Liều thuốc tâm lý

Ðầu tháng 12 này, một loạt các nước trên thế giới công bố triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 để tiến công đẩy lùi đại dịch. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, nếu quá chủ quan vào 'phép nhiệm mầu' của vắc-xin mà thiếu những biện pháp hỗ trợ, các quốc gia có thể sẽ phải trả giá đắt. Tuy nhiên, động thái này đã tạo tâm lý tích cực trên phạm vi toàn cầu.

Ðầu tháng 12 này, một loạt các nước trên thế giới công bố triển khai tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 để tiến công đẩy lùi đại dịch. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, nếu quá chủ quan vào "phép nhiệm mầu" của vắc-xin mà thiếu những biện pháp hỗ trợ, các quốc gia có thể sẽ phải trả giá đắt. Tuy nhiên, động thái này đã tạo tâm lý tích cực trên phạm vi toàn cầu.

Một loạt quốc gia đã tuyên bố đẩy mạnh sản xuất, nhập khẩu và "phủ sóng" vắc-xin đến người dân của mình trong những ngày gần đây. Chính phủ Phần Lan thông báo đã nhất trí chiến lược quốc gia về việc tiêm phòng Covid-19 cho tất cả người dân. Theo đó, từ tháng 1-2021, nước này sẽ tiến hành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các nhân viên y tế được lựa chọn. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Y tế cũng đã thông báo kế hoạch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vào cuối tháng 12-2020 nhằm khống chế sự lây lan của đại dịch. Tại Nga, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã chỉ thị chính phủ bắt đầu cho tiêm chủng đại trà vào cuối tuần này. Một số quốc gia châu Âu khác như Ðức, Na Uy, Tây Ban Nha... cũng đồng loạt thông báo về kế hoạch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân.

Trong khi đó, tại Niu Oóc - nơi đang là điểm nóng về bùng phát đại dịch của nước Mỹ và toàn cầu, Thống đốc bang Niu Oóc cho biết đợt vắc-xin đầu tiên đến bang là sản phẩm của hãng dược Pfizer phối hợp hãng BioNTech SE bào chế sẽ ưu tiên phân phối cho các viện dưỡng lão. Ðợt thứ hai là vắc-xin của hãng Moderna dự kiến sẽ tới Niu Oóc vào khoảng cuối tháng 12. Tại Mê-hi-cô, Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp nhận lô vắc-xin đầu tiên của hãng Pfizer, với 250 nghìn liều trong tháng 12 này và ưu tiên cung cấp cho đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch.

Các thông tin nêu trên khiến chứng khoán châu Âu và châu Á đồng loạt tăng điểm những phiên gần đây. Trong những ngày giao dịch đầu tiên của tháng 12 này, các chỉ số chứng khoán chính trên thị trường châu Âu đều đồng loạt tăng điểm. Cụ thể, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,3%, còn tại thị trường châu Á, các nhà đầu tư đã nối lại hoạt động mua vào cổ phiếu nhờ thông tin về vắc-xin ngừa Covid-19. Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đã tăng 1,08%.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, triển vọng về việc hàng triệu người bắt đầu được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trong vài tuần tới là động lực khiến nhiều nhà giao dịch đặt cược vào sự phục hồi kinh tế mạnh trong năm 2021.

Theo WHO, sau một thời gian đồng loạt "ra quân" nghiên cứu, sản xuất vắc-xin chống dịch, hiện có khoảng 51 vắc-xin phòng Covid-19 đang được thử nghiệm trên người, 13 trong số này đã đến giai đoạn thử nghiệm cuối trên quy mô lớn. Trong khi đó, còn khoảng 163 vắc-xin đang được nghiên cứu và phát triển tại các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất hiện nay là hiệu quả bảo vệ của các loại
vắc-xin trên sẽ được duy trì trong bao lâu. Gần đây, việc xuất hiện những người đã khỏi bệnh lại tái nhiễm với một vi-rút biến thể đã làm gia tăng nghi ngại về thời gian vắc-xin phát huy hiệu quả bảo vệ.

Một vấn đề nữa là ngay cả khi vắc-xin ngừa Covid-19 hiệu quả, thì vẫn có rất nhiều người từ chối tiêm vắc-xin. Kết quả khảo sát tại 15 quốc gia mới công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới hồi đầu tháng này cho thấy số người sẵn sàng tiêm vắc-xin đã giảm kể từ tháng 8 từ mức 77% xuống 73%. Tại nước Pháp, kết quả thăm dò cho thấy chỉ có 54% số người Pháp được hỏi cho biết họ sẽ đi tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19. Ngoài ra, trong ngắn hạn, thế giới sẽ vẫn phải "sống chung với đại dịch" khi lượng vắc-xin cung ứng còn rất hạn chế. Thậm chí, WHO lo ngại thế giới sẽ không có đủ vắc-xin để ngăn chặn gia tăng ca nhiễm trong ba đến sáu tháng.

WHO vừa cảnh báo, chỉ riêng việc triển khai tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ không thể đẩy lùi đại dịch. Tổng Giám đốc WHO T.Ghê-brây-ê-xút cho rằng, tìm ra vắc-xin giúp cả thế giới cảm thấy nhẹ nhõm hơn và có hy vọng tìm được lối thoát khỏi đại dịch. Tuy nhiên, thế giới sẽ tiếp tục phải chiến đấu với đại dịch thêm một thời gian dài nữa và tình hình dịch bệnh trong ngắn hạn cũng như thời điểm dịch bệnh kết thúc sẽ phụ thuộc vào những quyết định mà các nhà lãnh đạo, cũng như người dân đưa ra trong những ngày tới. Theo đó, mỗi người dân, mỗi quốc gia phải loại bỏ tâm lý chủ quan rằng "có vắc-xin là hết Covid-19". Trước mắt, duy trì giãn cách xã hội và tuân thủ các biện pháp phòng dịch vẫn là giải pháp quan trọng nhất để hạn chế sự lây lan của đại dịch nguy hiểm này.

HÀ VIỆT

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/-lieu-thuoc-tam-ly-627229/