Linh Hải hôm nay

Sự hình thành các làng xã người Hải Lăng trên vùng đất thuộc miền Tây huyện Gio Linh diễn ra vào giữa năm 1975 đến đầu năm 1976. Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, với tầm nhìn chiến lược, Tỉnh ủy Quảng Trị chủ trương bố trí lại dân cư, lao động ở các vùng miền, tập trung khai hoang phục hóa, đẩy mạnh sản xuất để phát triển kinh tế. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, hơn 10.000 nhân khẩu của các xã thuộc huyện Hải Lăng có mật độ dân cư đông đúc, ruộng đất sản xuất hạn chế đã tình nguyện rời quê hương lên xây dựng kinh tế mới ở miền Tây huyện Gio Linh, hình thành nên 3 xã kinh tế mới là Hải Thái, Hải Bình và Hải Trung.

 Phát triển cây cao su trên miền Tây Gio Linh. Ảnh: PV

Phát triển cây cao su trên miền Tây Gio Linh. Ảnh: PV

Giai đoạn 1986 đến 1992, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng mô hình nông trường - xã, 2 xã Hải Trung, Hải Bình tách ra khỏi huyện Bến Hải sáp nhập vào Nông trường 74 trực thuộc Công ty Cao su Quảng Trị và cùng 2 xã Gio Sơn và Gio Hòa hợp nhất thành xã Gio Sơn - Nông trường 74. Đến tháng 3/ 1990, sau khi huyện Gio Linh được tái lập, xã Gio Sơn trực thuộc huyện Gio Linh, hai xã Hải Trung, Hải Bình tách khỏi xã Gio Sơn hợp nhất thành xã Linh Hải.

Địa bàn xã Linh Hải nằm trong vùng trung du của huyện Gio Linh có độ nghiêng thấp dần từ Tây sang Đông. Trên địa phận của xã có Tỉnh lộ 74 nối Quốc lộ 1 với đường Hồ Chí Minh dài 9,5 km, có đường 79 và các trục đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa đáp ứng nhu cầu đi lại, giao lưu và phát triển kinh tế hàng hóa trên địa bàn. Trên địa bàn xã còn có các ao hồ tự nhiên, đặc biệt là hồ chứa nước Trúc Kinh, có diện tích mặt nước 25 ha, góp phần quan trọng tạo sự cân bằng sinh thái cho môi trường sống của con người cũng như phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Toàn xã Linh Hải có 2.015,7 ha đất tự nhiên, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 1.6420,7 ha, đất phi nông nghiệp hơn 246 ha, đất chưa sử dụng 128,9 ha.

Người dân Linh Hải vốn xuất thân là một bộ phận trong cộng đồng dân cư thuộc các xã Hải Hòa, Hải Tân, Hải Vĩnh, Hải Xuân, Hải Thành, Hải Thượng, Hải Quế, Hải Ba, Hải Thiện, Hải Phúc của huyện Hải Lăng, là những vùng đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử và đấu tranh cách mạng. Để đảm bảo vai trò lãnh đạo, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gio Linh, sau khi được tái lập, Linh Hải đã tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy Đảng, chính quyền và các toàn thể quần chúng, tạo điều kiện lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống văn hóa - lịch sử đáng tự hào của mình, nhân dân Linh Hải luôn trân trọng giữ gìn và coi đó là một tài sản tinh thần vô giá, nguồn động lực to lớn mang theo bên mình, làm hành trang trên bước đường làm giàu trên vùng đất mới.

Bám sát Nghị quyết 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gio Linh (khóa XIII) “về phát triển kinh tế vùng gò đồi, miền núi”, Đảng ủy xã Linh Hải tiếp tục xác định khâu đột phá là phát triển kinh tế gò đồi, trọng tâm là phát triển cao su tiểu điền, cải tạo vườn tạp, đưa các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào gieo trồng. Tăng cường chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kĩ thuật và cơ giới hóa để từng bước giải phóng sức lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.

Xác định lâm nghiệp và kinh tế gò đồi là trọng điểm, Đảng bộ, chính quyền xã đã chỉ đạo nhân dân tích cực trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc. Đến nay diện tích rừng trồng của xã Linh Hải có hơn 385 ha, trong đó rừng phòng hộ 117,7 ha, rừng sản xuất 139,3 ha, tỉ lệ che phủ đạt 56,6%. Đi đôi với trồng rừng, người dân thực hiện tốt công tác quản lí, chăm sóc, bảo vệ rừng, nên đã ngăn chặn được nạn cháy rừng, tình trạng chặt phá và khai thác rừng trái phép.

Chương trình cải tạo vườn tạp được đẩy mạnh, phát triển đúng hướng. Người dân đã chuyển đổi những diện tích đất trồng cây lương thực kém hiệu quả qua trồng cao su tiểu điền và xây dựng các mô hình kinh tế vườn rừng, vườn đồi hiệu quả cao. Việc cải tạo vườn tạp được thực hiện theo hướng bền vững, lấy cây hồ tiêu làm chủ lực trong chiến lược kinh tế vườn hộ. Do đó, nhiều hộ gia đình đã tăng cường trồng tiêu, cây ăn quả, tỉ lệ vườn hộ được định hình ngày càng tăng, giá trị kinh tế vườn được nâng cao. Tính đến nay toàn xã Linh Hải đã trồng được trên 360 ha cao su tiểu điền, 20 ha hồ tiêu, 21,5 ha cây ăn quả có giá trị như bơ, nhãn, vải... Tỉ lệ vườn hộ được định hình đạt 76%.

Chăn nuôi tiếp tục phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kĩ thuật, thay đổi con giống đầu tư thâm canh theo hướng bán công nghiệp. Tỉ lệ nạc hóa đàn lợn 95%, sind hóa đàn bò 45%. Tổng diện tích nuôi cá nước ngọt 25,4 ha. Ngoài ra, tận dụng lòng hồ Trúc Kinh, nhân dân tổ chức khai thác tôm cá tự nhiên với sản lượng trên 15 tấn mỗi năm. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm tỉ trọng 35,39% trong ngành nông nghiệp.

Tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ phát triển mạnh. Số cơ sở sản xuất và kinh doanh các ngành nghề tăng lên đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư mua sắm các thiết bị phương tiện phục vụ sản xuất kinh doanh. Toàn xã hiện có 52 cơ sở sản xuất, kinh doanh giải quyết việc làm thường xuyên cho 275 lao động, chiếm 21% lao động trên địa bàn, đạt 30% trong tổng thu nhập toàn xã.

Sản xuất đổi mới và phát triển, nên bằng nguồn vốn đầu của nhà nước, vốn huy động nội lực đóng góp của dân, xã Linh Hải đã đầu tư 32 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng như bê tông hóa 4,5 km đường giao thông nông thôn, nâng cấp các hồ đập thủy lợi, trường tiểu học, mầm non, trạm y tế, hệ thống nước sạch... Đồng thời, từ nguồn vốn đóng góp của dân, Linh Hải đã đầu tư trang bị các thiết bị âm thanh ở các trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa thôn, góp phần phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đến nay, xã Linh Hải đã có 12/12 làng và 2 đơn vị trường học giữ vững danh hiệu làng văn hóa, đơn vị văn hóa cấp huyện, trong đó có 5 làng được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh, 94% hộ đạt gia đình văn hóa.

Đặc biệt, xã Linh Hải đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức của cộng đồng, nhân dân đã tự nguyện hiến đất, hiến công và hiến kế vào việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Toàn xã đã huy động được 1.000 ngày công để mở rộng và làm thông thoáng 10 km đường liên thôn, đường nội thôn, đóng góp 300 triệu đồng xây dựng lưới điện chiếu sáng dọc các trục đường của 12 thôn trên địa bàn xã.

Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, với tinh thần phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ, Linh Hải đang đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kết cấu hạ tầng và xây dựng nông thôn mới, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, trở thành điểm sáng của miền Tây Gio Linh thời kì đổi mới.

Ngô Nguyên Phước

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145036