà chăm sóc con cái có thể giúp người mẹ tạo ra một môi trường ổn định và gần gũi cho con, nhưng cũng có thể dẫn đến sự cô lập và mất đi cơ hội phát triển cá nhân. Ngược lại, việc đi làm giúp người phụ nữ duy trì sự nghiệp và phát triển bản thân, nhưng có thể gặp phải khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình.

Thay đổi tư duy về vai trò của người mẹ có thể là một giải pháp tiềm năng. Xã hội cần thay đổi cách nhìn nhận về việc làm mẹ, từ việc coi đó là trách nhiệm duy nhất của người phụ nữ sang việc xem nó như một trách nhiệm chung của cả cha và mẹ. Ngoài ra, xã hội cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phụ nữ, xây dựng hệ thống hỗ trợ như trường học, dịch vụ chăm sóc trẻ em, chính sách ưu đãi cho phụ nữ đi làm... để họ có thể thực hiện vai trò làm mẹ một cách trọn vẹn và hạnh phúc.

Điều quan trọng là mỗi người phụ nữ cần tìm ra con đường phù hợp nhất cho mình và gia đình, dựa trên hoàn cảnh và giá trị cá nhân của họ, để cân bằng giữa trách nhiệm làm mẹ và nhu cầu phát triển cá nhân.

Làm mẹ - hãy là một cuộc phiêu lưu thú vị

Chị Đ.T cho rằng: "Làm mẹ là một hành trình khám phá bản thân đầy bất ngờ. Nó không chỉ là sự hy sinh, là sự dành trọn tâm sức cho con cái, mà còn là một cơ hội để khai phá những khía cạnh tiềm ẩn trong chính mình. Một người phụ nữ khi làm mẹ, là dành trọn tình yêu thương, sự bao dung, sự kiên nhẫn cho con cái, nhưng đồng thời, người phụ nữ cũng là người học hỏi và trưởng thành từ chính những bài học mà con cái mang lại.

Đó là những khoảnh khắc vỡ òa hạnh phúc khi con cười, là sự trân trọng và yêu thương khi con bày tỏ tình cảm, là sự cảm thông sâu sắc khi con gặp phải khó khăn. Hành trình làm mẹ cũng là cuộc hành trình tìm kiếm bản thân. Người phụ nữ học cách yêu thương bản thân hơn, học cách đối diện với những thay đổi của cơ thể, của tâm lý; học cách chấp nhận sự không hoàn hảo, học cách tha thứ cho bản thân những sai lầm; vượt qua những thử thách, những áp lực từ xã hội, từ chính gia đình".

Bởi vậy, làm mẹ không chỉ là một thiên chức của phụ nữ, mà còn là một cuộc phiêu lưu đầy thú vị, là cơ hội để khám phá và yêu thương chính mình. Trong quá trình ấy, những gì người phụ nữ học được, trải nghiệm, chính là những bài học quý giá cho con cái của họ.

Trong vai trò làm mẹ, người phụ nữ có thể truyền đạt những bài học ấy không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng hành động, bằng cách sống một cuộc đời trọn vẹn và đầy ý nghĩa.

Ngô Thọ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/lam-me-chuyen-sau-va-su-ton-tai-cua-bat-binh-dang-gioi-trong-xa-hoi-hien-dai-179240705144756313.htm