Lợi Lợi Dân: Muốn làm lợi cho nông dân gấp đôi

Người đàn ông ngoài 50 tuổi này hình như lúc nào cũng cười, cũng trò chuyện rôm rả và cũng lan tỏa niềm vui bất kể là gặp ai trong hoàn cảnh nào.

“Thầy Dân siêu vui tính, siêu tốt bụng, chỉ hết cho tụi em mấy bài tủ để trồng mận, trồng táo sao cho có lợi nhất, nào là dưa lưới, cà lưới với ớt chuông. Thầy còn rủ cả nhóm ngồi thiền để lòng yên một chút thì mới thấy được những sáng kiến mới của mình” - một bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp ở Ninh Thuận đã nói như vậy khi nhắc đến ông Trần Vĩ Dân, nhà sáng lập Công ty Lợi Lợi Dân chuyên về lưới, chậu, khay, sàn, bạt, ghim, dây, móc, kẹp… - cả combo vật tư nông nghiệp.

Một “người Do Thái của Trung Hoa”

Đúng là “siêu vui tính”, tôi đã nghĩ như vậy khi gặp ông Dân. Người đàn ông ngoài 50 tuổi này hình như lúc nào cũng cười, cũng trò chuyện rôm rả và cũng lan tỏa niềm vui bất kể là gặp ai trong hoàn cảnh nào. Và ông sẵn sàng thử đóng vai “chủ tịch” hoặc “giám đốc kinh doanh” của các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp để cùng các bạn trẻ đồng sáng tạo lại chiến lược kinh doanh và chiến thuật bán hàng.

Có món biết, thì ông hào hứng lắm, có cái hơi lạ, thì ông vận dụng công thức tư duy sáng tạo học được từ giáo sư Phan Dũng của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên ra để bàn.

Có lúc ông lại mừng rỡ móc điện thoại ra lấy “bí kíp” từ khóa học về tư duy xuất khẩu mà ông đang theo học. A, hóa ra ông này có đặc tính khác là “siêu siêng học”, mà nói như anh Quang của thương hiệu nem rán Ông Ù, là lúc nào ông Dân cũng đang đi học một khóa nào đó nên lúc nào suy nghĩ của ổng cũng mới tinh…

Ông Trần Vĩ Dân, nhà sáng lập Công ty Lợi Lợi Dân chuyên về sản phẩm phụ trợ lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Trần Vĩ Dân, nhà sáng lập Công ty Lợi Lợi Dân chuyên về sản phẩm phụ trợ lĩnh vực nông nghiệp.

“Có bao giờ anh bị đau đầu trước một bài toán sáng tạo không?”. “Có chớ. Lần đó có khách hàng sở hữu 500 ha sầu riêng kêu mình tới bàn công chuyện. Khách đang sử dụng nhiều sản phẩm của mình, từ bạt trải dưới đất để chống cỏ dại, lưới chống nắng ở trên, lại còn thêm mấy sản phẩm mới có tính phản quang để đưa thêm nắng cho thân cây nữa. Khách yêu cầu làm một hệ thống lưới sao cho sầu riêng rụng xuống lưới không được chạm đất, rồi trái sầu riêng phải tự lăn trên cái lưới này hướng về một điểm thu hoạch cuối cùng và người chăm vườn chỉ việc túm miệng bao lưới sầu riêng mang đi. Ý chà, khó dễ sợ. May mà mình cuối cùng cũng tìm được giải pháp…”.

Anh Quang Ông Ù nói xen vô: “Anh Dân là gốc người Khách Gia đó, cái tộc người được xem là người Do Thái của Trung Hoa vì quá thông minh và sáng tạo…”. Ồ, người Khách Gia, hay còn gọi là người Hẹ thì không xa lạ gì trong cộng đồng người Hoa ở Việt Nam, vì âm nhạc, ẩm thực và đặc biệt là cái bệnh viện Sùng Chính của họ rất được ưa chuộng, nhưng câu chuyện “sáng tạo như người Do Thái” thì thực tình là mới nghe lần đầu.

“Cũng không hẳn là vì sáng tạo đâu. Chủ yếu là vì khả năng vượt khó nằm trong DNA của chúng tôi mà thôi” - ông Dân lại cười. Ông kể về gia đình mình, từ thời ông nội đến Sài Gòn với hai bàn tay trắng, gắn bó với mảnh đất Chợ Lớn để đến cha ông thì có được một xưởng dệt lưới màn mùng kiểu thủ công chỉ đủ sống qua ngày. Dân đi học rồi về phụ xưởng dệt, và lúc nào cũng “trả giá” vì thấy năng lực làm việc và hiệu quả của mình xứng đáng được trả lương theo mức thợ cả, tức là gấp đôi. Và cậu học trò cấp ba nhen nhóm suy nghĩ “phi thương bất phú” nên tính toán việc… để dành tiền làm vốn đi buôn.

“Có một truyền thuyết nói về người Khách Gia như thế này: một ông bố đi mua giày dép thì sẽ luôn mua giày dép lớn hơn kích thước của mình một số. Vì họ tin rằng, con cái họ sẽ cao lớn hơn mình mà vẫn còn… đôi dép để mang được. Có lẽ cái sự lo xa đó cũng nằm trong DNA của tôi nên tính cái gì cũng tính dài như đôi dép của ông bố vậy đó…” - ông Dân lại cười.

Lưới che nắng dùng trong nhà ao nuôi tôm, vừa che mát vừa đủ ánh sáng cho tôm sinh trưởng khỏe mạnh.

Lưới che nắng dùng trong nhà ao nuôi tôm, vừa che mát vừa đủ ánh sáng cho tôm sinh trưởng khỏe mạnh.

Ông Dân làm việc nửa lương cho xưởng dệt của bố và chỉ còn một khoản tiền khác có thể dành dụm là tiền ăn sáng - liên tục suốt hai năm. Mỗi sáng, khi đi mua bột chiên về để trộn chung với cơm nguội ăn, ông không chỉ mua phần ít tiền nhất có thể - nghe đâu 1.000 đồng/dĩa bột chiên không trứng - mà còn... xin thêm một ít gia vị với mỡ hành đem về trộn cơm ăn, quyết tâm để dành vốn đi buôn. Vậy mà cái sự ăn cơm nguội đó cũng kiếm đủ hơn 4 triệu đồng, để ông bước một chân vào việc trở thành nhà buôn lưới và chậu nông nghiệp ở đường Trang Tử, chợ sỉ Bình Tây, nơi hàng hóa chảy dọc suốt các tỉnh phía Nam.

“Vì nền nông nghiệp an-ấm-đẹp-giàu”

Ông Dân hay cười, mau mắn miệng nói tay làm, có nghề dệt lưới nên kiểm định chất lượng hàng hóa, hướng dẫn kỹ thuật làm nhà chống côn trùng, lưới chống nắng… dần tạo nên uy tín với bạn hàng trong nghề. Ông nghĩ đã tới lúc mình theo đuổi nghiệp sản xuất của gia đình, nhưng phải tạo ra các sản phẩm mới, hiệu quả hơn cho nông dân thay vì sản phẩm truyền thống bấy lâu nay.

Ông Dân tin rằng hiệu quả trên từng công đoạn là hiệu quả chuỗi kinh doanh. Ông đi đăng ký mở công ty với tên là “Lợi Dân”, nhưng cái tên này đã có người đăng ký rồi, suy nghĩ bộc phát tại chỗ là… Lợi Lợi Dân, nghe rất thiệt cái bụng kiểu nông dân, mà cũng là tâm niệm của ông: làm sao làm lợi cho người nông dân được gấp đôi thì mới đáng công mình làm…

Lưới chắn côn trùng sợi phản quang dùng cho trồng mận, giúp nông dân tiết kiệm chi phí thuê nhân công bao trái.

Lưới chắn côn trùng sợi phản quang dùng cho trồng mận, giúp nông dân tiết kiệm chi phí thuê nhân công bao trái.

Làm sản xuất, lại sản xuất trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp, thực ra chưa bao giờ là dễ dàng. May mắn cho ông Dân là ông hay cười và… hay học, lại chăm chỉ tập yoga và ngồi thiền, thêm yếu tố không biết bia rượu nhậu nhẹt gì, nên cứ từ từ mà lướt qua các khó khăn của thị trường. Ông khoe lớp học mới nhất có nhiều tuyệt chiêu lắm, để lần sau đưa cho các bạn trẻ khởi nghiệp nông nghiệp coi mới được, là có một website thống kê dung lượng thị trường, giá bán trung bình, các nước xuất khẩu và nhập khẩu các sản phẩm liên quan tới mình. Coi cái này là tính toán được nên tập trung làm sản phẩm gì, bán đi đâu với giá nào một cách ngon lành, không phải loay hoay suy nghĩ nhiều nữa…

Tôi hỏi vì sao công ty làm cái khẩu hiệu “Vì nền nông nghiệp an ấm đẹp giàu” vậy? Ông Dân cười: “Thì mình cầu mong cái gì thì mình ghi ra cái đó. Mình muốn bạn hàng của mình đạt được cái gì thì mình cùng họ làm chung để cho ra mục đích này thôi”.

Khuya về, ông Dân gửi cho tôi một bài Hakka Song – bài hát nổi tiếng của người Khách Gia. Những âm thanh được lưu truyền từ ngàn năm trước, có sự ngân nga của những giao tiếp với người bên kia sông, có tiếng ngựa phi của những người sống ở lưng chừng núi, và tiếng huyên náo của phố thị người buôn kẻ bán, nhưng âm hưởng chung là một cuộc sống rộn ràng mà không xô bồ, dịu dàng mà không ủy mị. Có lẽ, thứ âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn ông Trần Vĩ Dân này chính là nguồn cội của cái tên “Lưới chậu Lợi Lợi Dân” vô cùng thiệt bụng của ông.

Cố vấn cho trường tiếng Hoa

Ngoài việc sản xuất lưới và chậu phục vụ ngành nông nghiệp, 21 năm qua ông Dân còn đảm nhiệm vai trò khác: cố vấn trường tiếng Hoa - định hướng tầm nhìn, chiến lược là chính. Việc quản trị và vận hành đã được trao lại cho đội ngũ trưởng chi nhánh và người bạn đời của ông. Với tôn chỉ “Tìm được phương pháp học tiếng Hoa chuẩn quốc tế nhưng vui vẻ, dễ tiếp thu và thuận tiện nhất cho người học” đến nay, trung tâm SHZ của vợ chồng ông đã có 10 địa điểm với tổng số hơn 250.000 học viên.

Bài: Bung Trần - Ảnh: TLNV

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/loi-loi-dan-muon-lam-loi-cho-nong-dan-gap-doi-40459.html