Lấy nông dân làm chủ thể trong phát triển 'tam nông'

Đồng hành với sự phát triển của quê hương đất nước, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nông dân trong tỉnh cũng luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền; nêu cao truyền thống cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường ra sức phát triển kinh tế, đóng góp sức người, sức của trong xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào những thành tựu đạt được về KT-XH của tỉnh.

Làng quê Triệu Phong khởi sắc- Ảnh: Đ.T

Làng quê Triệu Phong khởi sắc- Ảnh: Đ.T

Trong suốt quá trình phát triển đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là tam nông) là lĩnh vực luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Tiếp theo Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ra Nghị quyết số 19-NQ/TW cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về chính sách “tam nông” đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, nông dân được xác định là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Có thể thấy những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có sự phát triển khá toàn diện. Các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Trồng trọt phát triển theo hướng chuyên canh và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, canh tác tự nhiên gắn với liên doanh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Nhờ vậy, tổng diện tích gieo trồng hằng năm đạt trên 82.000 ha.

Chăn nuôi chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại, thâm canh bán công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, liên kết theo chuỗi giá trị.

Lâm nghiệp từng bước phát huy lợi thế trồng rừng kinh tế, nhất là trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC phát triển mạnh với trên 23.400 ha, thuộc nhóm đầu của cả nước. Độ che phủ rừng đạt 50%; thủy sản phát triển cả về nuôi trồng, đánh bắt và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đối với địa bàn nông thôn, những năm qua được Đảng, Nhà nước quan tâm, các cấp, các ngành tích cực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã làm cho bộ mặt nông thôn của tỉnh ngày càng khởi sắc. Cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Đến nay, toàn tỉnh có 63/101 xã và huyện Cam Lộ đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao (xã Vĩnh Thủy, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh; xã Cam Chính, huyện Cam Lộ). Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện.

Thu nhập bình quân đầu người tăng; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn giảm. Bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ, phát huy. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định.

Sản phẩm nông sản của Hội Nông dân xã Mò ó, huyện Đakrông - Ảnh: Đ.T

Sản phẩm nông sản của Hội Nông dân xã Mò ó, huyện Đakrông - Ảnh: Đ.T

Ở tỉnh Quảng Trị, nông dân là lực lượng lao động đông đảo chiếm tỉ lệ 69,9%. Đồng hành với sự phát triển của quê hương đất nước, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nông dân trong tỉnh cũng luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền; nêu cao truyền thống cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường ra sức phát triển kinh tế, đóng góp sức người, sức của trong xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào những thành tựu đạt được về KT-XH của tỉnh.

Cùng với thành quả đạt được của công cuộc đổi mới, xây dựng nông thôn mới và các phong trào thi đua yêu nước, đời sống của nông dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện, điều kiện ăn ở, đi lại, chăm sóc sức khỏe ngày càng đảm bảo tốt hơn.

Quyền làm chủ của nông dân được mở rộng và phát huy. Vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được khẳng định.

Nhờ đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua SX-KD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” nên toàn tỉnh hiện có gần 30.000 hộ nông dân đạt danh hiệu SX-KD giỏi các cấp.

Từ phong trào xuất hiện ngày càng nhiều nông dân điển hình trong SX-KD cho thu nhập mỗi năm từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng.

Các cấp hội nông dân đã động viên, khuyến khích hội viên, nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo vươn lên bằng nhiều hình thức: xây tặng nhà “Mái ấm nông dân”, giúp giống, vốn, ngày công, kinh nghiệm sản xuất, tạo việc làm với tổng trị giá 15,8 tỉ đồng. Kết quả, hội nông dân các cấp đã giúp trên 2.600 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo.

Được mùa cá - Ảnh: Đ.T

Được mùa cá - Ảnh: Đ.T

Trong Chương trình hành động số 46CTr/TU của Tỉnh ủy Quảng Trị thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đã đưa ra mục tiêu tổng quát phấn đấu để nông dân và cư dân nông thôn trong tỉnh có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được nâng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Nông nghiệp phát triển hiệu quả, bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nông thôn phát triển toàn diện, tương đồng giữa các vùng, miền, có kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, môi trường xanh, sạch, đẹp, đời sống văn hóa lành mạnh, giữ gìn tình làng nghĩa xóm và bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.

Có nhiều nhóm nhiệm vụ và giải pháp cần được thực hiện tốt để hiện thực hóa mục tiêu đề ra tại Chương trình hành động số 46-Ctr/TU, trong đó quan trọng nhất là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của MTTQ, hội nông dân và các tổ chức chính trị-xã hội, xã hội nghề nghiệp ở nông thôn, hướng đến xây dựng tỉnh Quảng Trị có nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Đào Tâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/lay-nong-dan-lam-chu-the-trong-phat-trien-tam-nong/178479.htm