Loạt cán bộ pháp y tâm thần bị bắt: Bộ Y tế chấn chỉnh tình trạng giúp tội phạm 'giả điên tránh án'
Hàng loạt thầy thuốc trong lĩnh vực pháp y tâm thần bị bắt vì tiếp tay cho tội phạm trốn tránh trách nhiệm hình sự, gây rúng động dư luận. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị siết chặt kỷ cương, không để tiêu cực tái diễn trong lĩnh vực nhạy cảm này.

Hàng loạt cán bộ pháp y tâm thần bị bắt
Phơi bày những mảng tối trong lĩnh vực pháp y tâm thần
Những năm qua, ngành y tế chứng kiến hàng loạt vụ việc chấn động liên quan đến các vi phạm pháp luật trong hệ thống pháp y tâm thần. Chỉ tính từ tháng 6/2024 đến nay, đã có hàng chục lãnh đạo, thầy thuốc trong lĩnh vực này bị bắt giữ, thuộc Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa và Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Trung tâm pháp y tâm thần miền núi phía Bắc, đã gây chấn động dư luận và làm xói mòn niềm tin của xã hội vào một lĩnh vực vốn rất đặc thù và nhạy cảm.
Điều này khiến người dân đặt câu hỏi về tính minh bạch, khách quan của hoạt động giám định tâm thần – yếu tố có thể quyết định sinh mệnh pháp lý của một bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự.
Những tiêu cực này thường xoay quanh việc “giúp” tội phạm giả bệnh tâm thần để tránh truy tố, hoặc giảm nhẹ hình phạt. Có trường hợp để người bệnh tâm thần bắt buộc tự ý rời khỏi cơ sở điều trị, gây nguy cơ cao cho cộng đồng.
Những hành vi như vậy không chỉ tiếp tay cho tội phạm mà còn hủy hoại nền móng đạo đức và kỷ luật trong ngành y.
Bộ Y tế vào cuộc: Siết chặt kỷ cương, giữ vững chuyên môn
Trước tình hình đó, hôm nay (11/7), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã ký công điện khẩn gửi tới toàn hệ thống pháp y, tâm thần và các bệnh viện trực thuộc, yêu cầu rà soát, chấn chỉnh toàn diện hoạt động giám định pháp y, pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc.
Công điện nêu rõ, tuy thời gian qua công tác giám định pháp y và bắt buộc chữa bệnh tâm thần đã có nhiều cố gắng, nhưng sự việc vừa xảy ra cho thấy những lỗ hổng lớn trong quản lý, giám sát, cũng như đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ.
Người đứng đầu Bộ Y tế Bộ Y tế thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân là do một số cán bộ lãnh đạo và nhân viên y tế chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật, dễ bị lôi kéo, tiếp tay cho tội phạm vì tư lợi cá nhân.
Để khắc phục, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc thực hiện ngay 6 nhóm nhiệm vụ then chốt, gồm:
· Tăng cường giám sát toàn bộ quy trình giám định và điều trị bắt buộc, đặc biệt với các đối tượng được cơ quan tố tụng yêu cầu đưa đi giám định tâm thần.
· Thực hiện nghiêm quy định pháp lý tại Nghị định 64/2011/NĐ-CP và các hướng dẫn chuyên môn về bắt buộc chữa bệnh.
· Không cấp khống, cấp sai hồ sơ bệnh án hoặc giấy tờ xác nhận tình trạng tâm thần để các đối tượng lợi dụng trốn tránh truy cứu trách nhiệm hình sự.
· Chịu trách nhiệm cá nhân: Người đứng đầu đơn vị sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra sai phạm.
· Đảm bảo an ninh cho nhân viên y tế, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và giám định.
· Đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ chuyên môn trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần.

Hai đối tượng (ở giữa) bắt tay với các cán bộ pháp y tâm thần để vi phạm pháp luật.
Ngăn chặn nguy cơ lạm dụng giám định tâm thần
Một trong những lỗ hổng dễ bị khai thác là việc cấp giấy xác nhận tâm thần không minh bạch, dẫn đến tình trạng “giả điên tránh án” trong các vụ án hình sự.
Vì thế, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh tâm thần, khi cấp giấy khám sức khỏe hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án có liên quan đến tình trạng tâm thần, bắt buộc phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình chuyên môn.
Nếu phát hiện có dấu hiệu móc ngoặc, làm giả hồ sơ, cán bộ liên quan sẽ bị xử lý nghiêm.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để đảm bảo việc giám định tâm thần luôn khách quan, minh bạch, không bị chi phối bởi các yếu tố ngoài chuyên môn.
Vụ việc tại các Viện Pháp y tâm thần không chỉ là lời cảnh báo về lỗ hổng quản lý mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức nghề nghiệp trong lĩnh vực đặc thù. Những người làm công tác giám định pháp y tâm thần cần không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng và tinh thần thượng tôn pháp luật.
Sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Y tế lần này không chỉ nhằm xử lý hậu quả mà còn hướng tới thiết lập một hệ thống minh bạch, có kỷ cương, giữ gìn sự tôn nghiêm của ngành y tế trong mắt cộng đồng.