Liên tiếp sạt lở, Cà Mau ứng phó khẩn
Từ đầu năm tới nay, tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 50 vụ sạt lở, sụt lún đất ven sông, ước tổng thiệt hại về tài sản hơn 16 tỷ đồng. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang tác động làm tình hình này ngày một nghiêm trọng theo từng năm, uy hiếp tới tính mạng, tài sản, đất sản xuất của người dân.
Clip sạt lở tại khu vực chợ Vàm Đầm (xã Tân Tiến, tỉnh Cà Mau).
Hơn 50 vụ sạt lở, sụt lún đất
Khu vực bán đảo Cà Mau có địa hình thấp nên thường xuyên bị ngập nước. Cũng vì vị trí đặc biệt, nơi đây chịu đồng thời cả các sóng lớn, dòng chảy, triều cường của biển Đông và biển Tây nên diễn ra quanh năm. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, làm tình trạng sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng hơn. Sạt lở xảy ra nhiều nơi đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản, đất sản xuất của người dân và sự phát triển bền vững, ổn định lâu dài của người dân khu vực ven biển, ven sông, kênh rạch.
Huyện Đầm Dơi cũ những năm gần đây thành “điểm nóng” về sạt lở đất ven sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đặc biệt vào mùa mưa. Gần đây nhất, ngày 30/6, địa bàn xã Quách Phẩm chỉ trong nửa tháng 2 lần xảy ra sạt lở, sụt lún (lần đầu ngày 15/6), tổng chiều dài sạt lở ảnh hưởng tới tuyến đường qua địa bàn hơn 130m (trong đó lở hơn 30m mặt đường). Đáng chú ý, tuyến đường này đang được thi công, mới hoàn thành 85%, tổng vốn hơn 1,5 tỷ đồng.

Vụ sạt lở khu vực chợ Vàm Đầm, xã Tân Tiến nhấn chìm 8 căn nhà.
Tương tự, tại xã Tân Tiến (xã Nguyễn Huân cũ), tối 27/6, sạt lở làm sụt đoạn đường giao thông nông thôn dài khoảng 30m, sâu vào bờ 3,5m, nhấn chìm 8 căn nhà, ảnh hưởng nhà 3 hộ khác nằm dọc tuyến sông Đầm Dơi (gần chợ Vàm Đầm), ước thiệt hại về tài sản hơn 2,1 tỷ đồng.
Ông Thái Phước Sái (ngụ xã Tân Tiến, Cà Mau) kể lại: “Đêm đó, tôi đang ngồi trong tiệm tạp hóa, thấy căn nhà đối diện rung lắc, kèm tiếng động, tôi cứ nghĩ rằng đó chỉ là hiện tượng như các năm trước. Nhưng không ngờ, căn nhà lại sụp đổ nhanh đến vậy. Khu vực này đã từng xảy ra sạt lở cách đây 40 năm, giờ lại tái diễn”.
Ngoài ra, các vị trí sạt lở nguy hiểm ở khóm Sa Phô (xã Đất Mới), có khoảng 700m ven sông Cửa Lớn đang có nguy cơ sạt lở cao. Cửa biển Bồ Đề (xã Tam Giang) có 200m đã sạt lở, làm hư hỏng đường giao thông và đe dọa sản xuất nuôi trồng thủy sản của người dân, tổng chiều dài khu vực nguy hiểm khoảng 750m. Đoạn bờ biển từ cửa biển ấp Hạp đến cửa biển Giá Cao (xã Tân Thuận) có 5km bờ đang sạt lở phức tạp, có nơi sạt lở ăn sâu vào rừng phòng hộ 30-40m.

Ông Thái Phước Sái (ngụ xã Tân Tiến, Cà Mau) vẫn nhớ như in vụ sạt lở trong đêm khiến căn nhà, tài sản trôi sông.
Bờ biển Đông tỉnh Cà Mau đang chịu tác động lớn của thủy triều, hằng năm luôn xảy ra tình trạng nước biển tràn vào do triều cường dâng cao, nhấn chìm hàng chục ngàn hecta diện tích nuôi tôm, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. Dự báo biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao làm thay đổi chế độ ngập sâu đối với rừng ngập mặn sẽ gây tổn thương, thiệt hại về sinh thái, tính đa dạng sinh học ở đây.
Ngoài ra, nước biển dâng sẽ gây nên tình trạng sạt lở ven biển, các cửa sông lớn, nhấn chìm phần lớn hệ thống các cơ sở hạ tầng như: Đường giao thông, khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, đất sản xuất... Trong khi đó, hệ thống đê biển Đông chưa được đầu tư xây dựng.
Hỏa tốc cảnh báo sạt lở
Ở địa bàn Bạc Liêu cũ (nay thuộc tỉnh Cà Mau), nguy cơ sạt lở hiện hữu ở nhiều vị trí trọng yếu. Nơi đây đã xảy ra 4 đợt sạt lở đất ven sông với chiều dài 145m; thiệt hại, hư hỏng 18 căn nhà ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân trong khu vực.
Không chỉ đối mặt với hiện trạng sạt lở, tỉnh Cà Mau còn phải giải quyết khối lượng lớn các dự án kè chống sạt lở còn dang dở hoặc chưa được đầu tư như: Kè G6 (xã Long Điền Tây), kè sông Cà Mau - Bạc Liêu (đoạn từ bến xe Hộ Phòng đến nhà thờ Tắc Sậy), kè hai bên bờ kênh 30/4 (từ cống Nhà Mát đến cầu Út Đen); hay dự án chống xói lở bờ biển Vĩnh Trạch Đông và Nhà Mát đều đang trong tình trạng xếp hàng chờ vốn.

Điểm sạt lở bờ kè và sân Miếu Bà Thủy Long, đã bị sạt lở 60m, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến di tích.
Trước tình hình trên, nhằm chủ động ứng phó với diễn biến sạt lở, sụt lún đất ven sông, ven biển trên địa bàn tỉnh thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa hỏa tốc chỉ đạo toàn tỉnh khẩn trương ứng phó. Riêng từ đầu năm tới nay, sạt lở tại Cà Mau đã gây thiệt hại hơn 16 tỷ đồng tài sản người dân, công trình công.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Cà Mau (Cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh) được giao hướng dẫn chính quyền cấp xã rà soát, khoanh vùng khu vực sạt lở, thiết lập hành lang an toàn; theo dõi diễn biến hiện trường, kịp thời ứng cứu, xử lý.
Sở Xây dựng Cà Mau được giao chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan rà soát hệ thống công trình giao thông theo phân cấp; kịp thời phát hiện, cảnh báo các công trình có nguy cơ sạt lở, sụt lún; rà soát, thống kê các điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở, lắp biển cảnh báo, căng dây cảnh giới.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lien-tiep-sat-lo-ca-mau-ung-pho-khan-post1760975.tpo