Lịch sử địa phương - Tư liệu quý giáo dục truyền thống quê hương

Việc biên soạn, bổ sung, tái bản sách lịch sử đảng bộ các cấp trên địa bàn tỉnh những năm gần đây được các địa phương quan tâm thực hiện. Nhờ vậy đã đóng góp tích cực vào nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Các thành viên Hội đồng khoa học lịch sử tỉnh thẩm định cuốn sách lịch sử Đảng bộ xã Quyết Thắng T.P Thái Nguyên.

Trung tuần tháng 3 vừa qua, Hội đồng Khoa học lịch sử tỉnh đã thẩm định cuốn sách “Lịch sử Đảng bộ thị trấn Sông Cầu, Đồng Hỷ (1961-2019)”. Theo đánh giá của các thành viên trong Hội đồng, qua thẩm định bản thảo cho thấy công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử của Thị trấn được tổ chức bài bản, chu đáo. Trước đó, Đảng bộ thị trấn Sông Cầu đã tổ chức 2 lần hội thảo khoa học ở cơ sở. Tại đây, các cán bộ lão thành, nhân chứng lịch sử, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn qua các thời kỳ đã đóng góp nhiều ý kiến, góp phần làm rõ độ chính xác của các sự kiện, nhân vật lịch sử, đồng thời bổ sung nhiều nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Quang Chung, Chủ tịch UBND thị trấn chia sẻ: "Những ý kiến đóng góp là cơ sở giúp ban sưu tầm, biên soạn có thêm thông tin, làm tư liệu quan trọng". Sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng Khoa học lịch sử tỉnh, tháng 5-2020, cuốn Lịch sử Đảng bộ thị trấn Sông Cầu (1961-2019) đã được xuất bản 400 cuốn. Đây là tài liệu quý trong công tác giáo dục truyền thống của địa phương.

6 tháng đầu năm 2020, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức 8 hội đồng cấp tỉnh để thẩm định 8 bản thảo lịch sử đảng bộ các sở, ngành cấp tỉnh, lịch sử đảng bộ cấp xã. Thông qua hoạt động của các hội đồng thẩm định, chất lượng các cuốn sách lịch sử được nâng lên rõ rệt; tránh những hạn chế, sai sót cơ bản về số liệu, sự kiện lịch sử. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị cấp phép xuất bản cho 9 cuốn sách lịch sử ngành, lịch sử đảng bộ xã, phường, thị trấn.

Theo TS Nguyễn Xuân Minh, nguyên giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), thành viên Hội đồng Thẩm định bản thảo lịch sử của tỉnh: Được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy mời tham gia Hội đồng Thẩm định các bản thảo lịch sử, tôi thấy những năm gần đây cấp ủy các cấp, lãnh đạo các ngành, địa phương đã rất quan tâm đến việc sưu tầm, biên soạn lịch sử của đơn vị mình. Mặc dù khâu tập hợp, khai thác tư liệu để biên soạn các cuốn lịch sử của các ngành, địa phương hiện nay rất khó khăn, do từ trước tới nay chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến công tác lưu trữ. Tuy nhiên, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đặc biệt là những đồng chí được giao nhiệm vụ làm công tác biên soạn đã rất cố gắng tập hợp các tư liệu để xây dựng các cuốn lịch sử của cơ quan, ngành, địa phương mình. Đây là tư liệu quý để giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Cùng với hoạt động biên soạn, xuất bản, công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống thông qua sách lịch sử đảng bộ được các cấp ủy quan tâm. Các huyện, thành, thị đã chỉ đạo các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đưa nội dung lịch sử địa phương vào giảng dạy tại các lớp trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng đảng viên mới và lớp nhận thức về Đảng. Ngoài ra, một số cấp ủy cơ sở lồng ghép phổ biến lịch sử địa phương vào những buổi nói chuyện truyền thống; hội thi báo cáo viên, dân vận khéo... Đối với ngành Giáo dục, căn cứ vào chương trình phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ biên soạn và phát hành để sử dụng thống nhất trong toàn tỉnh nội dung giáo dục đạo đức, lịch sử địa phương ở cấp tiểu, THCS. Nhiều trường đã có cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử địa phương. Tiêu biểu như Trường THPT Bình Yên (Định Hóa) đã chỉ đạo tích hợp giảng dạy lịch sử địa phương vào các bộ môn phù hợp.

Từ 2016 đến nay, toàn tỉnh đã có thêm 70 cuốn sách lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng được xuất bản phát hành. Việc tái hiện đầy đủ, khách quan quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng, lịch sử hình thành và phát triển của mỗi đảng bộ, cơ quan, ban, ngành, địa phương với nguồn tài liệu lịch sử phong phú, sinh động, là tư liệu quý cho chính các đơn vị, đặc biệt là khối giáo dục tiếp tục bổ sung vào các bài giảng môn lịch sử, góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào về quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.

Hằng Nga

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/van-hoa/lich-su-dia-phuong-tu-lieu-quy-giao-duc-truyen-thong-que-huong-272324-98.html