Liên minh châu Phi: Từ Guinea Xích đạo nhìn về khát vọng 2063

Những ngày qua, một 'làn gió mát' từ thủ đô Malabo, Guinea Xích đạo đã thổi luồng sinh khí mới, khơi dậy niềm phấn khởi về một tương lai châu Phi đoàn kết và hội nhập.

Hội nghị thượng đỉnh Điều phối giữa năm lần thứ bảy của Liên minh châu Phi (AU) đại diện cho bức thông điệp về châu Phi đoàn kết, hội nhập, vượt qua thách thức. (Nguồn: Kesseben TV)

Hội nghị thượng đỉnh Điều phối giữa năm lần thứ bảy của Liên minh châu Phi (AU) đại diện cho bức thông điệp về châu Phi đoàn kết, hội nhập, vượt qua thách thức. (Nguồn: Kesseben TV)

Tại đây, các nhà lãnh đạo Cộng đồng kinh tế khu vực (RECs), Cơ chế khu vực (RMs) và các nước thành viên Liên minh châu Phi (AU) quy tụ về Hội nghị thượng đỉnh Điều phối giữa năm lần thứ bảy của AU, nhằm thảo luận về các vấn đề ưu tiên như hội nhập kinh tế, hợp tác khu vực, đảm bảo hòa bình và an ninh, thúc đẩy thương mại nội khối.

Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh xung đột chính trị, khủng hoảng kinh tế - xã hội bủa vây lấy tình hình an ninh và phát triển của nhiều quốc gia tại khu vực, đặc biệt là bất ổn gia tăng ở Sudan, CHDC Congo, Somalia và vùng Sahel.

Như phát biểu khai mạc của Chủ tịch Ủy ban AU Mahmoud Ali Youssouf, vì “những căng thẳng chính trị và xung đột trên khắp lục địa đang cản trở khát vọng của chúng ta, phá vỡ kế hoạch và các chương trình đã đặt ra”, các nước châu Phi khát khao hơn bao giờ hết nguyện vọng về một lộ trình xây dựng nền hòa bình bền vững cho người dân.

Điều này giải thích tại sao Chương trình nghị sự 2063 do AU đề xuất trở thành một trong những nội dung thảo luận quan trọng bậc nhất trong khuôn khổ Hội nghị, với mục tiêu thiết kế lộ trình tổng thể, đưa châu Phi trở thành khu vực giàu sức ảnh hưởng trên toàn cầu dựa trên sự thống nhất, tự do, tiến bộ và thịnh vượng chung. Hỗ trợ tiến trình này, không thể thiếu sáng kiến đóng góp của từng quốc gia thành viên, nổi bật là Ai Cập.

Tham gia Hội nghị năm nay dưới vai trò Chủ tịch Ủy ban định hướng nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ (AUDA) của Cơ quan phát triển AU (NEPAD), Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi công bố ý định ra mắt Quỹ Phát triển NEPAD để thu hẹp khoảng cách tài chính phát triển trong nội bộ châu Phi, đồng thời kêu gọi các cơ quan liên quan của AU phê duyệt quỹ này, sớm huy động nguồn lực và kích thích đầu tư trong khu vực.

Trên mặt trận chống biến đổi khí hậu, nhà lãnh đạo Ai Cập thông báo kế hoạch khai trương Trung tâm Sáng kiến khí hậu toàn diện của NEPAD tại Cairo, nhằm trang bị cho các quốc gia châu Phi công cụ thích ứng và phục hồi trước thảm họa thiên nhiên. Hai sáng kiến này gắn chặt với tham vọng phát triển bền vững, vừa đẩy mạnh kinh tế, vừa giảm tác động xấu tới môi trường, phù hợp với một khu vực mà biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề sống còn với an sinh xã hội.

Đồng hành với các nước thành viên, những cơ chế quốc tế, điển hình là Ủy ban kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi (ECA) có nhiều đóng góp đáng kể tại Hội nghị. “Câu hỏi giờ đây không phải là chúng ta cần làm gì, mà là chúng ta phải làm nhanh đến đâu”, đó là lời khẳng định Tổng thư ký ECA Claver Gatete, thể hiện tinh thần khẩn trương trong đấu tranh trước hàng loạt khủng hoảng kinh tế chồng chéo tại khu vực như tăng trưởng chậm, gánh nặng nợ cao và ưu đãi tài chính bị thu hẹp.

Do đó, đại diện ECA đề xuất các ưu tiên chiến lược để thúc đẩy quá trình chuyển đổi tích cực của châu Phi, bao gồm đẩy nhanh thực hiện Khu vực mậu dịch tự do lục địa châu Phi (AfCFTA), giảm thiểu rủi ro đầu tư, phát triển chuỗi giá trị và các khu kinh tế đặc biệt (SEZs).

Đây là những đòn bẩy có mối liên kết chặt chẽ để đạt tăng trưởng bền vững khu vực, ECA tuyên bố “sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia thành viên thông qua dữ liệu, công cụ chính sách và các quan hệ đối tác, để xây dựng một châu Phi hội nhập, thịnh vượng và kiên cường”.

Có thể nói, Hội nghị năm nay đại diện cho bức thông điệp về châu Phi đoàn kết, hội nhập, phát huy nội lực để vượt qua khủng hoảng và thách thức chồng chất. Một châu Phi tự do, tiến bộ và thịnh vượng sẽ là bàn đạp vững chắc để các nước trong khu vực tiến lên vũ đài quốc tế, tự tin hơn trong cạnh tranh sức ảnh hưởng toàn cầu.

Xuân Nguyên

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lien-minh-chau-phi-tu-guinea-xich-dao-nhi-n-ve-khat-vong-2063-321355.html