Lo ngại tái diễn tình trạng nợ xây dựng cơ bản nghiêm trọng

Các doanh nghiệp đã trao niềm tin, vay vốn để làm các dự án công, vì thế cần rà soát kỹ lưỡng, kịp thời thanh toán cho doanh nghiệp khi họ có khối lượng hoàn thành, theo ý kiến đại biểu Quốc hội.

Sáng 7/6 nêu ý kiến tại phiên thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) bày tỏ lo ngại tình trạng nợ xây dựng cơ bản đang gia tăng.

Nợ xây dựng cơ bản chưa giảm và đã xuất hiện nợ mới. Tức là, không chỉ tồn tại nợ xây dựng cơ bản từ 1/1/2015 trở về trước, báo cáo Kiểm toán Nhà nước phát hiện thêm hơn 4.000 tỷ đồng nợ xây dựng cơ bản năm 2022, đại biểu nêu.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội).

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội).

Vị đại biểu Hà Nội cho rằng, nếu không rốt ráo xử lý thì tiếp tục phát sinh nợ mới, trong đó có khoản liên quan doanh nghiệp đầu tư, khi họ đã vay vốn ngân hàng để làm các dự án đầu tư công. Đại biểu Mai cũng lưu ý thêm rằng cần tránh ảnh hưởng tối đa tới các doanh nghiệp, bởi họ “đã trao niềm tin, vay vốn để làm các dự án công”.

Vì thế bà Mai cho rằng, các cơ quan liên quan cần rà soát kỹ lưỡng, kịp thời thanh toán cho doanh nghiệp khi họ có khối lượng hoàn thành. Hiện, khâu thanh toán đã được Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước đẩy nhanh, tức chỉ cần chủ đầu tư, nhà thầu xác định khối lượng hoàn thành, sau 3 ngày gửi lên họ sẽ được thanh toán. Nhưng vẫn còn tình trạng nhiều chủ đầu tư chưa vào cuộc, tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu. Điều này dẫn tới cách bố trí, phân bổ vốn chưa chú trọng tới xử lý nợ xây dựng cơ bản, trong khi dây là vấn đề cần ưu tiên.

Theo đại biểu, ở đây có phần trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan khi đã thiếu kiên quyết, còn nể nang phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công. “Rõ ràng xác nhận có nợ, nhưng không ưu tiên phân loại dự án để bố trí thanh toán”, bà nhìn nhận và cho rằng cần phân định rõ trách nhiệm trách nhiệm nào thuộc trung ương, trách nhiệm nào thuộc địa phương trong bố trí, phân bổ vốn.

Lo ngại đang tái diễn bức tranh nợ xây dựng cơ bản nghiêm trọng như năm 2015 trở về trước, đại biểu Mai đề nghị Chính phủ báo cáo rõ, làm rõ trách nhiệm. Vì, nếu không làm rõ trách nhiệm thì vẫn tái diễn tình trạng này. “Chúng ta không thể bỏ qua những điều đã ghi vào Luật Đầu tư công 2024 - quy định hành vi vi phạm với phát sinh nợ xây dựng cơ bản”, nữ đại biểu nhấn mạnh.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói Bộ này tổng hợp các khoản nợ của các bộ, ngành địa phương. Theo đó, nợ ở bộ, ngành trung ương rất ít, nhưng chủ yếu ở địa phương, nhất là ngân sách tỉnh và huyện. Lý do khi bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, các khoản thanh toán cho dự án thì bố trí thiếu, chưa bố trí. Vì thế, vốn cho dự án cũ chưa hoàn thành sẽ không được bố trí.

Ông Phớc cho rằng, các tỉnh phải kiểm soát việc này. Ngoài ra, có dự án thiếu thủ tục đầu tư nên ngân sách địa phương chưa bố trí kịp thời. Chủ đầu tư hoàn thành khối lượng công trình, lên phiếu giá công trình nhưng chưa gửi tới UBND các cấp xác định, do đó chưa được bố trí vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, nên không được bố trí vào kế hoạch vốn hàng năm. Vì thế, địa phương chưa có cơ sở cấp vốn cho chủ đầu tư, nợ xây dựng cơ bản phát sinh chủ yếu ở khâu này.

Bộ trưởng Tài chính đề nghị UBND tỉnh, huyện rà soát lại các khoản này và cần bố trí vốn trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/lo-ngai-tai-dien-tinh-trang-no-xay-dung-co-ban-nghiem-trong-d217084.html