Lao động trẻ, phổ thông đối mặt thách thức trong tuyển dụng
Thị trường lao động ngày càng cạnh tranh gay gắt, nhất là trong các ngành 'nóng' như công nghệ thông tin, marketing và thương mại điện tử. Đặc biệt, nhóm lao động phổ thông đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên
Thị trường lao động ngày càng cạnh tranh gay gắt
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), thu nhập bình quân của người lao động trng 6 tháng đầu năm nay là 8,3 triệu đồng/tháng, tăng 10,1%, tương ứng tăng 760 nghìn đồng, so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,22%, giảm nhẹ 0,05 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên trong bức tranh chung ấy, nhiều người lao động, nhất là lao động phổ thông và lao động trẻ, vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn. Cũng theo số liệu từ Cục Thống kê, quý II/2025, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2025 là 2,24%, tăng 0,04 điểm phần trăm so với quý trước; trong đó tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi là 8,19%, tăng 0,26 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,18 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Anh Hoàng Đình Trọng (sinh năm 2001, quê Thanh Hóa) cho biết, 3 tháng nay, anh sống nhờ tiền hỗ trợ của bố mẹ ở quê, ở nhà nhà trọ của bạn trong giai đoạn đi tìm việc làm. Đình Trọng tốt nghiệp ngành công nghệ kỹ thuật ô tô (Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải) năm 2024 và xin được việc tại một đại lý ô tô ở phường Láng (Hà Nội). Ngay sau Tết Nguyên đán, anh Trọng cùng hàng chục đồng nghiệp bị thôi việc vì kinh doanh khó khăn, công ty cắt giảm nhân sự.
“Tôi rải hồ sơ xin việc khắp nơi, cũng có nơi gọi đến phỏng vấn nhưng chưa có việc chính thức vì chưa đủ kinh nghiệm. Một số yêu cầu, kỹ năng mềm không đáp ứng được. Tôi tính về quê nhưng ở quê thực sự không có công việc nào phù hợp với ngành đã được học, trừ các cửa hàng sửa chữa ô tô. Nghĩ 4 năm đại học, công sức của bố mẹ, sự cố gắng của bản thân, tôi lại tiếc nuối nên cố bám trụ ở đây xin việc”, anh Trọng nói.
Không chỉ lao động có tay nghề vẫn bị thất nghiệp, không ít lao động phổ thông cũng khó xin việc. Anh Dương Tuấn Hưng, quê Cao Bằng, làm nhân viên bảo vệ của một điểm trông giữ xe tại phường Hà Đông (Hà Nội) từ năm 2016. Tháng 7/2024, anh Hưng mất việc vì sau khi đấu thầu lại, công ty nơi anh làm việc không còn trúng thầu được trông giữ xe. Anh xin làm nhân viên bảo vệ cho một kho hoa quả ở phường Hà Đông nhưng cũng chỉ hơn nửa năm thì lại mất việc do tình hình kinh doanh khó khăn, đại lý phân phối giảm nên công ty ưu tiên nhóm bảo vệ cũ.
Tại TP. Hồ Chí Minh, tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ đang là đề tài được bàn luận sôi nổi. Dù được đào tạo chính quy và tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân loại giỏi, nhiều bạn trẻ vẫn phải chật vật tìm kiếm việc làm.
Theo Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến ngày 31/5, cơ quan này đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 45.820 người. Đáng lưu ý, số lượng lao động dưới 35 tuổi thất nghiệp gần 22.400 người, chiếm hơn 49%. Đặc biệt, người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp là 9.297 người, chiếm hơn 20%.
Nỗ lực giải quyết việc làm lao động trẻ đối diện nhiều khó khăn
Theo các chuyên gia lao động, bên cạnh độ tuổi và trình độ, tỷ lệ thất nghiệp còn phản ánh xu hướng dịch chuyển ngành nghề do ảnh hưởng của công nghệ. Một số lĩnh vực có tỷ lệ lao động mất việc cao gồm công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng và dệt may - da giày. Đặc biệt, ngành công nghệ thông tin - lĩnh vực được xem là đầu tàu trong nền kinh tế số cũng không nằm ngoài làn sóng sa thải.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ tốc độ chuyển đổi công nghệ quá nhanh, yêu cầu kỹ năng cao hơn và sự xuất hiện ngày càng phổ biến của AI, điện toán đám mây, dữ liệu lớn… Những vị trí truyền thống không còn phù hợp bị thay thế bởi hệ thống tự động hóa, trong khi không phải ai cũng kịp thời thích nghi với thay đổi.
Ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho hay, hiện nay, nỗ lực giải quyết việc làm trong thanh niên, lao động trẻ đối diện nhiều khó khăn. Ông Trung cho rằng nguồn lực cho các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên hiện còn hạn chế; tỉ lệ lao động thanh niên qua đào tạo có cao hơn tỉ lệ chung của cả nước nhưng không đáng kể. Bên cạnh đó, một bộ phận thanh niên ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp yếu; nhiều lao động trẻ thiếu các kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc.
Tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15-24 đang là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. So với thế giới và khu vực, tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam không phải vấn đề nghiêm trọng, nhưng tỉ lệ thất nghiệp cao trong thanh niên cũng phản ánh việc kết nối cung - cầu lao động thanh niên chưa thực sự hiệu quả.
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, người lao động cần tự làm mới mình bằng việc cập nhật kỹ năng, trang bị kiến thức mới để thích ứng với xu thế. Không ít ngành nghề đang thu hẹp nhu cầu tuyển dụng do các hệ thống tự động và công nghệ thông minh thay thế con người. Thu ngân bị cạnh tranh bởi mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, kế toán và thư ký dễ dàng bị thay thế bằng phần mềm quản trị thông minh, nhân viên bán hàng dần nhường chỗ cho mô hình không người phục vụ… Những chuyển đổi này đang là tất yếu và sẽ ngày càng phổ biến trong tương lai.
Đối với những người bị mất việc, ông Thành cho rằng họ cần xác định rõ đây chỉ là giai đoạn tạm thời. Trong thời gian chờ tái gia nhập thị trường, người lao động cần chủ động tìm hiểu xu hướng mới, xác định lại hướng đi nghề nghiệp, học thêm kỹ năng số, thậm chí là kiến thức về AI nếu muốn nắm bắt cơ hội. Việc cập nhật kiến thức không chỉ dành cho lao động trẻ mà còn rất cần thiết với nhóm lao động trung niên - những người vốn khó cạnh tranh hơn nhưng nếu có sự chuẩn bị kỹ càng vẫn có thể thích ứng.
Ông Thành nhìn nhận, sự hỗ trợ của Nhà nước, các trung tâm giới thiệu việc làm hay các chương trình kết nối doanh nghiệp - người lao động sẽ không mang lại hiệu quả nếu chính người trong cuộc không sẵn sàng nâng cao năng lực bản thân. Thị trường đang vận hành theo hướng linh hoạt, cạnh tranh cao và đòi hỏi liên tục đổi mới. Do vậy, việc tự đào tạo để giữ việc không đơn thuần là giải pháp tình thế mà là con đường bền vững, giúp người lao động tái thiết lập hành trình nghề nghiệp trong một xã hội luôn vận động.