Lời hứa toàn cầu cho phát triển bền vững
Trong bối cảnh nhiều thách thức, Hội nghị quốc tế của Liên hợp quốc về tài trợ cho phát triển toàn cầu lần thứ 4 (FFD4) được kỳ vọng là cột mốc mới 'thay đổi hướng đi', nhằm huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực phục vụ phát triển.

Hội nghị FFD4 được tổ chức tại Seville (Tây Ban Nha) với sự tham dự của khoảng 50 nhà lãnh đạo thế giới. (Ảnh: XINHUA)
Hội nghị quốc tế của Liên hợp quốc về tài trợ cho phát triển toàn cầu lần thứ 4 (FFD4) vừa khai mạc tại Seville, Tây Ban Nha, khi thời tiết ngoài trời như thiêu đốt. Trong nhà, cũng cảm nhận được sức nóng, khi lòng tin giữa các quốc gia và các thể chế đang bị lung lay. Trong bối cảnh nhiều thách thức, FFD4 được kỳ vọng là cột mốc mới “thay đổi hướng đi”, nhằm huy động và phân bổ hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển.
Thế giới đã trải qua 20 năm triển khai các cam kết về tài chính cho phát triển, trong đó có các văn kiện như Đồng thuận Monterrey 2002, Tuyên bố Doha 2008 và Chương trình hành động Addis Ababa 2015. Những nỗ lực toàn cầu, đề cao hợp tác quốc tế, phát triển bền vững liên tục được thúc đẩy, song đang vấp phải nhiều “cơn gió ngược”. Tài chính là động lực của phát triển, nhưng hiện nay, động lực này đang chậm lại.
Bất bình đẳng, hỗn loạn về khí hậu và xung đột dữ dội phả sức nóng lên chương trình nghị sự FFD4. Khi khoảng 15 nghìn đại biểu, trong đó gần 60 nhà lãnh đạo thế giới, đại diện hơn 150 nước họp tại Seville, Chương trình nghị sự năm 2030 về Phát triển bền vững nhằm hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, công bằng hơn, lại đang gặp thách thức. Khoảng hai phần ba số các mục tiêu đầy tham vọng về phát triển bền vững được nhất trí năm 2015 đã chệch hướng đáng kể.
Khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới một lần nữa gặp thử thách. Bất ổn đang gia tăng khi các nước thay đổi chính sách định hình lại ưu tiên quốc gia. Các cuộc đàm phán thương mại đạt tiến triển, thuế quan được cắt giảm, song thế giới vẫn đối mặt nhiều bất ổn về thương mại. Điều này tác động không nhỏ đến các quốc gia đang phát triển, vốn phải đương đầu nhiều rủi ro đến từ các điều kiện tài chính thắt chặt.
Thế giới dù không ngừng kêu gọi hợp tác vì hòa bình, nhiều điểm nóng xung đột vẫn bùng nổ mà chưa tìm thấy lối thoát. Các quốc gia phát triển, vốn là các nhà tài trợ lớn, đã cắt giảm ngân sách viện trợ để tăng chi tiêu quốc phòng. Khi mà chi tiêu quân sự đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024, các khoản cắt giảm viện trợ phát triển cũng “đạt đỉnh”. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, số người cực nghèo với mức sống dưới 3 USD/ ngày ở các quốc gia đang phải chịu xung đột và bất ổn có thể lên tới 435 triệu người vào năm 2030.
Đó là lý do tại sao lại quan trọng và được kỳ vọng nhiều đến vậy. Thay mặt nước chủ nhà chào đón thế giới với “vòng tay rộng mở”, Nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI khẳng định Hội nghị là dấu mốc mới và quan trọng của nghị sự phát triển toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế là con đường hiệu quả và bền vững cho mọi quốc gia.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thế giới tận dụng FFD4, nắm bắt cơ hội 10 năm mới có một lần để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Nhà lãnh đạo Liên hợp quốc nhấn mạnh, Hội nghị tại Seville là để thay đổi, để sửa chữa và tăng tốc động lực phát triển nhằm đẩy nhanh đầu tư ở quy mô và tốc độ cần thiết.
Với những kỳ vọng và quyết tâm đó, tại phiên khai mạc Hội nghị, các nhà lãnh đạo đã đồng thuận thông qua văn kiện Cam kết Seville nhằm thiết lập một khung khổ toàn diện để xử lý các thách thức tài chính hiện nay, nhất là huy động 4 nghìn tỷ USD cho các mục tiêu phát triển bền vững. Cam kết Seville tập trung vào các lĩnh vực chính, như cải cách hệ thống tài chính quốc tế hiệu quả với các nước đang phát triển, hỗ trợ các quốc gia dễ tổn thương, phát huy vai trò của khoa học-công nghệ, đẩy mạnh huy động nguồn lực trong nước và tăng cường hợp tác thuế quốc tế...
Với Cam kết Seville được đánh giá là “lời hứa toàn cầu” đối với các quốc gia thu nhập thấp để đưa họ lên nấc thang phát triển, FFD4 đã thiết lập một hành trình mới về tài chính cho phát triển. FFD4 cũng tiếp tục các phiên thảo luận, với tinh thần “tham vọng thay vì tê liệt, đoàn kết thay vì thờ ơ, can đảm thay vì tiện lợi”. Một trong những mục tiêu lớn là nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài chính thông qua triển khai thực chất Cam kết Seville.
Vào thời điểm quan trọng để huy động các nguồn lực nhằm xây dựng tương lai công bằng, toàn diện và bền vững, cộng đồng quốc tế đã kịp thời khẳng định nỗ lực định hình lại các khuôn khổ tài chính cho phát triển, cả ở cấp độ quốc gia và toàn cầu. FFD4 còn được kỳ vọng là bệ phóng cho một kỷ nguyên mới về đầu tư phát triển và thúc đẩy đoàn kết giữa các quốc gia, trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/loi-hua-toan-cau-cho-phat-trien-ben-vung-post891098.html