Lập trường thiếu nhất quán làm ông Biden bị nghi ngờ trước cuộc bầu cử

Các chính sách mơ hồ về Ukraine và Gaza của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khiến Kiev và Tel Aviv khó chịu trong khi không mang lại nhiều lợi ích cho cơ hội tái tranh cử của ông vào tháng 11.

1. Nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden bị thử thách bởi hai cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza, khi nước Mỹ là “đồng minh” của một trong hai bên tham chiến. Tình thế khó khăn xảy đến khi những cuộc xung đột này kéo dài gây thiệt hại cho các bên cũng như thử thách những cam kết của chính quyền Mỹ với đồng minh. Việc không thể xử lý tốt những cuộc xung đột này đang khiến ông Biden mất điểm trong mắt những cử tri khi cuộc bầu cử cho nhiệm kỳ thứ hai đang tới gần.

Mối quan hệ khó khăn giữa ông Joe Biden và ông Netanyahu.

Mối quan hệ khó khăn giữa ông Joe Biden và ông Netanyahu.

Dù mới chỉ bùng nổ vài tháng nhưng cuộc chiến ở Gaza đang khiến chính quyền Mỹ mắc kẹt trong tình thế khó khăn giữa những mục tiêu không thể hòa giải của người Israel và Palestine. Trong khi Israel là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Trung Đông với mối quan hệ đặc biệt có tính lịch sử không thể bỏ mặc thì nước Mỹ cũng có trách nhiệm của mình với số phận của người Palestine khi họ là một trong những bên bảo trợ tiến trình hòa bình khu vực.

Để cố gắng làm hài lòng tất cả các bên, cho đến lúc này Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện một cách tiếp cận có thể nói là khá thụ động. Từ việc đưa ra “sự ủng hộ kiên định” cho Israel khi bắt đầu chiến tranh, ông Biden giờ đây đã từ chối một số vũ khí để phản đối chiến thuật chiến tranh của Israel. Trong khi vẫn thực hiện chính sách bảo vệ Israel tại các diễn đàn thế giới thì những nỗ lực ngoại giao liên tục nhằm cầm chân quân đội nước này trên thực địa lại khiến người Israel tỏ ra vô cùng khó chịu.

Bộ trưởng An ninh Israel, ông Ben-Gvir đã có những phát biểu căng thẳng khi nói: “Thay vì dành cho chúng tôi sự ủng hộ tuyệt đối, ông Biden lại bận rộn với việc gửi thêm nhiên liệu và hàng viện trợ tới Dải Gaza. Phần lớn chúng sẽ lại rơi vào tay Hamas. Nếu ông Trump vẫn đang là tổng thống, Mỹ sẽ hành xử hoàn toàn khác”.

Những gói viện trợ muộn màng khiến cuộc chiến Ukraine ngày càng trở nên khó khăn.

Những gói viện trợ muộn màng khiến cuộc chiến Ukraine ngày càng trở nên khó khăn.

Ngay cả Thủ tướng Israel, ông Netanyahu cũng nhiều lần phản ứng lại những nhận định của ông Biden về tình hình ở Gaza. Theo ông Netanyahu “lời hùng biện của ông Biden đã thay đổi rõ rệt trong 6 tháng qua”. Khi cuộc chiến bắt đầu, ông Biden không chỉ nói một cách dứt khoát: “Chúng tôi sát cánh cùng Israel” mà còn ném vũ khí vào Israel. Tuy nhiên, theo thời gian, ông ta quay lại chỉ trích cách làm của chính quyền Israel.

Thực tế, giữa ông Netanyahu và ông Biden từ lâu đã có mâu thuẫn, không chỉ về cuộc xung đột ở Gaza này. Nó bắt nguồn từ thời chính quyền của Tổng thống Barack Obama mà ông Biden khi đó là phó tổng thống luôn tìm kiếm giải pháp hòa bình với Iran, điều mà từ khi đắc cử, ông Biden cũng nhiều lần cố gắng theo đuổi. Chiến dịch tấn công Hamas của Israel cũng gặp nhiều khó khăn khi họ bị ngăn cản từ chính quyền của ông Biden. Điều này làm cho mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Israel luôn ở trạng thái “lấp lửng” dù không thể tách rời.

Trong một động thái mới nhất, khi ông Biden dọa sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Israel nếu họ tấn công thành phố Fatah ở phía Nam Dải Gaza, ông Netanyahu đã đáp lại một cách đầy thách thức khi sẵn sàng từ chối một số loại vũ khí Mỹ đã thông báo sẽ gửi trong gói hỗ trợ được phê duyệt hồi tháng 4 vừa qua. Ông nói: “Israel phải đứng một mình”, “Israel sẽ đứng vững một mình. Tôi đã nói rằng nếu cần thiết chúng tôi sẽ chiến đấu bằng móng tay”.

2. Ông Biden cũng phải đối mặt với sự mâu thuẫn liên tục khi ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Từng cam kết từ đầu cuộc chiến sẽ hỗ trợ Kiev “đến cùng” để đánh lùi quân đội Nga, giờ đây ông nói rằng Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine “miễn là chúng tôi có thể”. Trong một diễn biến khác, từ chỗ là nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine cả về vũ khí lẫn tiền bạc thì nay nước Mỹ lại muốn đẩy trách nhiệm cho các nước châu Âu khác như Đức, Pháp,... Nên nhớ ngay từ đầu, bản thân các nước châu Âu như Đức, Pháp đã luôn tìm mọi cách để tránh làm nổ ra cuộc xung đột này.

Ông Donald Trump tỏ ra quyết đoán trong các vấn đề đối ngoại.

Ông Donald Trump tỏ ra quyết đoán trong các vấn đề đối ngoại.

Sau hơn 2 năm xung đột, tình thế trên chiến trường đang ngày một tồi tệ cho Ukraine cũng đồng nghĩa với an ninh châu Âu trở nên mong manh hơn thì nước Mỹ của ông Biden lại không có dấu hiệu nào muốn kết thúc sớm cuộc chiến. Những đợt viện trợ vẫn tiếp tục dù thường đến khá muộn làm tình hình trở nên khó cứu vãn hơn.

Đợt viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ đô la mới nhất được cung cấp cho Ukraine cũng không thể làm dịu đi những lo ngại. Tổng thống Ukraine, ông Zelensky mặc dù được giao vũ khí mới nhưng phàn nàn rằng chúng đến không đủ nhanh. Ông nói: “Tôi không thấy điều gì tích cực về điểm này”. Ông Zelensky đã lên tiếng về việc cung cấp vũ khí không đầy đủ kể từ cuối năm 2023, vì cả việc giao hàng chậm và việc không sẵn sàng cung cấp vũ khí mà quân đội của họ cần để đẩy lùi lực lượng Nga. Danh sách mong muốn đó bao gồm máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và pháo tầm xa. Vị tổng thống của Ukraine nói với báo chí trong một bài trả lời phỏng vấn gần đây rằng: “Tôi đã nhiều lần nghe từ một bang nào đó, đôi khi họ không muốn nhanh chóng cung cấp vũ khí cho chúng tôi vì binh lính của chúng tôi chưa sẵn sàng sử dụng chúng”.

Mùa đông năm ngoái, khi quân đội Nga bắt đầu đảo ngược những ưu thế trên chiến trường của Ukraine, các quan chức chính quyền ông Biden đã hạ thấp đánh giá của họ về khả năng Ukraine thực sự có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến. Một quan chức chính quyền Mỹ cho biết vào tháng trước: “Mục tiêu trước mắt là ngăn chặn những tổn thất của Ukraine và giúp Ukraine lấy lại động lực”. Rõ ràng, chính quyền của ông Biden chỉ duy trì một mức độ can thiệp vừa phải để cuộc xung đột vẫn có thể tiếp diễn bất chấp những thiệt hại dành cho các đồng minh châu Âu của mình. Trái ngược với quan điểm đó, đối thủ của ông Biden trong cuộc bỏ phiếu sắp tới, cựu Tổng thống Donald Trump nói đơn giản rằng ông sẽ kết thúc cuộc chiến Ukraine “trong một ngày”.

3. Tình hình chính trị trong nước của Mỹ, đặc biệt là cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay, dường như đang ảnh hưởng đến việc ra quyết định của Biden đối với cả Ukraine và Israel. Thế khó hiện rõ trong cuộc khủng hoảng ở Gaza gần đây khi ông Biden “loay hoay” trước nguy cơ mất đi sự ủng hộ của hai nhóm cử tri thường xuyên ủng hộ ông và đảng Dân chủ: người Mỹ gốc Do Thái và người Mỹ gốc Arab. Nhiều cử tri Do Thái ủng hộ Israel trong khi cử tri người Mỹ gốc Arab ủng hộ người Palestine và muốn chấm dứt đổ máu. Mỗi nhóm có thể là chìa khóa quyết định liệu ông Biden có giành chiến thắng ở các bang xung đột ở Mỹ hay không nhưng ông đang không cho thấy mình thực sự ở nhóm nào.

Các nhà quan sát chính trị chỉ ra các bài phát biểu đối lập của ông Biden về vấn đề Gaza khi vừa ủng hộ Israel nhưng đồng thời trừng phạt Israel bằng cách từ chối cung cấp vũ khí, như một nỗ lực vụng về để làm hài lòng tất cả mọi người. Thỉnh thoảng, người ta còn thấy vị Tổng thống Mỹ gần như phải cầu xin quân đội Israel đừng giết quá nhiều thường dân để bảo vệ uy tín của chính mình.

Sự thất bại của Ukraine trên một số mặt trận gây áp lực nặng nề lên các đồng minh châu Âu của Mỹ.

Sự thất bại của Ukraine trên một số mặt trận gây áp lực nặng nề lên các đồng minh châu Âu của Mỹ.

Ông Aaron David Miller, chuyên gia cao cấp về Trung Đông tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, cố vấn của nhiều đời Ngoại trưởng Mỹ cho biết: “Những yếu tố thúc đẩy mối quan hệ Mỹ-Israel đang bị căng thẳng hơn bất kỳ thời điểm nào trong suốt thời gian làm việc của tôi”. Chuyên gia Doug Bandow, nhà phân tích tại Viện Cato, một tổ chức tư vấn chính trị ở Washington thì đánh giá: “Ông Biden đang đối mặt với vấn đề chính trị nghiêm trọng. Có rất nhiều người Mỹ gốc Arab đã rất tức giận về việc ông ấy ủng hộ Israel. Ông ấy phải lo lắng về việc mất phiếu bầu vào tháng 11”.

Với một số nhà phân tích, sự dao động của ông Biden là triệu chứng của việc không thể nhìn ra vấn đề. Tháng 10/2023, ngay trước cuộc tấn công của Hamas vào miền Nam Israel, Jake Sullivan - Cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden đã xuất bản một bài báo trên Tạp chí Foreign Affair ca ngợi các mục tiêu và thành tích chính sách đối ngoại của chính quyền ông Biden khi khoe khoang rằng “Khu vực Trung Đông ngày nay yên tĩnh hơn so với nhiều thập kỷ trước”. Bài báo này được xuất bản chỉ 8 ngày trước khi Hamas tấn công Israel.

4.Sự thay đổi chính sách chỉ trong một thời gian ngắn của ông Biden khiến cho không ít đồng minh của nước Mỹ cảm thấy lo lắng. Thay vì tin tưởng ông, họ có thể liên tưởng đến hình ảnh của nhân vật Janus trong thần thoại Hy Lạp, người luôn cố gắng chuyển đổi giữa các lập trường đối lập cùng một lúc để giữ khoảng cách với tất cả các bên. Các nhà phê bình nhận xét rằng, chính sách đối ngoại của ông Biden dễ bị nhầm lẫn. Một bài bình luận trên tờ Le Monde của Pháp số ra cuối tháng 4 cho biết: “Sự mơ hồ trong chính sách ngoại giao của Mỹ trước hai cuộc xung đột lớn đã làm suy yếu chính quyền của Joe Biden, khi chỉ còn vài tháng nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống”, “Bằng cách tìm cách tránh leo thang mà không bao giờ áp đặt các điều kiện để giải quyết, Mỹ đã đánh mất uy tín”.

Lúc này, phe đối lập trong nước cũng liên tục chỉ trích, trong khi giúp Ukraine bảo vệ biên giới, ông Biden lại để biên giới phía Nam nước Mỹ mở cửa cho hàng nghìn người nhập cư bất hợp pháp tự do vào. Đó lại trở thành một vết hoen khác khoét sâu vào hồ sơ đối ngoại của nhà lãnh đạo nước Mỹ đang rất nỗ lực cho mục tiêu tái cử này.

Tiểu Phong

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/lap-truong-thieu-nhat-quan-lam-ong-biden-bi-nghi-ngo-truoc-cuoc-bau-cu-i731927/