Lời đề nghị có khả thi?

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa đưa ra một đề nghị nhằm xử lý một trong những khúc mắc giữa khối với quốc gia thành viên Thổ Nhĩ Kỳ.

Sputnik cho biết, mặc dù nhấn mạnh NATO và Thổ Nhĩ Kỳ cùng có đóng góp quan trọng đối với an ninh của nhau, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận mối quan hệ giữa hai bên đang gặp nhiều trở ngại. Trong hàng loạt vấn đề nổi cộm, chuyện Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga đã được ông Jens Stoltenberg “điểm mặt” đầu tiên trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Ankara ngày 5-10. “Chúng tôi quan ngại về hệ lụy từ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400. Hệ thống này có thể gây rủi ro với máy bay của các đồng minh cũng như đặt Thổ Nhĩ Kỳ trước nguy cơ bị Mỹ trừng phạt. Đây là quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng phải khẳng định rằng, hệ thống S-400 không thể tích hợp vào hệ thống phòng thủ của NATO. Tôi kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với các nước đồng minh trong khối để tìm các phương án thay thế”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại cuộc họp báo.

 Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại cuộc họp báo chung, ngày 5-10. Ảnh: NATO

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại cuộc họp báo chung, ngày 5-10. Ảnh: NATO

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận mua bán các hệ thống S-400 trị giá 2,5 tỷ USD từ năm 2017 và đến nay, Ankara đã nhận được một số khẩu đội S-400. Thương vụ S-400 được xem là một bước đi chưa từng có tiền lệ, bởi đây là lần đầu tiên một thành viên NATO mua hệ thống vũ khí tiên tiến của Nga. NATO có quy định các thành viên phải sử dụng vũ khí do các nước trong khối sản xuất theo tiêu chuẩn riêng, nhằm bảo đảm sự tương thích giữa các chủng loại vũ khí. Vì vậy, bước đi của Thổ Nhĩ Kỳ một mặt đặt ra dấu hỏi chấm về tính tương thích của hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 với các hệ thống vũ khí đang nằm trong biên chế của NATO, mặt khác lại khiến người ta hoài nghi về sự gắn kết trong liên minh quân sự lớn nhất thế giới này. Cũng cần lưu ý rằng, lâu nay vẫn luôn tồn tại một sự thật rõ như ban ngày đó là Mỹ-“anh cả” của NATO-gần như chi phối toàn bộ hoạt động mua bán vũ khí trong khối. Bất kỳ hợp đồng mua bán vũ khí lớn nào đều phải nhận được cái “gật đầu” của Washington. Do đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ ký hợp đồng mua bán các hệ thống S-400 với Nga bất chấp sự phản đối của Mỹ chẳng khác nào “vuốt mặt không nể mũi”! Để đáp trả, Washington đã loại Ankara khỏi dự án sản xuất tiêm kích tàng hình F-35 của nước này, đồng thời phát đi cảnh báo về các lệnh trừng phạt nếu Thổ Nhĩ Kỳ triển khai các hệ thống S-400.

Không phải ngẫu nhiên Thổ Nhĩ Kỳ lại quyết tâm sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga bất chấp sức ép của Washington cũng như NATO. Theo AP, nằm sát các quốc gia láng giềng gặp khủng hoảng như Syria và Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã tìm cách giải quyết những thiếu sót liên quan đến phòng không. Ankara đã đàm phán với Nga để mua S-400 sau khi Mỹ nhiều lần từ chối cung cấp hệ thống Patriot. Một trong những lý do khiến thương vụ Patriot bất thành là Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu chuyển giao công nghệ, điều mà Washington lo ngại đi ngược lại các lợi ích chính đáng của nhà sản xuất Mỹ, bên cạnh những mối lo ngại về an ninh quốc gia. Trong khi đó, thương vụ S-400 lại bao gồm cả việc hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ nhằm đáp ứng các mục tiêu dài hạn của Thổ Nhĩ Kỳ là độc lập về công nghiệp quốc phòng. Đó là chưa kể S-400 còn được đánh giá là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Tạp chí National Interest nhận định, S-400 hiện chưa có đối thủ thực sự xứng tầm từ Mỹ, là yếu tố làm “thay đổi cuộc chơi” thực sự vì có thể phóng các loại tên lửa đánh chặn khác nhau, gồm tên lửa có tầm bắn rất xa 40N6E (400km), tầm xa 48N6 (250km) và 9M96E2 (120km), tầm ngắn 9M96E (40km) trong khi hệ thống Patriot của Mỹ chỉ trang bị duy nhất một loại tên lửa đánh chặn có tầm bắn 96km.

Nói như vậy để thấy rằng, cho dù mới chỉ là đề xuất nhưng rõ ràng “tìm các phương án thay thế” như phát biểu của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khó mang tính khả thi với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara biết rằng mình cần Mỹ và NATO để giải quyết những khó khăn kinh tế trong nước cũng như duy trì được thế cân bằng chiến lược tại Trung Đông. Tuy nhiên, nằm tại vị trí chiến lược gần như là cửa ngõ Đông-Tây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng ý thức được tầm quan trọng của mình với Mỹ và NATO để “mặc cả”. Để mất quốc gia nằm giữa hai châu lục này đồng nghĩa với việc Mỹ và phương Tây đóng sập cánh cửa, và có thể cả những cơ chế gây ảnh hưởng gián tiếp đối với Trung Đông. “Thổ Nhĩ Kỳ cần đáp ứng các yêu cầu thiết yếu của mình. NATO và các đồng minh cần hiểu điều này. Đây không chỉ là chuyện hệ thống phòng không mà còn là chuyện các đồng minh không nên gây khó cho nhau trong việc đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng”, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/loi-de-nghi-co-kha-thi-640023