Lan tỏa hành động tri ân
Sự ra đời của Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) gắn với quê hương cách mạng Thái Nguyên đã trở thành một dấu mốc lịch sử thiêng liêng, không chỉ nhắc nhớ về sự hy sinh của lớp lớp Anh hùng liệt sĩ, mà còn đặt ra trách nhiệm đối với thế hệ hôm nay trong việc chăm lo đời sống người có công với cách mạng. Từ nơi khởi nguồn 27-7, tinh thần 'uống nước nhớ nguồn' đã và đang lan tỏa bền bỉ qua tháng năm, qua những việc làm thiết thực và đầy ý nghĩa.

Các đại biểu dự khởi công xây dựng nhà mới cho gia đình chính sách, hộ nghèo ở xã Tân Kỳ từ nguồn kinh phí được Bộ Công an hỗ trợ, ngày 24/7/2025.
Cách đây 78 năm, chiều 27/7/1947, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, cuộc mít tinh kỷ niệm “Ngày Thương binh” lần thứ nhất được tổ chức với sự tham dự của 300 đại biểu. Tại buổi Lễ, Ban Tổ chức đọc bức thư của Hồ Chủ tịch gửi anh em thương binh toàn quốc.
Trong thư Người viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào... Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy. Ngày 27-7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh...”.
Đến tháng 7-1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”. Sau Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), ngày 27-7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước.
Kể từ đó, ngày 27-7 trở thành dịp tri ân thiêng liêng, mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc; đồng thời nhắc nhở mỗi người về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và trách nhiệm sống, học tập, lao động, cống hiến để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh. Dù chiến tranh đã lùi xa, tinh thần tri ân vẫn không ngừng được gìn giữ, lan tỏa trong đời sống hôm nay.

Các đơn vị chức năng tổ chức chương trình khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí và tặng quà gia đình chính sách ở xã Đại Phúc.
Trên mảnh đất khởi nguồn Ngày Thương binh - Liệt sĩ, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” được gìn giữ và bồi đắp bằng những hành động cụ thể. Hằng năm, các đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Thái Nguyên đều tổ chức dâng hương tại Khu di tích lịch sử 27-7, như một nghi thức thiêng liêng gợi nhắc công ơn của những người đã ngã xuống.
Lễ thắp nến tri ân, các hành trình về nguồn, hoạt động tuyên truyền lịch sử, gặp mặt nhân chứng... được tổ chức thường xuyên, lan tỏa từ tỉnh đến cơ sở, góp phần bồi đắp đạo lý đã trở thành cốt cách của dân tộc.
Ở Thái Nguyên, hai chữ “tri ân” không chỉ hiện diện trong lời nói, mà được lan tỏa bằng sự vào cuộc đồng bộ, bền bỉ của cả hệ thống chính trị. Trước thời điểm sáp nhập, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã hoàn thành sớm kế hoạch hỗ trợ xây mới, sửa chữa gần 2.000 căn nhà cho người có công theo chỉ đạo của Chính phủ. Mỗi ngôi nhà được bàn giao không chỉ mang giá trị vật chất, mà còn là lời tri ân sâu sắc gửi tới người có công.
Sau khi hợp nhất tỉnh, Thái Nguyên tiếp tục huy động nguồn lực, mở rộng chương trình hỗ trợ đến những địa phương vùng cao còn nhiều khó khăn. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Việt Hùng “Tinh thần phải cao hơn, cách làm phải sáng tạo hơn, quyết tâm phải rõ ràng hơn”, nhiều công trình nhà ở cho người có công tiếp tục được khởi công, hoàn thiện đúng tiến độ, hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ vận chuyển vật liệu xây dựng giúp nhân dân xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Không dừng lại ở việc hỗ trợ đúng đối tượng, đúng thời điểm, nhiều địa phương còn chủ động nâng chất lượng công trình, đảm bảo tính bền vững, tiện nghi.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều văn bản, chương trình cụ thể nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Trên cơ sở đó, các ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đồng loạt triển khai nhiều hoạt động thiết thực, mang tính xã hội hóa sâu rộng, hỗ trợ thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam Anh hùng bằng cả tấm lòng và trách nhiệm.
Hằng năm, vào dịp 27-7, các đoàn công tác của tỉnh và các cấp, ngành, địa phương không chỉ mang theo những phần quà nghĩa tình, mà còn lắng nghe, thăm hỏi, sẻ chia với những con người từng hy sinh một phần xương máu cho Tổ quốc. Từ những cái nắm tay, lời hỏi han,sự lắng nghe chia sẻ đã góp phần bồi đắp mối quan hệ gắn bó giữa chính quyền và nhân dân, giữa thế hệ hôm nay với những người đã làm nên độc lập, tự do cho đất nước.
Cùng với đó, hàng nghìn suất quà tri ân đã được trao tận tay người có công; nhiều đợt khám, chữa bệnh miễn phí được tổ chức; các hoạt động tôn tạo nghĩa trang, chăm sóc phần mộ liệt sĩ cũng được duy trì đều đặn.
Công tác giáo dục truyền thống được đẩy mạnh trong nhà trường và các tổ chức đoàn thể. Những hành trình về nguồn, lễ thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ, các buổi giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử… đã góp phần giúp thế hệ trẻ thấm thía hơn giá trị của độc lập tự do, hiểu sâu sắc rằng hòa bình hôm nay là kết tinh từ máu xương của bao thế hệ cha anh. Mỗi hành động, dù nhỏ, đều được triển khai bài bản, có trọng tâm và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà và kiểm tra tiến độ xóa nhà tạm tại gia đình ông Hoàng Ngọc Ký, là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, ở thôn Nà Lạn, xã Hiệp Lực.
Tri ân người có công với cách mạng không chỉ là đạo lý cần được gìn giữ qua mọi thế hệ, mà còn là sợi dây bền chặt kết nối quá khứ với hiện tại, hun đúc niềm tin và khát vọng cho tương lai. Trên mảnh đất cách mạng Thái Nguyên, truyền thống ấy đang được nuôi dưỡng và tiếp nối bằng những chính sách đồng bộ, bằng sự chung tay của cả hệ thống chính trị và bằng tình cảm chân thành từ mỗi người dân.
Từng mái nhà nghĩa tình được dựng lên, từng tấm lòng sẻ chia được lan tỏa, tất cả như những nhịp cầu vững chãi nối dài tinh thần tri ân người có công. Và để ngọn lửa truyền thống ấy mãi cháy sáng, cần tiếp tục khơi dậy trách nhiệm, sáng tạo và lòng nhân ái trong từng hành động, dù là nhỏ nhất.
Bởi tri ân không chỉ dừng lại ở lời nói hay những dịp lễ tưởng niệm, mà hiện hữu trong từng việc làm cụ thể, trong cách chúng ta cùng nhau dựng xây một xã hội nghĩa tình, nơi người có công luôn được trân trọng, và thế hệ mai sau luôn biết tự hào, biết ơn và tiếp bước trên con đường mà cha anh đã mở lối bằng máu và niềm tin.
Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202507/lan-toa-hanh-dong-tri-an-c1d4f4d/