Lào Cai mới cần một tư duy công nghiệp hoàn toàn mới để trở thành thành phố ASEAN

Việc sáp nhập hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái không chỉ đơn thuần là điều chỉnh địa giới hành chính, mà cần được nhìn nhận như một bước ngoặt chiến lược trong tiến trình công nghiệp hóa vùng Tây Bắc.

Từ điểm tựa địa chính trị đến chiến lược công nghiệp bền vững

Lào Cai nằm ở vị trí trung tâm của hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – ASEAN. Sau sáp nhập, tỉnh có diện tích hơn 13.000 km², dân số 1,66 triệu người, GRDP tổng hợp ước đạt 123.600 tỷ đồng (2024). Đây là nền tảng lý tưởng để tái cấu trúc không gian phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại và có khả năng hội nhập sâu.

Chiến lược phát triển công nghiệp của Lào Cai mới cần dựa trên ba trụ cột xuyên suốt:

- Công nghiệp xanh, chế biến sâu, công nghệ cao

- Logistics thông minh, xuyên biên giới

- Thể chế đặc thù, thu hút đầu tư chất lượng cao

5 cụm động lực công nghiệp: Đặt nền móng cho nền kinh tế vùng cao kiểu mới

Lào Cai không thiếu tài nguyên, nhưng điểm khác biệt cần đến từ tư duy khai thác giá trị gia tăng. Theo đó, chiến lược phát triển 5 cụm công nghiệp chủ lực được đề xuất gồm:

1. Chế biến sâu tài nguyên khoáng sản: Tập trung tại Tằng Loỏng, Bảo Thắng – nơi có trữ lượng apatit, đồng, molypden, graphit hàng đầu cả nước. Việc đầu tư vào luyện kim sạch, phân bón cao cấp, vật liệu năng lượng sẽ chuyển hóa tài nguyên thành chuỗi sản phẩm công nghệ.

2. Chế biến sâu nông – lâm sản bản địa: Các vùng Văn Yên, Trấn Yên, Văn Bàn, Lục Yên có thế mạnh chè, quế, dược liệu, gạo đặc sản. Cần xây dựng trung tâm logistics nông sản, bảo quản lạnh, chuẩn hóa vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu.

3. Logistics – thương mại biên giới: ICD quốc tế Lào Cai, trung tâm logistics Văn Yên là chìa khóa để Lào Cai trở thành đầu mối vận tải xuyên Á. Với các tuyến đường sắt – cao tốc liên vận, vùng này sẽ kết nối trực tiếp với Hải Phòng, Trung Quốc và ASEAN.

4. Công nghiệp công nghệ cao – sản xuất thông minh quy mô vừa: Lắp ráp điện tử, thiết bị nông nghiệp, công nghệ du lịch sẽ phát triển tại Bảo Yên, Trấn Yên. Đây là lĩnh vực phù hợp với địa hình đồi núi và lực lượng lao động trẻ.

5. Công nghiệp văn hóa – du lịch – sinh thái: Phát triển hàng thủ công, mỹ nghệ dân tộc, thiết kế thời trang bản địa... gắn với du lịch cộng đồng tại Sa Pa, Y Tý, Mù Cang Chải.

Cần cơ chế đặc thù để bứt phá

Lào Cai không thể bứt phá nếu không có cơ chế vượt trội. Tôi đề xuất thành lập “Khu kinh tế biên giới đặc biệt ASEAN – Lào Cai”, với các ưu đãi như:

- Thuế TNDN 10% trong 15 năm;

- Miễn thuế nhập khẩu thiết bị xanh, miễn tiền thuê đất;

- Cơ chế “một cửa – hai quốc gia” tại cửa khẩu Kim Thành – Hà Khẩu;

- Giữ lại 100% phần vượt thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 10 năm để tái đầu tư hạ tầng chiến lược.

Bên cạnh đó, chính quyền TP. Lào Cai cần được trao quyền tự quyết cao trong phê duyệt đầu tư, quy hoạch – tương đương mô hình chính quyền đô thị đặc biệt.

Đột phá hạ tầng – nhân lực

Không có lựa chọn nào khác nếu Lào Cai muốn phát triển bền vững. Trong đó, cần ưu tiên hoàn thành 2 trục hạ tầng chiến lược gồm: Đường sắt cao tốc Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng (203.231 tỷ đồng): là trục logistics xuyên Á, kết nối Trung Quốc – ASEAN – đường biển; Cao tốc Nội Bài – Lào Cai mở rộng lên 6 làn (7.668 tỷ đồng), cần hoàn thành trước 2026.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Cùng với đó là sân bay Sa Pa, cầu Bản Vược – Bá Sái, và hệ thống vành đai vùng cao kết nối Mù Cang Chải – Văn Chấn – Sa Pa – Lào Cai.

Nhân lực cũng phải được đầu tư đúng mức. Tôi đề xuất thành lập: Trường Cao đẳng Công nghiệp Biên giới ASEAN – Lào Cai; Trung tâm khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo vùng Tây Bắc; Trường quốc tế vùng cao, đào tạo đa ngôn ngữ: Trung – Anh – ASEAN.

Lào Cai - thành phố ASEAN tại biên giới Việt – Trung

Với một tầm vóc mới, quy mô mới và vị thế mới, Lào Cai – trong tương lai không xa – hoàn toàn có thể vươn lên trở thành thành phố ASEAN tại biên giới Việt – Trung, trung tâm kết nối logistics, công nghiệp xanh và giao thương quốc tế.

Lào Cai mới phải được phát triển bằng tư duy chọn lọc, hành động chiến lược, chứ không thể chỉ là phép cộng cơ học của hai địa phương. Đây là thời khắc để tái định hình chiến lược công nghiệp miền núi – nơi không chỉ khai thác tài nguyên, mà phải sản xuất tri thức, sản phẩm sạch, dịch vụ chất lượng cao.

Với nền tảng địa kinh tế – chính trị, sự đồng hành của Trung ương, và quyết tâm của địa phương, tôi tin Lào Cai có thể trở thành hình mẫu phát triển công nghiệp xanh – thông minh – hội nhập quốc tế của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Luật sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Điệp

Luật sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Điệp

Luật sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Điệp
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec
Chuyên gia phát triển bất động sản công nghiệp sinh thái tại Việt Nam

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/lao-cai-moi-can-mot-tu-duy-cong-nghiep-hoan-toan-moi-de-tro-thanh-thanh-pho-asean-99885.html