Lợi nhuận trong chiến tranh Gaza của Israel sẽ không kéo dài

Công nghiệp quốc phòng Israel đã kiếm tiền từ việc cung cấp vũ khí cho IDF trong cuộc chiến ở Gaza, với lợi nhuận tăng vọt lên một cách bất ngờ.

Hệ thống phòng thủ Iron Dome của Israel.

Hệ thống phòng thủ Iron Dome của Israel.

Các tập đoàn quốc phòng khổng lồ của Israel đã thành công trong việc nhân lên lợi nhuận của họ ngay trước lễ kỷ niệm 8 tháng diễn ra cuộc chiến ở Gaza.

Trong đó Công ty Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI), nhà thầu Rafael và hãng Elbit đạt mức tăng kỷ lục về giá cổ phiếu và lợi nhuận, gần như Tổng doanh thu là 15 tỷ USD vào năm 2023 và lượng đơn đặt hàng mới trị giá lên tới 52,4 tỷ USD.

Các công ty – sản xuất mọi thứ từ máy bay không người lái và xe bọc thép cho đến tên lửa tấn công và phòng thủ mà Quân đội Israel (IDF) đã sử dụng để chống lại các chiến binh Hamas tại Gaza, Hezbollah ở Lebanon và lực lượng dân quân Houthi của Yemen.

Thời kỳ thuận lợi của các nhà thầu này tiếp tục đến tới năm 2024, với Elbit báo cáo lợi nhuận quý 1 là 1,55 tỷ USD trong báo cáo thu nhập trong tuần này - vượt qua lợi nhuận mà công ty đã thu về cùng thời điểm vào năm ngoái.

Israel nằm trong số 10 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm gần 2,5% thị trường vũ khí toàn cầu từ năm 2019 đến năm 2023.

Các khách hàng hàng đầu bao gồm Mỹ, Anh, lục địa Châu Âu, Azerbaijan, Ấn Độ, với các máy bay không người lái tinh vi của Israel và tên lửa nằm trong số những mặt hàng xuất khẩu được săn đón nhiều nhất.

Tel Aviv đã giảm quy mô xuất khẩu ra nước ngoài từ quý 4 năm 2023 trở đi khi ngành quốc phòng định hướng lại theo nhu cầu trong nước – được hỗ trợ của Mỹ – cho phép chính phủ Israel chi một phần trong gói viện trợ hàng tỷ USD của Mỹ cho vũ khí sản xuất tại Israel, và hỗ trợ nghiên cứu phòng thủ tên lửa và phòng không chung (các ưu tiên mà Washington không dành cho bất kỳ đồng minh lớn nào khác).

Các nhà quan sát nói với Times of Israel rằng chiến dịch Gaza là một điều may mắn lẫn lộn cho ngành công nghiệp quốc phòng của Israel, đồng thời chỉ ra rằng trong khi các tập đoàn quốc phòng khổng lồ của Israel có thể được hưởng lợi trong thời gian ngắn từ lượng đơn đặt hàng tăng đột biến hiện nay thì Tel Aviv phải đánh đổi bằng danh tiếng ngoại giao của mình sau cuộc khủng hoảng.

"Tôi không nghĩ đây là buổi trình diễn vũ khí quân sự lừng lẫy nhất", nhà quan sát các vấn đề quân sự và quốc tế kỳ cựu, cựu Trung tá quân đội Mỹ Earl Rasmussen nói khi được hỏi liệu ngành công nghiệp quốc phòng của Israel được hưởng lợi hay bị thiệt hại do các hoạt động ở Gaza của IDF.

"Tôi nghĩ một số nhu cầu của họ có thể giảm đi", ông Rasmussen nói, đồng thời chỉ ra rằng bên cạnh danh tiếng về vũ khí của Israel, còn có danh tiếng chính trị quốc tế của đất nước này.

"Israel đã tự cô lập mình do những gì đang diễn ra ở Gaza. Và bạn cũng thấy rằng những gì lẽ ra chỉ là một chiến dịch quân sự nhanh chóng thì giờ đã kéo dài hơn nửa năm và tôi không biết liệu có kết thúc nào cho đến khi họ san bằng toàn bộ Dải Gaza hay không", ông Rasmussen nói.

"Ukraine có thể vẫn hợp tác với họ để mua bán vũ khí quân sự nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu nhiều quân đội nước ngoài khác từng quan tâm đến một số công nghệ thực sự tốt của Israel có thể do dự hơn và có thể xem xét các cơ hội hoặc công nghệ cạnh tranh khác", Trung tá Rasmussen nói.

Cựu nhà ngoại giao kỳ cựu người Ý và cố vấn chính sách đối ngoại của thủ tướng, Tiến sĩ Marco Carnelos đồng tình với đánh giá này khi nói rằng về mặt quân sự, chiến dịch Gaza có thể mang lại cho nhà thầu quân sự của Israel một số lợi ích, nhưng về mặt chính trị, đó là sự tự sát.

"Tôi không thấy Israel được hưởng lợi gì từ việc tiến hành cuộc chiến ở Gaza. Các nhà lãnh đạo hàng đầu của nước này đã sẵn sàng nhận lệnh bắt giữ từ Tòa án Hình sự Quốc tế và bản án về tội diệt chủng đang chờ xử lý đối với Israel tại Tòa án Công lý Quốc tế", Carnelos nói.

"Nói về mặt quân sự, các lực lượng vũ trang Israel đã có thêm kiến thức và chuyên môn trong việc thực hiện chiến tranh đô thị ở Gaza trong bảy tháng qua, có thể thử nghiệm các kỹ thuật và vũ khí mới", nhà quan sát nói.

"Câu hỏi thực sự vẫn là: liệu thất bại chính trị này có đáng để có được kinh nghiệm quân sự tốt hơn không? Tôi thực sự nghi ngờ điều đó. Sức mạnh răn đe của Israel có thể đã không còn và hậu quả chính trị và chiến lược có thể rất lớn", nhà quan sát Carnelos nói thêm.

Khả năng răn đe và danh tiếng của Israel trong mắt thế giới đã bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng Gaza, với việc Hamas chứng tỏ khả năng tự đứng vững sau hơn 7 tháng bị Israel bắn phá dữ dội.

Lực lượng IDF và các đồng Mỹ và Châu Âu cũng đã cho thấy họ không thể ngăn chặn lực lượng dân quân Houthi ở Yemen về cơ bản đã đóng cửa Biển Đỏ, trong khi Israel và Hezbollah tham gia vào nhiều tháng giao tranh chết người dọc biên giới Lebanon cũng không mang lại kết quả gì.

Nhưng có lẽ giới hạn sức mạnh của Israel đã thể hiện rõ nhất trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa ngày 14 tháng 4 của Iran nhắm vào Israel.

Lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973, các đối thủ của Israel đã chứng minh rằng nhà nước Do Thái – dù là một cường quốc quân sự trong khu vực nhưng chắc chắn không phải là bất khả chiến bại.

Tiến Thành

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/loi-nhuan-trong-chien-tranh-gaza-cua-israel-se-khong-keo-dai-post685530.html