Lật xe khách 10 người chết ở Hà Tĩnh: Thiết bị giám sát hành trình không hoạt động

Ngoài việc xe gắn phù hiệu không đúng với phù hiệu doanh nghiệp được cấp, chiếc xe giường nằm còn bán vé thu tiền hành khách qua phần mềm trên điện thoại, không truyền dữ liệu giám sát hành trình.

Hành khách đưa dẫn chứng nghi xe chạy trá hình tuyến cố định

Những hành khách sống sót sau vụ tai nạn kinh hoàng rạng sáng 25/7 tại (Hà Tĩnh) kể lại, trước khi gặp nạn, chiếc xe giường nằm đã bán vé thu tiền qua app. Khi đi xe có hai lần dừng lại. Những chi tiết ấy giờ trở thành ký ức ám ảnh về một hành trình định mệnh.

Trưa 25/7, các nạn nhân sống sót trong vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên quốc lộ 1, đoạn qua phường Sông Trí, tỉnh Hà Tĩnh đã kể lại hành trình định mệnh. Theo đó, trước khi gặp nạn, xe khách đã dừng hai lần để đổ xăng và cho hành khách đi vệ sinh.

Chị A đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh với các thương tích sau tai nạn.

Chị A đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh với các thương tích sau tai nạn.

Chị Hoàng Minh A (SN 1999, trú TP Hà Nội) - một trong những hành khách may mắn thoát nạn, cho biết: Tôi cùng mẹ, chị gái và em gái đi từ Hà Nội vào Huế du lịch. Bốn người lên xe từ văn phòng nhà xe tại Khu đô thị Ao Xào (quận Hoàng Mai, Hà Nội) lúc hơn 20h ngày 24/7. Tôi nằm ở giường cuối xe.

“Hành khách trên xe không đi theo đoàn mà mua vé riêng lẻ qua app (phần mềm) điện thoại và trả tiền trước với giá 900.000 đồng/giường (hay còn gọi buồng riêng).

Khi xe lật, tôi đang thiu thiu ngủ thì nghe thấy tiếng rít lớn rồi xe nghiêng đột ngột. Tôi và một số người thoát ra từ cửa tầng 2. Ai cũng hoảng loạn, la hét. Xe hư hỏng nặng, kính vỡ hết. Rất may, cả gia đình tôi an toàn”, chị A kể.

Tại hiện trường, chiếc xe bị nổ 2 chiếc lốp, một bên thành xe phía tài xế hư hỏng nặng.

Tại hiện trường, chiếc xe bị nổ 2 chiếc lốp, một bên thành xe phía tài xế hư hỏng nặng.

Còn anh Đỗ Xuân Hòa (SN 1997, trú TP Hà Nội) đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh vẫn chưa hết bàng hoàng.

“Lúc khoảng 1h10, xe dừng tại cây xăng trên địa bàn xã Cẩm Bình. Tôi xuống đi vệ sinh. Sau đó xe chạy tiếp khoảng 20-30 phút thì bị lật. Khi đó tôi chưa ngủ, cảm giác xe lao nhanh rồi lật nghiêng sang bên”, anh Hòa nhớ lại.

Nghi vấn hoạt động trá hình xe khách tuyến cố định

Quá trình tác nghiệp tại hiện trường, phóng viên nhận thấy trên kính chắn gió phía trước của xe giường nằm 43F-007.76 có dán phù hiệu xe chạy tuyến cố định của Công ty TNHH Vận tải và Du Lịch Hải Vân. Số phù hiệu là 204/BXTT/2024 ngày cấp 29/7/2024, ngày hết hạn 29/7/2025.

Phù hiệu trên kính lái được phía Công ty Hải Vân khẳng định là giả mạo do công ty đã thu hồi và trả lại cho Sở Xây dựng Đà Nẵng từ ngày 14/7.

Phù hiệu trên kính lái được phía Công ty Hải Vân khẳng định là giả mạo do công ty đã thu hồi và trả lại cho Sở Xây dựng Đà Nẵng từ ngày 14/7.

Ông Hồ Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Du Lịch Hải Vân cho biết: Trước đây, công ty có thuê chiếc xe giường nằm này từ bà Vương Thị K.C (chủ xe) để chuyên chạy tuyến Đà Nẵng đi Lâm Đồng cho công ty và ngược lại. Đến tháng 7 vừa rồi hết hợp đồng, công ty đã thu hồi phù hiệu và trả về cho Sở Xây dựng Đà Nẵng.

"Tôi trả phù hiệu về Sở ngày 14/7 và chấm dứt hợp đồng với chủ xe. Công ty hiện giờ không liên quan gì đến phương tiện này nữa. Còn về chiếc phù hiệu đang gắn trên kính lái, tôi nghi ngờ ai đó photo dán lên chứ công ty đã trả phù hiệu về Sở rồi", ông Tùng khẳng định.

Thông tin này cũng được một cán bộ phụ trách mảng vận tải của Sở Xây dựng Đà Nẵng xác nhận. Vị cán bộ cho biết, trước đây xe BKS 43F-007.76 được công ty Hải Vân thuê và đăng ký phù hiệu kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định Đà Nẵng - Lâm Đồng. Tới ngày 14/7, công ty Hải Vân đã trả lại phù hiệu cho Sở. Từ đó đến nay Sở chưa cấp phù hiệu hợp đồng, hay vận tải hành khách cho xe này.

Nội dung này cũng trùng khớp với lời kể của chị A, hành khách trên xe, bị thương sau vụ tai nạn.

Chị A cho biết: Tôi đặt vé qua phần mềm trên điện thoại và phía nhà xe thu trước 900.000 đồng cho một giường hay còn gọi là buồng riêng. Chúng tôi không hề gặp hay ký hợp đồng với nhà xe trước đó. Xe đón ở khu Ao Xào, hành lúc hơn 20h ngày 24/7.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chiếc xe mang BKS 43F-007.76 đang lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của nhà cung cấp V.H.

Qua điện thoại, nhân viên phụ trách khu vực Đà Nẵng của nhà cung cấp V.H xác nhận thông tin và cho biết: Xe 43F-007.76 đang sử dụng thiết bị giám sát hành trình và camera của đơn vị. Sáng nay, sau khi nghe thông tin về vụ tai nạn, chúng tôi cũng cho bộ phận kỹ thuật kiểm tra dữ liệu, tuy nhiên không hiểu vì sao lại không có dữ liệu.

"Thiết bị trên xe cũng đã mấy ngày rồi không phát tín hiệu. Có thể họ đưa xe đi sửa hay làm gì đó nên thiết bị mới ngừng hoạt động và không truyền tín hiệu về", nhân viên tên T nói với PV qua điện thoại.

Khi gọi điện thoại trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hiếu - đại diện nhà xe Tân Kim Chi, ông này vẫn quả quyết xe BKS 43F-007.76 bị tai nạn ở Hà Tĩnh lúc rạng sáng là xe hợp đồng du lịch.

"Chúng tôi cũng có mua bảo hiểm hành khách. Toàn bộ hành khách đi trên xe đều được bảo hiểm với mức cao nhất có thể được chi trả là 150 triệu đồng/người. Hiện đơn vị bảo hiểm đã đến làm việc" - ông Hiếu nói rồi tắt máy với lý do đang còn làm việc với cơ quan công an.

Trước đó, khoảng 2h sáng 25/7, tại Km571+800 quốc lộ 1 đoạn qua TDP Đông Trinh, phường Sông Trí (Hà Tĩnh), xe khách giường nằm BKS 43F - 007.76 của nhà xe Tân Kim Chi, do tài xế Lê Ngọc Thành (SN 1989, trú tỉnh Thanh Hóa) điều khiển, bất ngờ mất lái, va vào cọc tiêu và bị lật nghiêng, khiến 10 người tử vong và 15 người bị thương.

Hiện lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và hỗ trợ các nạn nhân.

Hà Vũ

Văn Thanh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/lat-xe-khach-10-nguoi-chet-o-ha-tinh-thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-khong-hoat-dong-19225072513334691.htm