Lỗi của nữ tính

Nằm thoải mái trên chiếc giường quen thuộc từ thuở ấu thơ, Lanh thấy trong lòng ấm áp lạ lùng. Cô cảm giác được hồi sức nhanh chóng, đáng ngạc nhiên với người vừa sinh con được dăm ngày.

Lanh sinh con gái nên mẹ đã tinh tế sắm toàn đồ màu hồng phấn. Áp má lên chiếc gối mềm mại, thơm mát, Lanh rưng rưng trong cảm giác được chiều chuộng nâng niu. Mẹ đang làm gì đó trong bếp, nghe tiếng động, bà vội quay vào, ngồi xuống bên Lanh, âu yếm hỏi:

- Con dậy rồi à, mẹ múc cháo ra cho nguội chút con ăn nhé?

Lanh ngoan ngoãn vâng mẹ. Cô biết mẹ là người chu đáo và khoa học. Mẹ không bao giờ ép cô phải ăn đến phát ngán. Gái đẻ cũng ăn theo nhu cầu, chỉ tránh những thức ăn không có lợi cho người mới sinh thôi, mẹ luôn bảo thế.

Cháo mẹ nấu sánh dìu dịu rất vừa miệng. Lanh ăn xong, lại nhận luôn từ tay mẹ cốc nước lọc nhỏ. Mẹ bảo:

- Con ngồi chút rồi nằm đi nhé. Càng nằm nhiều sau càng tránh được bệnh đau lưng con ạ. Mà sao cứ nhìn mẹ chằm chằm thế con gái?

-Mẹ, mẹ... có buồn con không?

- Không, vì sao mẹ lại phải buồn...

- Vì con đã sinh ra đứa bé này...

- Ồ không, sao hôm nay con nói gì lạ thế?

Lanh im lặng, thở dài nhè nhẹ. Cô thấy mình chưa thật sự hiểu mẹ. Khi biết rằng mình sẽ làm mẹ, người đầu tiên mà Lanh nghĩ đến là người đàn bà đã sinh ra cô. Mẹ cô sẽ ứng xử ra sao trước thông tin đó? Cô sẽ phải giải thích thế nào về việc mình sẽ sinh con một mình? Mà đó không phải là kết quả của lầm lỡ. Nó là sự tự chủ. Lanh biết mình hơi khác người. Cô không tin có người đàn ông có thể đi cùng cô suốt cả cuộc đời. Cô sợ sự đổ vỡ. Cha và mẹ cô đã từng hạnh phúc đến thế, mà vẫn cứ chia lìa đấy thôi. Sao bằng ngay từ đầu, cô chọn sẵn cho mình một con đường. Độc đạo đấy nhưng chắc sẽ bình yên, bởi không có những lối rẽ không mong muốn. Lanh chỉ đau tim nghĩ đến việc phải nói cho mẹ hiểu quyết định phải nói là khá kỳ quặc của cô. Ai ngờ, mẹ chỉ nói: Nếu con không thấy khổ vì chuyện đó thì mẹ cũng yên lòng. Con đã xa mẹ quá lâu rồi. Biết là vì mưu sinh nhưng… Mẹ phải cảm ơn đứa bé này vì nhờ nó mà mẹ sẽ được gần con.

Câu cuối của mẹ khiến Lanh bật khóc.

*******

Những ngày xưa hạnh phúc, Lanh luôn yêu những bữa sáng cả nhà sum tụ. Mẹ của Lanh bao giờ cũng lo “sáng mai ăn gì” từ hôm trước. Có khi mẹ hỏi các con: Mai ăn bún măng nhé, hay là xôi gà? Nếu như được sự hưởng ứng “quá bán” nghĩa là chỉ cần hai con gái hưởng ứng, bữa sáng sẽ được mẹ chuẩn bị đúng y như vậy. Bố, người đàn ông duy nhất trong nhà sẽ luôn… a dua theo ba mẹ con. Song cũng có hôm, mẹ chả hỏi ý kiến ai hết. Thế nhưng buổi sáng tỉnh dậy, Lanh đã thấy mùi thơm lan tỏa khắp nhà. Một mùi thơm rất đỗi ngọt ngào của gạo mới của nước xương ninh thơm nồng nàn. Hóa ra là mẹ đã dậy thật sớm, ninh một nồi cháo gạo mới với sườn sụn. “Mẹ luôn hiểu điều em nghĩ trong đầu, mẹ làm em hạnh phúc” - Lanh chợt nhớ lại hồi còn bé mình đã tả về mẹ như thế trong một bài tập làm văn. Mẹ của Lanh là người nhạy cảm. Bởi vậy khi mẹ cảm thấy thèm một bát cháo thơm ngon, nóng hôi hổi vào buổi sáng, thì nó cũng trùng với vị giác của cả nhà. Lanh nhớ cái cảm giác đầm ấm, khi mẹ giục các con gái nhanh lên, còn ngồi vào bàn cùng ăn cả nhà cho nóng. Trong lúc hai chị em còn đang hơi ngái ngủ thì mẹ đã đặt trước mặt mỗi đứa một cốc nước dưỡng sinh nhỏ. Là nước ấm có pha thêm chút mật ong và vắt chanh. Uống xong cốc nước đó, cả hai cô gái đều tỉnh hẳn ngủ và cảm thấy khoan khoái. Dĩ nhiên không phải ngày nào mẹ cũng phục vụ “tận răng” như vậy, tuy nhiên, mẹ biết các cô gái của mẹ hoàn toàn không có tính ỷ lại. Chỉ là mẹ có cảm giác sung sướng khi được tự tay chăm chút các con yêu. Lanh nhớ lại hình ảnh mẹ nghiêng nghiêng bên bàn, cắt những chiếc quẩy giòn tan vào từng bát cháo nóng mà như còn ngửi thấy cái mùi quẩy thơm thoang thoảng. Những bữa sáng thật ấm cúng của cả nhà đã đi vào ký ức của chị em Lanh, khiến các cô luôn cảm thấy yêu quý gia đình bé nhỏ của mình. Bữa sáng của cả nhà bao giờ cũng có thêm sữa chua mẹ tự làm hoặc là cà phê pha phin, cái này thì bố đảm trách. Cả nhà vừa nhâm nhi vừa nghe nhạc, ngắm hoa đang nở rộ ngoài ban công. Có khoảng chưa đầy một giờ đồng hồ nhưng lòng ai cũng thư thái, chuẩn bị tâm trạng tốt cho một ngày mới. Lanh luôn thầm thán phục mẹ. Mẹ cũng chỉ dậy sớm hơn chị em Lanh khoảng 1 giờ, vẫn đi tập thể dục và tắm mà vẫn chuẩn bị bữa sáng thật chu đáo. Có lần Lanh nghe cô bạn của mẹ hỏi :

- Làm thế nào mà chị có thể làm xong nhiều việc trong buổi sáng thế? Em thấy buổi sáng vội lắm?

- Có gì đâu, mình chỉ cần ngủ sớm một chút là buổi sáng có thể tỉnh táo từ sớm. Dậy mà chui vào bếp ngay thì mình sẽ không hứng thú, nhất là nếu như ngày nào cũng vậy. Bởi thế nên cần tập thể dục trước tiên. Sau đó khi về nhà thì tranh thủ tạt qua chợ mua rau tươi và thịt tươi nếu như bữa sáng hôm đó định nấu mì, nấu miến. Nước xương thì ninh từ tối hôm trước. Cũng làm như vậy với các món phở, món bún. Còn nếu là bánh mì kẹp ốp la hay xôi thì trước khi đi tập thể dục chuẩn bị một chút. Bí quyết là làm những món đơn giản, dễ vừa miệng cả nhà. Người nội trợ mà tất bật vất vả quá, cả nhà nhìn thấy cũng ái ngại, ăn mất ngon đấy.

Bí quyết đơn giản đó mẹ cũng đã dần luyện cho Lanh. Khi lên 10, Lanh đã có thể giúp mẹ một số việc nhỏ như nhặt rau, rửa rau, rồi sắp bát đũa để sẵn ra bàn. Mẹ của Lanh làm gì cũng nhanh thoăn thoắt nhưng bà cũng là người sợ những công việc lặp đi lặp lại. Nó dễ khiến mình chán, bởi mình chả khác gì cái máy, bà vẫn nói thế với cả nhà.

Có nằm mơ Lanh cũng không thể tưởng tượng được có ngày bố và mẹ chia tay. Triển lãm tranh của một họa sĩ trưng toàn những bức vẽ chân dung mẹ, thậm chí tên tranh cũng là tên mẹ. Lanh nhìn trân trối những nét bút phóng khoáng bên dưới những bức tranh N. chải tóc, N. bên cửa sổ, N. trong giấc mơ tôi… Bàng hoàng không dám chối đó không phải là mẹ mình. Thì ra mẹ vẫn có một đời sống bí mật, bên cạnh cuộc sống lộ sáng rất chỉn chu dành cho chồng và con. Lanh có thể hiểu được cảm giác của bố bởi vì chính cô khi nhìn vào những bức tranh cũng cảm thấy sự mất mát. Bấy lâu, cô vẫn quen với hình ảnh mẹ như một thánh nữ ngọt ngào, đầy sức quyến rũ, nhưng chỉ riêng trong khung cảnh gia đình. Mẹ vẫn hay nói về sự sợ hãi những công việc lặp đi lặp lại. Phải chăng đây là kết quả của những vùng chạy khỏi cuộc sống đơn điệu đó. Buồn mẹ nhưng run rẩy trước cơn giận của bố, Lanh cố gắng nói to lên một ý nghĩ mà đầu óc của cô bé 15 có thể nghĩ ra: Con thấy không có bức tranh khỏa thân nào cả bố ạ. Đáp lại cô, bố vằn mắt: Con nói thế chứng tỏ con cũng đã lớn, đã biết một vài chuyện. Nhưng con chưa đủ tuổi để hiểu những chuyện sâu sắc hơn. Những bức tranh như thế này không thể được vẽ nên từ tâm tưởng. Chỉ cần hình dung mẹ con ngồi làm mẫu tranh, bố đã không thể chịu được rồi. Mà quá nhiều. “Họ” đã có mối quan hệ thân thiết trong một thời gian dài, chỉ có bố đui mù mới không nhận ra mà thôi.

Những bữa sáng hạnh phúc chỉ còn trong dĩ vãng. Lanh buồn rất lâu về điều đó. Chỉ mơ hồ hiểu về những gì đã diễn ra. Nhưng càng về sau cô càng ít trách mẹ hơn. Mẹ chả có lỗi gì khi muốn có một vài sự bay bổng vượt ra khỏi cuộc sống thường nhật, mà mẹ đã dành cả tâm sức để làm cho nó trở thành những ngày hội. Mẹ chỉ không may trở thành nạn nhân của sự thương yêu thái quá và không biết tha thứ, không biết thỏa hiệp. Bởi con người ai cũng muốn thụ hưởng độc quyền sự đáng yêu và không thể chịu được sự san sẻ. Thật mâu thuẫn. Giá mà mẹ bớt đáng yêu hơn, chắc cảm giác mất mát của bố sẽ vơi đi phần nào.

Phải chăng, đó là lỗi của nữ tính?

Võ Hồng Thu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/loi-cua-nu-tinh-tintuc444921