Làn sóng Covid-19 mới: Không bi quan, luôn sẵn sàng

Thay vì bi quan trước diễn biến của dịch Covid-19, một số quốc gia giờ đây đang chuẩn bị sẵn sàng trước sự trở lại của làn sóng lây nhiễm mới.

Đẩy mạnh quá trình phân bổ, nâng cao ý thức của người dân, song song với duy trì các biện pháp phòng chống dịch sẽ giúp các quốc gia vượt qua đại dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Đẩy mạnh quá trình phân bổ, nâng cao ý thức của người dân, song song với duy trì các biện pháp phòng chống dịch sẽ giúp các quốc gia vượt qua đại dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters)

Những con số biết nói

Ấn Độ đang trở thành tâm điểm thế giới khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh hai tuần qua. Với ngày thứ 7 liên tiếp ghi nhận số ca mới trên 300.000 người, Ấn Độ trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai trên thế giới sau Mỹ.

Tuy nhiên, 42,5% dân số Mỹ đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, trong khi con số này tại Ấn Độ chỉ là chưa đầy 10%. Các chuyên gia lo ngại số ca nhiễm thực tế tại quốc gia Nam Á này có thể cao hơn tới 30 lần, tức hơn nửa tỷ trường hợp.

Đáng ngại hơn, khủng hoảng vì làn sóng Covid-19 thứ hai khiến Ấn Độ gặp khó trong tìm kiếm nguồn oxy và thuốc men để điều trị.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Narendra Modi đã họp nội các để đánh giá tình hình dịch, yêu cầu nâng cấp nhanh chóng cơ sở hạ tầng y tế.

Từ ngày 1/5, New Delhi sẽ cung cấp vaccine cho bất kỳ ai trên 18 tuổi. Các công ty Ấn Độ sẽ hoãn các hợp đồng vaccine lớn nhằm tập trung cung cấp nội địa. Chính phủ phê duyệt kế hoạch tăng nguồn cung cho hơn 500 nhà máy sản xuất oxy toàn quốc.

Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ cần thời gian để chứng minh hiệu quả và cho đến lúc đó, Ấn Độ rất cần sự giúp đỡ từ bên ngoài.

Láng giềng nhiều duyên nợ của New Delhi, Islamabad đã bày tỏ thiện chí và cho biết sẵn sàng cung cấp thiết bị cùng vật tư y tế.

Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu gửi máy thở và máy tạo oxy, trong khi Mỹ tạo điều kiện cho Ấn Độ sản xuất nhiều vaccine AstraZenecca hơn. Dường như cả thế giới đang hướng về Ấn Độ.

Tuy nhiên, Ấn Độ không phải là điểm nóng duy nhất. Tình hình dịch Covid-19 tại Brazil tiếp tục diễn biến phức tạp. Viện Y tế công Fiocruz dự báo khoảng 3.000 người tử vong/ngày do Covid-19 trong tuần tới.

Tình hình tại nhiều khu vực khác cũng không khả quan hơn. Tại châu Âu, tốc độ tiêm chủng vaccine đang chậm lại do lo ngại biến chứng sau khi tiêm tại một số quốc gia, chia rẽ trong Liên minh châu Âu (EU) về phân bổ vaccine và tâm lý hoài nghi của người dân.

Tại Đông Bắc Á, Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ tư. Tính đến ngày 26/4, số người chết vì Covid-19 của Nhật Bản đã chạm mốc 10.000 người, tăng gấp đôi trong ba tháng dù số ca nhiễm mới/ngày giảm còn 3.300 ca. Ngày 25/4, Nhật Bản buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp, đồng thời đẩy nhanh quá trình tiêm chủng vaccine Covid-19.

Tại Đông Nam Á, tình hình dịch Covid-19 trở lại tại Indonesia, Philippines, đặc biệt là tại các quốc gia đã ít nhiều thành công trong công tác phòng, chống dịch trước đó như Campuchia và Lào đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Người Do Thái nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêm chủng và điều này là một yếu tố then chốt, giúp Israel trở thành quốc gia có tốc độ tiêm phòng vaccine Covid-19 nhanh nhất thế giới.

Vững lòng trước sóng dữ

Trước tình hình đó, lo lắng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, giờ đây, thay vì mất phương hướng như thời gian đầu, các quốc gia đang chuẩn bị sẵn sàng cho sự trở lại của làn sóng lây nhiễm mới.

Ví dụ tiêu biểu có thể kể tới là Israel: Gần 5 triệu người, tương đương 55% dân số, đã tiêm hai mũi vaccine, trong khi 400.000 người đã tiêm mũi đầu tiên. Tính cả những người đã phục hồi sau khi mắc Covid-19, hơn 60% dân số Israel đã miễn dịch ở một mức nào đó với SARS-CoV-2.

Người Do Thái nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tiêm chủng và điều này là một yếu tố then chốt, giúp Israel trở thành quốc gia có tốc độ tiêm phòng vaccine Covid-19 nhanh nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, thành công của Israel không chỉ đến từ nỗ lực thúc đẩy tiêm vaccine, mà còn là kết quả các lệnh giới nghiêm gắt gao, ngay cả trong những ngày lễ như lễ Purim của người Do Thái hồi tháng Hai.

Tính đến cuối tháng Tư, số ca nhiễm mới Covid-19 đã giảm mạnh, từ mức 10.000 ca/ngày xuống còn khoảng 140 ca, với số ca nghiêm trọng ở nhiều bệnh viện giảm xuống mức một chữ số.

Quan trọng hơn, ngay cả khi thống kê cho thấy tình hình dịch Covid-19 tại đây tốt hơn so với nhiều quốc gia khác, Tel Aviv vẫn duy trì trạng thái cảnh giác cao.

Phát biểu hồi tuần trước, Tổng Giám đốc Bộ Y tế Israel Chezy Levy xác nhận số ca mắc Covid-19 giảm mạnh, song kêu gọi công chúng không nên xem dịch đã chấm dứt và tiếp tục đeo khẩu trang, hạn chế tới nơi đông người.

Vì thế, đẩy mạnh quá trình tiêm chủng, nâng cao ý thức của người dân, song song với duy trì các biện pháp phòng, chống dịch sẽ là cách các quốc gia vượt qua cơn sóng dữ mang tên Covid-19.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lan-song-covid-19-moi-khong-bi-quan-luon-san-sang-143847.html