Liệu ép con trẻ học tập có là bạo lực gia đình?

1/6 là ngày Quốc tế thiếu nhi, là dịp để trẻ em vui chơi và nhận món quà ý nghĩa của người thân, cũng là dịp để người lớn nâng cao nhận thức về bảo vệ trẻ. Thực tế hiện nay, yêu thương và bảo vệ trẻ em là điều mà chúng ta đều nói, nhưng không phải ai cũng làm đúng cách. Ngay trong gia đình, nhiều khi tình yêu thương lại chẳng khác gì bạo lực.

Học online kéo dài vì dịch, không phải em học sinh nào cũng tiếp thu tốt. Phụ huynh lo con học online không hiệu quả nên lại càng thúc ép, giám sát chặt.

Em LƯU TRÀ GIANG - Học sinh lớp 6A7, trường THCS Giảng Võ, Hà Nội: “Học trực tiếp em cũng khó tập trung nên là học online thi em càng không tập trung được, dù bố mẹ ốp em rất là chặt.”

Áp lực tạo nên sự trưởng thành là lý luận mà nhiều người lớn dùng để biện hộ cho sự can thiệp thô bạo của mình. Nhưng áp lực đến đâu, áp lực vào lúc nào sẽ dẫn đến những tình huống khác nhau. Rõ ràng, con trẻ không chỉ cần duy nhất áp lực mới có thể trưởng thành.

Bà NGUYỄN THỊ SỬU - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên – Huế: “(Việc ép học) Không những làm cho trẻ bị áp lực về mặt tâm lý mà còn rơi vào vòng luẩn quẩn, dẫn tới những hành vi tiêu cực mà chính con trẻ cũng không kiểm soát được. Như vậy, chúng ta làm hại các con, làm hại thế hệ trẻ.”

Không chỉ can thiệp khi con còn nhỏ, nhiều bậc phụ huynh còn tiếp tục can thiệp thô bạo vào những lựa chọn như chọn trường, chọn nghề,… Đây không nên được xem như một hành vi bình thường, một quyền lực hiển nhiên giữa cha mẹ với con cái. Chỉ mặt, điểm tên những hành vi này trong luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi là điều mà các đại biểu, các chuyên gia hết sức quan tâm.

Bà KHUẤT THU HỒNG - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS): “Rất nhiều người nghĩ rằng hành vi quát mắng, ép con học là tốt cho con, không nghĩ rằng đây là hành vi bạo lực. Liệt kê những hành vi như thế rất quan trọng. Nếu trong Luật Trẻ em còn chung chung thì đây là cơ hội để làm rõ hơn, là cơ hội để chúng ta mở rộng luật đến mọi thành viên trong gia đình."

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Tình trạng nhức nhối bố mẹ, thành viên gia đình ép buộc con cái, cháu chắt học hành quá mức như một hành vi về bạo lực gia đình, dẫn đến trầm cảm, có phản ứng tiêu cực, thậm chí là tự sát, đã được tiếp thu trong Luật trẻ em".

Dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình sửa đổi đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và nhận được sự quan tâm lớn từ cử tri cũng như đại biểu.

Thực hiện : Nhóm Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/lieu-ep-con-tre-hoc-tap-co-la-bao-luc-gia-dinh