Lan tỏa đạo lý 'uống nước nhớ nguồn'
Phát huy truyền thống 'Uống nước nhớ nguồn', công tác chăm sóc người có công với cách mạng luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm, thể hiện bằng những chính sách toàn diện và hành động cụ thể, thiết thực. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình chính sách không ngừng được cải thiện, góp phần lan tỏa sâu rộng đạo lý đền ơn đáp nghĩa trong cộng đồng.

Chủ tịch HĐND tỉnh Lò Văn Phương thăm, động viên gia đình bệnh binh Tòng Văn Lún, bản Na Phát, xã Na Son.
Trong những năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng của tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, các chế độ chính sách cho người có công và gia đình chính sách được thực hiện đầy đủ, chu đáo.
Hiện nay, tỉnh đang quản lý 16.832 hồ sơ người có công. Hàng tháng, các cơ quan chức năng thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi cho hơn 1.000 lượt người có công và thân nhân với tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng. Mức chi trả này được thực hiện theo Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024 của Chính phủ, đảm bảo các chế độ chính sách được cập nhật kịp thời. Đặc biệt, việc chi trả trợ cấp được hiện đại hóa qua hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đạt tỷ lệ 100% vào tài khoản cá nhân đã mở, tạo sự thuận tiện, minh bạch cho người thụ hưởng.

Tuổi trẻ phường Điện Biên Phủ thăm, tặng quà gia đình cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn bản Co Củ.
Bên cạnh các khoản trợ cấp thường xuyên, công tác giải quyết chế độ một lần, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, bảo hiểm y tế… cũng luôn được quan tâm. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn thực hiện tốt phong trào Đền ơn đáp nghĩa; 99,82% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được các cấp, ngành địa phương thực hiện trải đều trong năm và tập trung cao độ vào tháng 7. Nhiều hoạt động tiêu biểu như: Vận động ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa; tặng sổ tiết kiệm; giúp đỡ những gia đình người có công khó khăn, neo đơn dọn dẹp vệ sinh, thu hoạch mùa màng… Đặc biệt, những chuyến thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, dịp 27/7 đã trở thành một nét đẹp văn hóa, thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay.

Thương binh Lò Văn Khóa, bản Phiêng Muông, xã Mường Luân xúc động trước sự quan tâm của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở.
Trong những ngày này, nhiều đoàn của các đồng chí lãnh đạo tỉnh không quản ngại đường xá xa xôi, cách trở do mưa lũ vùng cao đã về khắp các địa phương thăm hỏi, động viên gia đình chính sách, càng làm ấm lòng những người có công. Mỗi món quà, mỗi lời thăm hỏi đều chứa đựng sự tri ân sâu sắc. Sự quan tâm chân thành ấy đã khiến nhiều gia đình chính sách vô cùng xúc động.
Tại bản Phiêng Muôn, xã Mường Luân, khi đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đến thăm, ông Lò Văn Khóa, thương binh 25% không giấu được nụ cười rạng rỡ. Thậm chí, mới chỉ gần 9 giờ sáng, nhưng ông vẫn nằng nặc giữ đoàn ở lại dùng bữa cơm thân mật cùng gia đình. Ông Lò Văn Khóa chia sẻ: "Tôi xúc động lắm! Đảng, Nhà nước không bao giờ quên những người lính già chúng tôi. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng được các đồng chí lãnh đạo không quản đường xa đến thăm hỏi, động viên thế này, chúng tôi thấy mình khỏe ra, thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Tình cảm này quý hơn bất cứ món quà vật chất nào, là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục sống vui, sống khỏe, làm gương cho con cháu".

Các lực lượng của xã Nậm Kè tham gia giúp gia đình chính sách tháo dỡ nhà cũ.
Còn tại xã biên giới Nậm Kè, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và ngân sách đối ứng của địa phương, nhiều hoạt động ý nghĩa đã được triển khai; trong đó, nổi bật là công tác hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách. Minh chứng rõ nét nhất trong những ngày tháng 7 này là câu chuyện của gia đình ông Hù Văn Sam, gia đình có công với cách mạng ở bản Nậm Kè. Căn nhà sàn đã xuống cấp, mối mọt của ông Sam đã được chính quyền xã huy động lực lượng hỗ trợ, dỡ bỏ để xây mới khang trang trên nền đất hơn 100m².
Ông Sam xúc động chia sẻ: "Thời gian qua, gia đình tôi đã được hưởng đầy đủ chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn, bản thân tôi lại hay đau yếu nên không có điều kiện sửa chữa nhà. Nay nhờ có chính quyền địa phương và 30 đoàn viên thanh niên xã Nậm Kè cùng bà con trong bản ủng hộ ngày công, gia đình tôi sắp có nhà mới. Chúng tôi rất biết ơn và sẽ yên tâm lao động, phát triển kinh tế”.
Ông Vũ Đức Thiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Kè, cho biết: “Chúng tôi xác định chăm lo nhà ở cho người có công là nhiệm vụ quan trọng, vừa thể hiện lòng biết ơn, vừa góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Năm 2025, xã có một hộ người có công được hỗ trợ 30 triệu đồng để sửa nhà, đến nay công trình đã được triển khai đúng tiến độ. Việc huy động nguồn lực từ cả ngân sách Trung ương, địa phương và cộng đồng là yếu tố then chốt để hoàn thành nhiệm vụ này”.

Cựu TNXP Phạm Thị Thủy, tổ 19, phường Điện Biên Phủ dọn dẹp ngôi nhà mới.
Không chỉ chính quyền, các tổ chức hội đoàn thể cũng phát huy vai trò chăm lo người có công. Điển hình như Hội Cựu Thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh đã tích cực vận động hỗ trợ cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong số đó có trường hợp bà Phạm Thị Thủy, trú tại tổ 19, phường Điện Biên Phủ. Gia đình hoàn cảnh khó khăn, chồng mất sớm, người phụ nữ nhỏ bé phải một mình gồng gánh kinh tế của gia đình. Thế nên, từ nhiều năm nay, bà vẫn phải sống trong ngôi nhà đơn sơ, cũ kỹ. Trước tình cảnh ấy, Hội Cựu TNXP tỉnh đã kết nối, kêu gọi các nguồn tài trợ được 65 triệu đồng. Với số tiền đó, cùng nguồn tích góp, hỗ trợ từ nhiều nguồn khác, bà đã xây được ngôi nhà kiên cố, rộng 90m2 với các công năng thiết yếu.
Bà Phạm Thị Thủy chia sẻ: “Tôi rất biết ơn sự quan tâm, sẻ chia của Hội Cựu TNXP và các cấp chính quyền. Nhờ đó, tôi mới có được ngôi nhà vững chãi để yên tâm an dưỡng tuổi già. Tuy vậy, cuộc sống của tôi vẫn còn nhiều khó khăn, sức khỏe yếu, thu nhập chỉ trông vào đồng lương ít ỏi. Tôi rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành để vượt qua khó khăn trong cuộc sống...”

Tuổi trẻ Điện Biên thắp nến tri ân anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1.
Chăm lo cho người có công không chỉ là chính sách, là đạo lý, mà còn là thông điệp nhân văn xuyên suốt trong hành trình phát triển bền vững của Điện Biên. Những hành động cụ thể như xây dựng nhà tình nghĩa, thăm hỏi, tặng quà, khám chữa bệnh, cải thiện điều kiện sinh hoạt… đang từng bước hiện thực hóa chủ trương "không để ai bị bỏ lại phía sau". Đây không chỉ là trách nhiệm, mà còn là tình cảm, là sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đối với những người đã hi sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả các chương trình chăm sóc người có công với cách mạng, mở rộng hoạt động tri ân bằng nhiều hình thức, huy động tối đa sự tham gia của toàn xã hội. Đó là cách để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, gìn giữ và bồi đắp truyền thống “uống nước nhớ nguồn” – giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam.
Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/xa-hoi/lan-toa-dao-ly-uong-nuoc-nho-nguon