'Lãng phí rất lớn khi cán bộ đua nhau học văn bằng, chứng chỉ'

Theo các đại biểu Quốc hội, việc cán bộ, công chức phải thi nhau đi học quá nhiều chứng chỉ, bằng cấp nhằm đủ điều kiện cho việc quy hoạch và bổ nhiệm là lãng phí lớn.

Sau một buổi thảo luận tại tổ, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường sáng 26/7.

Các đại biểu Quốc hội đều nhất trí cao khi Chính phủ đề xuất triệt để tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi như khởi công, khánh thành, đi công tác nước ngoài.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu trước diễn đàn Quốc hội một sự lãng phí lớn, đó là việc cán bộ, công chức, viên chức "thi nhau" đi học quá nhiều chứng chỉ, bằng cấp nhằm đủ điều kiện cho việc quy hoạch và bổ nhiệm.

Theo ông Cường, khi còn đương chức, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng đã phải thừa nhận sự lãng phí việc này. Nhắc thực tế một vị trí quy hoạch 3-4 người nên tất cả phải đi học để có đầy đủ chứng chỉ, vị đại biểu cho rằng cần thay đổi quy định theo hướng sau khi nhân sự được bổ nhiệm vào vị trí thì mới đi học, không phải đi học trước để có đủ điều kiện.

 Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu dẫn chứng về lãng phí khi cán bộ, công chức, viên chức "thi nhau" đi học quá nhiều chứng chỉ, bằng cấp nhằm đủ điều kiện cho việc quy hoạch và bổ nhiệm. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu dẫn chứng về lãng phí khi cán bộ, công chức, viên chức "thi nhau" đi học quá nhiều chứng chỉ, bằng cấp nhằm đủ điều kiện cho việc quy hoạch và bổ nhiệm. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng lãng phí có những việc thấy được, đo đếm được nhưng rất nhiều thứ lại không thấy và đo đếm được.

Ông cũng nêu thực tế nhiều quy định về văn bằng, chứng chỉ không hợp lý khiến nhiều người phải đua nhau đi học. “Nhiều khi không biết học để làm gì cũng cứ học, vì thấy người bên cạnh học, người trong cơ quan học thì mình cũng học”, ông Trí dẫn chứng về sự lãng phí.

“Một chủ trương chính sách sai sẽ gây ra lãng phí cực kỳ lớn, không đo đếm được. Tham nhũng đáng lên án, phê phán, lãng phí còn phải hơn thế nữa vì lãng phí là mất mát, là thất thoát”, vị đại biểu Hà Nội nêu quan điểm.

Ông Trí cũng chia sẻ “xót xa vô cùng” khi thấy những mảnh đất rộng bỏ hoang hóa 3-5 năm, thậm chí 10 năm, khiến nhân dân rất bức xúc. Theo ông, chống lãng phí không phải đợi để bắt, cho vào tù mà nên bắt nguồn từ những việc không gây lãng phí.

Từ đó, đại biểu đề nghị phải đẩy mạnh giáo dục, truyền thông về tiết kiệm, chống lãng phí, coi tiết kiệm là lẽ sống, là đạo đức để sống, thực hành, quản lý xã hội.

Nhìn ra các nước, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận định những nước giàu thường rất tiết kiệm, và nhờ tiết kiệm, chống lãng phí tốt nên họ “đã giàu càng giàu thêm”.

Cũng theo ông Nghĩa, phải tăng cường các biện pháp chống lãng phí trong việc sử dụng tài sản công. Bởi thực tế, nhiều người khi sử dụng tài sản cá nhân rất tiết kiệm nhưng khi sử dụng tài sản công lại rất lãng phí.

Cũng nhắc đến việc sử dụng tài sản công, đại biểu Hoàng Văn Cường phản ánh tình trạng lãng phí trong thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công, rồi có những dự án đầu tư xong nhưng không hiệu quả hoặc hiệu quả không cao…

Bên cạnh đó, việc sử dụng tài sản công, trụ sở làm việc và tài sản doanh nghiệp, đặc biệt là ở những khu đất vàng cũng đang gây ra nhiều lãng phí. Một số cơ quan xây dựng trụ sở mới nhưng không trả trụ sở cũ, khiến đất đai bị lãng phí, địa phương mất đi cơ hội khai thác.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lang-phi-rat-lon-khi-can-bo-dua-nhau-hoc-van-bang-chung-chi-post1243458.html