Liên kết 'rừng – biển' tạo bước ngoặt phát triển du lịch Gia Lai
Sau sáp nhập với Bình Định, tỉnh Gia Lai đứng trước thời cơ vàng để bứt phá trong lĩnh vực du lịch, mở ra những định hướng chiến lược cho việc hình thành chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng, khai thác lợi thế rừng – biển và gìn giữ bản sắc văn hóa Tây Nguyên.
Gợi mở thương hiệu du lịch mới
Chiều 25/7, tại phường Pleiku, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Gia Lai phối hợp với Hiệp hội Du lịch Bình Định và Hiệp hội Du lịch Gia Lai tổ chức Hội thảo “Xây dựng tour, tuyến và phát triển sản phẩm du lịch tỉnh”.
Đây là hoạt động trọng điểm nhằm định hướng chiến lược phát triển du lịch trong bối cảnh địa phương vừa bước sang giai đoạn mới sau khi sáp nhập.

Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Gia Lai phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Gia Lai cho biết, ngày 12/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 202/2025/QH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo đó, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của hai tỉnh Bình Định và Gia Lai được sáp nhập, hình thành tỉnh mới giữ nguyên tên là Gia Lai. Tỉnh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7.
Bà Chung nhấn mạnh: "Đây là bước ngoặt quan trọng, mở ra thời kỳ phát triển mới cho tỉnh Gia Lai, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch khi không gian hành chính được mở rộng, tài nguyên và bản sắc văn hóa thêm đa dạng, phong phú".
Hướng đi mới cho du lịch sinh thái, cộng đồng và nghỉ dưỡng
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ ngày 24 đến 25/5, chương trình Famtrip khảo sát tài nguyên và các điểm đến trên địa bàn đã được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm du lịch và tiềm năng phát triển trong giai đoạn sau sáp nhập.
Hội thảo lần này tiếp tục đóng vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị kinh doanh dịch vụ và cơ quan quản lý. Tại đây, các bên cùng trao đổi, đề xuất giải pháp xây dựng tour – tuyến du lịch, đồng thời phát triển những sản phẩm đặc thù mang bản sắc riêng của tỉnh.
Mục tiêu hướng đến là thúc đẩy liên kết hiệu quả giữa các loại hình du lịch như rừng – biển, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng, đặc biệt là khai thác, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên, một lợi thế nổi bật của Gia Lai trong không gian hành chính mới.

Đoàn khảo sát tại làng du lịch cộng đồng.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp và đại diện các hiệp hội du lịch đã đóng góp ý kiến, hiến kế cho việc xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch liên vùng, nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh địa phương.
Việc tăng cường kết nối tour – tuyến giữa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên không chỉ giúp Gia Lai nâng cao sức cạnh tranh, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững trong bối cảnh mới.
Ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai (trước sáp nhập) nhấn mạnh: “Chúng ta cần xây dựng bộ nhận diện thương hiệu ‘Gia Lai – nơi Rừng và Biển gặp nhau’. Đặc biệt, nên đẩy mạnh truyền thông thông qua những câu chuyện và hình ảnh giàu cảm xúc, lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng số".

Quang cảnh hội thảo.
Theo ông Thành, tỉnh Gia Lai cần phát triển các tour "lên rừng – xuống biển", kết nối đa dạng loại hình như sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số như ứng dụng bản đồ số, VR/AR, AI hỗ trợ du khách, phân tích dữ liệu lớn để tối ưu dịch vụ.
Hiệp hội Du lịch cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút đầu tư, nhất là vào các dự án du lịch sinh thái gắn với công tác bảo tồn.
“Chúng tôi cam kết đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và chính quyền, đồng thời kiến nghị cơ chế hỗ trợ đặc thù nhằm phát triển bền vững du lịch rừng – biển", ông Nguyễn Tấn Thành khẳng định.
Với không gian hành chính mở rộng và sự giao thoa văn hóa độc đáo giữa rừng và biển, Gia Lai đang nắm giữ cơ hội vàng để tạo ra cú hích đột phá trong ngành du lịch.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp lữ hành tại hội thảo lần này được kỳ vọng sẽ là nền tảng vững chắc cho việc hình thành các sản phẩm du lịch liên vùng hấp dẫn, góp phần đưa Gia Lai trở thành điểm đến mới giàu bản sắc trên bản đồ du lịch quốc gia.