Lật tàu du lịch ở Hạ Long: Cần thay đổi gì để tăng an toàn?
Sau thảm kịch lật tàu gần đây tại vịnh Hạ Long, các chuyên gia tâm lý học và du lịch của RMIT kêu gọi hành động cấp thiết nhằm khôi phục sự an toàn, niềm tin của công chúng và khả năng phục hồi của ngành du lịch.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân.
Nỗi đau tinh thần đối với du khách và chủ tàu
Theo các chuyên gia, những sự cố như vậy thường gây ra một loạt cảm xúc phức tạp như sợ hãi, lo lắng, tội lỗi, buồn bã và tức giận, không chỉ với du khách mà cả với chủ tàu.
Tiến sĩ Joe Othman, giảng viên cấp cao ngành Tâm lý học tại RMIT Việt Nam, cho biết: “Nhiều du khách thấy mất đi sự an toàn. 'Bong bóng du lịch' vỡ tan, thay vào đó là cảm giác dễ bị tổn thương”.
“Nỗi lo lắng về sự an toàn cá nhân gia tăng, kèm với đó là sự mất lòng tin vào chủ tàu. Đối với chủ tàu, có thể xuất hiện cảm giác tội lỗi và lo âu kiểu ‘nếu như’, họ có thể tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu chính mình hoặc tàu của mình gặp nạn trong tình huống đó,” ông nói thêm.
Vì Hạ Long là một địa phương không đông dân, nơi mọi người thường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, các đơn vị kinh doanh du lịch có thể cảm nhận được nỗi đau tập thể và trách nhiệm cộng đồng. Ông giải thích rằng họ có thể lo lắng về tác động lâu dài đến sinh kế và danh tiếng của mình.
Thạc sĩ Lê Huy Hoàng đến từ bộ môn tâm lý học tại Đại học RMIT nhận định: “Các nghiên cứu trước đó về thảm họa hàng hải cho thấy cộng đồng địa phương có thể bị ảnh hưởng khi điểm đến du lịch bỗng trở thành nơi tưởng niệm. Đồng thời, bầu không khí u ám bao trùm vịnh Hạ Long dự báo lượng khách du lịch sẽ sụt giảm, kéo theo đó là thu nhập của người dân địa phương cũng bị ảnh hưởng”.
Tác động tâm lý rộng hơn
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các thảm họa tự nhiên gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe tâm thần của những người sống sót, bao gồm rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD). Tuy nhiên, những người bị ảnh hưởng gián tiếp lại thường bị bỏ qua.
Ngay cả những người không trực tiếp trải qua thảm kịch cũng có thể chịu tác động cảm xúc. Ông Hoàng mô tả những phản ứng này là “căng thẳng sang chấn thứ cấp”, phản ứng tâm lý xuất hiện khi nghe, chứng kiến, hoặc biết về một tai nạn. Các nghiên cứu cho thấy, ngay cả những người ngoài khu vực thảm họa cũng có thể trải qua cảm giác lo âu, bất lực và thậm chí là các triệu chứng giống PTSD, đặc biệt khi truyền thông đưa tin dày đặc và đầy cảm xúc.
Trong bối cảnh hiện tượng "lo âu sinh thái" (nỗi sợ kéo dài về sự tàn phá môi trường) ngày càng phổ biến, việc tiếp xúc liên tục với tin tức về thiên tai cũng bào mòn khả năng thích nghi và hồi phục của cộng đồng, làm trầm trọng thêm cảm giác bất lực và sợ hãi trước biến đổi khí hậu.
Ông Hoàng nhấn mạnh: “Tác động bởi thiên tai luôn chỉ được nhìn nhận dựa trên thiệt hại về người và của, trong khi sức khỏe tâm thần của những người bị ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp thường bị bỏ qua. Việc tích hợp các biện pháp sơ cứu tâm lý cho ứng phó thiên tai là điều vô cùng cần thiết”.
Nhận thức về rủi ro và quyết định du lịch
Đối với một số du khách có mặt tại vịnh trong thời điểm xảy ra tai nạn nhưng an toàn trở về, phản ứng thường là cảm giác nhẹ nhõm hoặc “may mắn”. Điều này phản ánh hiện tượng tâm lý được gọi là “tư duy phản thực tế”, tức là khuynh hướng tưởng tượng những kịch bản "giá như" khác.
Tiến sĩ Othman giải thích: “Phản ứng này chứng minh rằng con người thường không đánh giá rủi ro theo cách logic hoặc thống kê, mà chủ yếu dựa vào trực giác và cảm xúc”.
Tiến sĩ Katrina Phillips, giảng viên cấp cao ngành tâm lý học tại RMIT Việt Nam, bổ sung: “Khi được chứng kiến hoặc nghe kể về một thảm họa như vụ việc ở vịnh Hạ Long, rủi ro vốn trừu tượng bỗng trở nên rất thật, điều đó làm tăng đáng kể mức độ cảnh giác và sợ hãi”.

Hiện trường vụ lật tàu.
Việc nhận thức rủi ro gia tăng này có thể ảnh hưởng đến quyết định du lịch trong tương lai, đặc biệt với các gia đình có trẻ nhỏ hoặc người già, những người có xu hướng hủy hoặc hoãn chuyến đi sau các sự cố như vậy.
Tiến sĩ Justin Matthew Pang, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn tại RMIT, chia sẻ: “Người dân địa phương – những người đã có kinh nghiệm đối phó với các cơn bão nhiệt đới – sẽ thận trọng hơn khi di chuyển. Dù vậy, một số khách nước ngoài không quen thuộc với đặc điểm thời tiết này có thể đánh giá thấp rủi ro và vẫn mạo hiểm ra vịnh”.
Trách nhiệm và lời kêu gọi cải cách
Tiến sĩ Pang nhấn mạnh rằng trách nhiệm chính thuộc về các chủ tàu và cơ quan chức năng, không phải khách du lịch.
“Các công ty và thuyền trưởng có nghĩa vụ chăm sóc hành khách, và nếu họ hành động bất cẩn dù biết rõ hậu quả, họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Du khách nên chủ động kiểm tra dự báo thời tiết, đảm bảo rằng chủ tàu tuân thủ quy định an toàn và xác nhận các quy trình bảo hiểm, sơ tán. Chủ tàu phải quản lý nghiêm ngặt số lượng người trên tàu, đảm bảo đủ áo phao và yêu cầu sử dụng chúng. Các phần minh họa hướng dẫn an toàn giống như trên máy bay nên trở thành bắt buộc”, ông kêu gọi.
Để khôi phục lòng tin, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra an toàn, đánh giá các chủ tàu thường xuyên và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm. Các chiến dịch truyền thông giáo dục cộng đồng và thông tin dự báo thời tiết rõ ràng sẽ đóng vai trò then chốt.
Tiến sĩ Pang cũng đề xuất rằng các cơ quan chức năng nên ban hành lệnh cấm toàn diện các hoạt động tàu thuyền khi thời tiết xấu, nhằm bảo vệ cả người dân địa phương lẫn du khách.
“Theo thời gian, những hành vi nguy hiểm sẽ bị loại bỏ, từ đó hình thành một ngành du lịch an toàn, bền vững, được vận hành theo những chuẩn mực tốt nhất và có trách nhiệm,” ông nói.
Bài học từ những thảm họa hàng hải toàn cầu
Tiến sĩ Pang dẫn chứng thảm kịch chìm phà MV Sewol tại Hàn Quốc năm 2014 làm tiền lệ. Vụ việc cướp đi 304 sinh mạng là một trang sử buồn của Hàn Quốc và đã dẫn đến nhiều đơn từ chức cũng như cải cách trong ngành hàng hải.
“Hàn Quốc đã phản ứng bằng cách thay đổi hệ thống: gây áp lực với các hiệp hội hàng hải, thành lập các tổ chức an toàn từ cơ sở và xây dựng văn hóa trách nhiệm. Hạ Long cần học hỏi từ đó”, ông nhấn mạnh.
Theo tiến sĩ Pang, chính quyền cần tăng cường xây dựng ý thức trách nhiệm chăm sóc hành khách đối với chủ tàu để lấy lại niềm tin từ người dân địa phương và khách du lịch, hướng đến tư duy vận hành an toàn và lấy khách hàng làm trọng tâm.
Ông khuyến nghị nên mời các chuyên gia an toàn độc lập nghiên cứu tác động của bão nhiệt đới đối với vịnh Hạ Long và làm việc với tất cả các bên liên quan như lãnh đạo địa phương, chủ tàu và hiệp hội hàng hải để áp dụng các thực hành tốt nhất trên toàn cầu.
Tiến sĩ Pang kết lời: “Thảm kịch lần này nên là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các bên, nhằm đưa an toàn hàng hải – hành khách lên hàng đầu, nếu không, nó có thể làm chao đảo và rạn nứt cả xã hội”.