Làng Nhà văn đầu tiên của Trung Quốc

Chuyến thăm Làng Nhà văn Đông Quản là dịp để các nhà văn ASEAN và Trung Quốc thắt chặt tình đoàn kết, mở rộng giao lưu và học hỏi lẫn nhau.

Các tác giả Việt Nam trước cổng vào làng Nhà văn Đông Quản. (Ảnh TGCC)

Các tác giả Việt Nam trước cổng vào làng Nhà văn Đông Quản. (Ảnh TGCC)

Tháng Năm vừa qua có một sự kiện văn hóa đặc biệt, đoàn nhà văn đến từ 10 quốc gia ASEAN cùng các nhà văn trẻ đầy triển vọng của Trung Quốc hội tụ tại một địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa đương đại: Làng Nhà văn đầu tiên của Trung Quốc, tọa lạc tại thị trấn Đông Quản, tỉnh Quảng Đông.

Chuyến thăm là hoạt động giao lưu văn học và cơ hội khám phá một mô hình độc đáo, nơi những tâm hồn nghệ sĩ tìm thấy không gian sống và sáng tạo lý tưởng.

Câu chuyện hình thành thú vị

Ngay từ cổng vào, một phiến đá lớn khắc trang trọng dòng chữ Làng Nhà văn đã khơi gợi sự tò mò và kính trọng trong lòng mỗi thành viên của đoàn. Bước qua cổng vào làng, một thế giới yên bình và tràn đầy cảm hứng mở ra.

Lối đi chính được lát bằng vật liệu nhựa đường cao cấp màu nâu đỏ hiện đại, vừa bảo đảm tính thẩm mỹ vừa tạo sự thoải mái cho bước chân của những người nghệ sĩ. Hai bên đường là những khu vườn xanh mát, nơi những hàng dâu da và nhãn đang mùa kết trái non vươn mình đón nắng; xen kẽ là những luống rau cải, cà tím xanh tươi, mơn mởn dưới bàn tay chăm sóc tỉ mỉ.

Nhà văn Lý Cường, đại diện Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Trung Quốc, giới thiệu sơ bộ về ngôi làng đặc biệt này. Ông cho biết, những cư dân nơi đây phần lớn là nhà văn, họ coi ngôi làng như ngôi nhà thứ hai, thậm chí là nơi an cư lạc nghiệp.

Công việc làm vườn là thú vui tao nhã và phương thức thư giãn hiệu quả của nhà văn sau những giờ miệt mài bên trang giấy. Những sản phẩm tươi xanh từ khu vườn còn góp phần làm phong phú thêm bữa ăn hàng ngày của họ.

Câu chuyện về sự hình thành của Làng Nhà văn Đông Quản cũng đầy thú vị. Nhà văn Vương Tùng được xem là người tiên phong đặt chân đến mảnh đất này vào năm 2007. Vẻ đẹp sơn thủy hữu tình, không gian thanh tĩnh lay động trái tim nghệ sĩ. Ông chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm của mình với đồng nghiệp và dần dần, nhiều nhà văn khác bị thu hút, tìm đến mua đất xây nhà, tạo nên một cộng đồng văn chương sơ khai. Chính sự hiện diện của những người cầm bút mang lại danh tiếng cho vùng đất này.

Đi bộ trong Làng Nhà văn Đông Quản. (Ảnh TGCC)

Đi bộ trong Làng Nhà văn Đông Quản. (Ảnh TGCC)

Vương Tùng chủ yếu được biết đến với vai trò là nhà quản lý văn học, người tổ chức và kiến trúc sư của Làng Nhà văn đầu tiên của Trung Quốc. Ông là người có công lớn trong việc khởi xướng và phát triển mô hình Làng Nhà văn ở Đông Quản, tỉnh Quảng Đông.

Mục đích của ông là xây dựng cộng đồng, môi trường lý tưởng để các nhà văn có thể chuyên tâm sáng tác, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm. Làng Nhà văn này được kỳ vọng phát triển thành một “thánh địa” cho những người làm văn chương, mô hình độc đáo với không gian sáng tác và sinh hoạt, nơi tạo cảm hứng tuyệt vời cho các nhà văn.

Với vai trò là “trưởng làng” đầu tiên, ông đã đóng góp vào việc định hình và vận hành không gian văn hóa này. Năm 2010, khi nhận thấy tiềm năng văn hóa to lớn, chính quyền thị trấn Đông Quản kịp thời ban hành những chính sách hỗ trợ thiết thực dành cho các nhà văn đến cư trú.

Sự quan tâm này tạo thêm động lực, thu hút ngày càng nhiều nhà văn từ khắp mọi miền đất nước hội tụ về đây. Đến nay, Làng Nhà văn Đông Quản là mái nhà chung của hơn 500 nhà văn, trong đó có 65 nhà văn từng đoạt giải thưởng văn học cao quý cấp quốc gia.

Mỗi nhà văn trong làng đều sở hữu một không gian riêng tư, một ngôi nhà được thiết kế hài hòa với cảnh quan xung quanh, bên trong không thể thiếu thư phòng trang nhã, nơi ươm mầm những ý tưởng sáng tạo. Bên cạnh đó, phòng trà ấm cúng là nơi các nhà văn có thể thư giãn, trò chuyện, trao đổi về văn chương và cuộc sống.

Sự gắn kết này tạo nên một cộng đồng văn học mạnh mẽ, không chỉ khơi nguồn cảm hứng sáng tác mà còn thu hút du khách thập phương đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của ngôi làng.

Dạo bước trên những con đường nhỏ lát đá len lách giữa các dãy nhà, giữa những bức tường rêu phong cổ kính, người ta có cảm giác như lạc vào một trang sách lịch sử sống động. Những chiếc đèn lồng đỏ treo dọc lối đi mang đến vẻ đẹp truyền thống và ẩn chứa những câu chuyện văn hóa sâu sắc.

Buổi giao lưu văn chương ấm áp

Trong chuyến thăm của đoàn nhà văn ASEAN và Trung Quốc, cư dân của làng nhiệt tình mở cửa đón khách quý. Hương trà thơm lan tỏa khắp không gian.

Nhà thơ Vương Nhất Đinh là một trong những người tham gia tích cực nhất. Ông tự tay pha trà mời khách, giới thiệu những tập thơ tâm huyết, say sưa trò chuyện, trao đổi về thi ca với các đồng nghiệp quốc tế.

Màn đọc thơ giao lưu ngẫu hứng tại ngã ba đường trong làng đã tạo nên một bầu không khí văn chương vô cùng kỳ thú và đáng nhớ. Nhà thơ Vương Nhất Đinh đã đọc một đoạn trong bài phú Vân Sơn của ông:

…Hồ Nam tươi đẹp, đất ngàn năm một cõi;

Vân Sơn hùng vĩ, sông Tứ chảy tràn.

Phía Đông vươn tới vẻ hiểm trở của Hành Sơn,

Phía Nam ngắm nhìn sự hùng tráng của Việt Quế,

Mạch nguồn từ vẻ tú lệ của Tuyết Phong,

Đỉnh núi bao trọn cảnh giới thoát tục.

Dưới chân Vân Sơn, lừng lẫy Đô Lương;

Ngàn năm vương thành, đất lành Vũ Cương.

Thiên tử ghé thăm, ngự bút huy hoàng;

Linh khí tụ hội, văn chương lấp lánh.

Hương lan bay xa, nhật nguyệt dài lâu…

Nhà thơ Vương Nhất Đinh ngẫu hứng đọc thơ tại ngã ba làng Nhà văn Đông Quản. (Ảnh TGCC)

Nhà thơ Vương Nhất Đinh ngẫu hứng đọc thơ tại ngã ba làng Nhà văn Đông Quản. (Ảnh TGCC)

Các nhà văn nước ngoài được mời ghi lưu bút và ước vọng của mình lên những tàu bay giấy và gắn lên tường làng… Sau đó, tại Hội trường của làng, sự kiện bất ngờ chào đón các nhà văn ASEAN là buổi thưởng trà, ăn bánh ngọt, vải thiều và nghe nhạc do chính cư dân là các nhà văn của làng tổ chức.

Buổi giao lưu văn chương diễn ra ấm áp, thoải mái. Đại diện làng chia sẻ câu chuyện làm nghề với những thuận lợi và thách thức nhất định, khiến các nhà văn ASEAN ấn tượng sâu sắc. Họ say sưa ngắm vẻ đẹp kiến trúc, những khu vườn xanh mát nơi đây, trầm trồ đánh giá cao sự đầu tư bài bản vào các thiết chế văn hóa như khu triển lãm sách, tranh ảnh, thư viện, bảo tàng.

Bảo tàng của làng lưu giữ hình ảnh và thông tin về toàn bộ các nhà văn cư trú, đồng thời có một khu vực trang trọng tôn vinh những tác giả đoạt giải thưởng Lỗ Tấn danh giá.

Nhà văn trẻ Singapore Lin Yijun bày tỏ ngưỡng mộ: “Tôi thực sự ấn tượng với mô hình Làng Nhà văn này. Đây là ý tưởng tuyệt vời để các nhà văn có thể sống gần gũi, thường xuyên trao đổi ý tưởng, khơi nguồn cảm hứng sáng tác và hỗ trợ lẫn nhau trong sự nghiệp”.

Chung quan điểm, nhà văn Thái Lan Paravinee Yangjaroenyuenyoung chia sẻ: “Tôi hy vọng trong tương lai, đất nước chúng tôi có thể học tập kinh nghiệm của Trung Quốc để thành lập ngôi làng dành cho các nhà văn. Tôi tin rằng môi trường như thế này góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền văn học khu vực”.

Làng Nhà văn Đông Quản cho thấy văn chương trong thực tế có thể “tỏa hương” tới nhiều cộng đồng nhờ sáng kiến tạo nên một môi trường nuôi dưỡng và trân trọng các tác giả.

Mô hình độc đáo này là sự kết hợp giữa không gian sống lý tưởng và cộng đồng những người làm công việc sáng tạo, hứa hẹn tiếp tục đóng góp những giá trị to lớn cho nền văn học Trung Quốc và khu vực trong tương lai.

KIỀU BÍCH HẬU

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lang-nha-van-dau-tien-cua-trung-quoc-320554.html