Lo cho thương hiệu Đà Nẵng

An ninh trật tự và quản lý đất đai là 2 trong số những thách thức lớn mà Đà Nẵng đang phải đối mặt được các đại biểu đề cập nhiều trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 12, HĐND TP Đà Nẵng.

An ninh trật tự và quản lý đất đai là 2 trong số những thách thức lớn mà Đà Nẵng đang phải đối mặt được các đại biểu đề cập nhiều trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 12, HĐND TP Đà Nẵng.

Đại biểu HĐND TP bỏ phiếu bầu chức danh Ủy viên UBND TP.

Đại biểu HĐND TP bỏ phiếu bầu chức danh Ủy viên UBND TP.

* Ngày 10-12, các đại biểu HĐND TP đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh ủy viên UBND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2016-2021 với ông Trương Chí Lăng - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP vừa nghỉ hưu theo chế độ và ông Lê Thanh Hải - nguyên Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng đã được Bộ Công an điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh thanh tra Bộ Công an (đã có đơn xin cho thôi làm Đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021). Cùng ngày HĐND TP đã bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND TP với ông Nguyễn Hà Bắc- Giám đốc Sở Công Thương, bà Trương Thị Hồng Hạnh- Giám đốc Sở Du lịch, ông Lê Tùng Lâm- Giám đốc Sở Xây dựng, Đại tá Nguyễn Quốc Hương- Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự TP. Ngoài ra, HĐND TP cũng bầu ông Trương Minh Hải- Giám đốc Trung tâm Thông tin và nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Thành ủy làm Phó Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.

“4 an” đang bị đe dọa

Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP Đà Nẵng Cao Thị Huyền Trân nói rằng, chủ trương “5 không, 3 có”, “4 an” đã góp phần lớn tạo thương hiệu Đà Nẵng, nhưng hiện nay đã nảy sinh nhiều bất cập. TP đang phải đối diện với nhiều vấn đề liên quan tới tệ nạn xã hội, tội phạm ma túy, cho vay nặng lãi, gia tăng vi phạm về giao thông... Trưởng Ban Pháp chế Phan Thanh Long cho biết, tội phạm và vi phạm pháp luật về ma túy tiếp tục tăng, năm sau cao hơn năm trước và ngày càng phức tạp, trong đó đáng lo ngại là xu hướng trẻ hóa và giàu hóa, kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội. Trong khi đó, công tác quản lý đối tượng và các cơ sở kinh doanh dịch vụ còn sơ hở, nhiều cơ sở kinh doanh có điều kiện chưa đảm bảo đúng qui định, hoạt động không phép, biến tướng, có trường hợp vi phạm nhiều lần, bị đình chỉ nhưng vẫn hoạt động, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.

Cũng theo ông Long, vấn đề cử tri TP quan tâm là tình trạng người nước ngoài vi phạm pháp luật có xu hướng tăng cao, đa dạng về hành vi vi phạm. TP đã phát hiện xử lý 556 người nước ngoài (tăng 279 trường hợp, bắt 9 đối tượng truy nã quốc tế) vi phạm về các hành vi tổ chức đánh bạc, nhập cảnh hoạt động sai mục đích, tàng trữ sử dụng trái phép chất ma túy, gây rối ANTT, cướp tài sản, sử dụng công nghệ cao lừa đảo, sản xuất phim đồi trụy…Đáng lưu ý có tình trạng người nước ngoài núp bóng dưới hình thức kinh doanh bất động sản, nhiều đối tượng người nước ngoài trốn nã chọn Đà Nẵng để ẩn náu và tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, trong đó có đối tượng chỉ được phát hiện khi đã sử dụng ma túy. Công tác quản lý người nước ngoài lưu trú tại các căn hộ codotel bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Từ thực tế đó, ông Long đề nghị TP cần siết chặt công tác quản lý lưu trú người nước ngoài, tăng cường quản lý địa bàn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ không để đối tượng lợi dụng để vi phạm, tái phạm. Đặc biệt, cần ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy thẩm thấu vào địa bàn, quản lý chặt người nghiện, đối tượng có biểu hiện loạn thần, xử lý kịp thời các tụ điểm sử dụng ma túy.

Quản lý đất đai bất cập

Ông Trần Chí Cường- Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP cho biết, Đà Nẵng có chủ trương hợp thửa các lô đất tái định cư để quy hoạch thành các lô đất lớn phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ và dành quỹ đất cho công trình công cộng, văn hóa, y tế, giáo dục. Theo đó, các lô đất lớn, các dự án chậm triển khai, nhiều chủ đầu tư đã cam kết tiến độ, thực hiện gia hạn và nộp nghĩa vụ tài chính vào ngân sách ( khoảng 214 tỷ đồng). Tuy vậy, ở các quận huyện, việc gia hạn sử dụng đất với các lô đất lớn chuyển quyền cho cá nhân còn chậm. Do đó, ông Cường đề nghị cần tăng cường công tác hậu kiểm và kiên quyết thu hồi các khu đất lớn hết thời gian gia hạn sử dụng đất. Trong khi đó, Trưởng Ban Đô thị Nguyễn Thành Tiến nhìn nhận, thực tế vẫn tồn tại nhiều lô đất trống, nhiều dự án chậm đưa vào sử dụng theo đúng quy định, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Công tác quản lý đất đai khu vực ven đô nhất là Hòa Vang, Liên Chiểu còn lỏng lẻo để tình trạng chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp, tách thửa, tự quy hoạch phân lô trên đất nông nghiệp khá phức tạp.

Một số bất cập khác trong quản lý đất đai ở Đà Nẵng cũng được các đại biểu nêu ra trong buổi thảo luận. Đơn cử như dự án số hóa dữ liệu quản lý đất đai sắp kết thúc nhưng bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu, công tác ứng dụng CNTT trong quản lý đất đai chưa hoàn thiện. Đại biểu cũng đề nghị TP nghiên cứu thu hẹp các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, chuyển sang hình thức cho thuê đất thu tiền thuê hàng năm, đảm bảo nguồn thu ổn định từ đất đai.

Nhiều đại biểu cũng phản ánh quy trình thủ tục giải quyết đất rẻo hiện quá nhiều tầng nấc, cơ quan, làm người dân phải đi lại lòng vòng. Trong khi đó, vấn đề đất nông nghiệp không sản xuất được phản ánh nhiều lần, trong thời gian dài mà chưa dứt điểm. Hiện Đà Nẵng có khoảng 188 ha đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng từ các dự án. Từ năm 2012 đến nay TP phải chi 31 tỷ đồng hỗ trợ nhằm đảm bảo đời sống cho các hộ nông dân có đất không sản xuất được. Việc thống kê, xử lý dứt điểm với diện tích đất này khá chậm. Ông Trần Chí Cường đưa ra giải pháp, với diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được nằm trong quy hoạch dự án thì lập kế hoạch tiến độ, sớm triển khai dự án, trong quá trình triển khai ưu tiên thu hồi trước đối với diện tích đất nông nghiệp này. Đối với diện tích đất nông nghiệp nằm ngoài quy hoạch thì giao địa phương rà soát từng vị trí để đề xuất cải tạo hoặc thu hồi theo quy định.

H.QUỲNH- K.THANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_217330_lo-cho-thuong-hieu-da-nang.aspx