Lào Cai: Khẩn trương dập dịch sâu xanh ăn trụi lá rừng cây Bồ đề

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cho biết, toàn tỉnh có trên 7.000 ha rừng trồng loài cây Bồ đề, thời gian gần đây do diễn biến thời tiết bất thường đã phát sinh dịch sâu xanh ăn lá gây hại trên nhiều diện tích loài cây này.

Trong đó, huyện Bảo Thắng có xã Thái Niên bị 35 ha, xã Bản Cầm 20 ha; xã Liêm Phú (huyện Văn Bàn 25,4 ha bị sâu xanh gây hại trụi hết lá chỉ còn trơ cành.

Theo các kỹ sư lâm nghiệp tỉnh Lào Cai, sâu hại cây Bồ đề tên khoa học là Fentonia sp, chỉ ăn lá bồ đề, không ăn các loại lá cây khác. Nếu cây bị nhiều lứa sâu xanh gây hại nặng liên tục có thể không còn khả năng phục hồi và bị chết.

 Ảnh rừng cây bồ đề bị sâu hại ở xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn chỉ còn cành (Ảnh Chi cục Kiểm lâm Lào Cai cung cấp).

Ảnh rừng cây bồ đề bị sâu hại ở xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn chỉ còn cành (Ảnh Chi cục Kiểm lâm Lào Cai cung cấp).

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai đang khẩn trương chỉ đạo các biện pháp phòng trừ sâu hại cây Bồ đề theo 3 biện pháp chủ yếu, trong đó ưu tiên sử dụng biện pháp thủ công trong trường hợp mức độ gây hại nhẹ nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của thuốc bảo vệ thực vật.

Biện pháp thủ công nên sử dụng bẫy đèn để bắt và tiêu diệt sâu trưởng thành; xới xáo quanh gốc cây (toàn bộ hình chiếu tán lá), diệt các ổ trứng, giết ổ sâu non mới nở, kết hợp chăm sóc, phá vỡ kén đất, nhộng.

Trồng cây Bồ đề hỗn giao với một số cây như Mỡ, Nứa... hạn chế dịch sâu hại nghiêm trọng. Không trồng Bồ đề quá dày, Bồ đề tuổi 3 nên chỉ để ở mật độ 800 - 1000 cây/ha là phù hợp.

Biện pháp sinh học là bảo vệ các loài thiên địch có sẵn như ong ký sinh và kiến ăn sâu non và trứng.

Chi cục Kiểm lâm Lào Cai cũng khuyến cáo trong trường hợp sâu hại phát sinh gây hại nặng, trên diện rộng mới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ như Victory 585EC, Wavotox 585EC, Neretox 95 WP,...

Với những diện tích rừng có địa hình thấp, nguồn nước thuận lợi, cây tuổi 1-2 (cây còn thấp): Sử dụng những loại thuốc hóa học có tác dụng tiếp xúc, xông hơi mạnh pha với nước dùng bình phun để phun phòng trừ ví dụ như: Victory 585EC, Wavotox 585EC,...

Với những diện tích rừng trên 3 năm tuổi, địa hình cao, không có nguồn nước nên sử dụng những loại thuốc có hoạt chất Nereistoxin ví dụ như: Neretox 95 WP liều lượng 1,1 kg trộn đều với 6-7 kg bột nhẹ phun cho 1 ha; dùng máy phun động cơ phun thuốc dạng bột phun theo từng băng rộng 10 -15 m theo đường đồng mức từ trên xuống dưới.

Những diện tích đồi, núi cao không thể áp dụng các biện pháp trên thì sau đợt sâu hại cần kiểm tra, bón bổ sung phân bón cho cây ra lá mới, phục hồi sinh trưởng, tỉa, dặm lại những cây bị chết để đảm bảo mật độ.

Còn những diện tích rừng sắp đến tuổi thu hoạch, nếu bị nhiễm nặng thì có thể thu hoạch sớm để tránh phải phun thuốc bảo vệ thực vật.

Đối với những diện tích đã xử lý thực bì, xới đất, phun thuốc dưới tán sử dụng vôi bột rắc lên để khử các mầm bệnh và sinh vật gây hại còn tồn dư.

Cũng trong dịp này vùng trồng cây quế lớn của tỉnh Lào Cai ở các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng đang phát sinh một số sâu bệnh hại, nhất là loài sâu đo đã làm cho hàng trăm héc ta rừng quế non bị sâu bệnh tàn phá.

Do đó ngành nông nghiệp phát triển nông thôn phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai hướng dẫn chủ rừng quế chủ động phòng chống sâu bệnh, trong đó cho phép thuê dịch vụ sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc diệt sâu đo ở khu vực rừng quế có mật độ sâu cao.

Phạm Ngọc Triển

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lao-cai-khan-truong-dap-dich-sau-xanh-an-trui-la-rung-cay-bo-de-post271246.html