Lộn xộn thị trường xe điện

Do sự tiện lợi của xe điện (xe đạp điện và xe máy điện) nên những năm gần đây, số người sử dụng loại xe này ngày càng tăng, trong đó chủ yếu là học sinh bậc trung học phổ thông. Tuy nhiên, thị trường xe điện đang tồn tại nhiều bất cập, thật giả lẫn lộn, rất cần các biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng.

Để con trai đang học lớp 10 có phương tiện đi học, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Khoa ở quận Hà Đông (Hà Nội) có ý định tìm mua một chiếc xe điện. Suốt cả tháng 10 vừa qua, vợ chồng anh đến các cửa hàng trên phố Bà Triệu, Tây Sơn, Láng Hạ nhưng vẫn chưa tìm được chiếc xe ưng ý. Anh Nguyễn Hữu Khoa chia sẻ: “Đến cửa hàng xe điện, tôi như lạc vào “mê hồn trận” với đủ các loại xe, giá cả cũng rất đa dạng, dao động từ 7 triệu đồng đến 13 triệu đồng/chiếc. Mặc dù chủ cửa hàng đều nói xe do Việt Nam sản xuất nhưng ngoài lốp xe ghi "made in Vietnam" thì các bộ phận khác lại ghi "made in China" hoặc "made in Japan"... Đặc biệt, ắc quy-bộ phận quan trọng nhất của xe-thì không thể kiểm tra được. Chúng tôi không thể phân biệt được đâu là xe sản xuất trong nước, đâu là xe ngoại nhập. Nếu chỉ nhìn mẫu mã bên ngoài hoặc ham rẻ mà mua xe không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng không bảo đảm thì vô hình trung tiếp tay cho hành vi buôn lậu, thậm chí còn mang nguy hiểm đến cho con mình...”.

 Một cửa hàng xe điện trên đường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ảnh có tính chất minh họa.

Một cửa hàng xe điện trên đường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ảnh có tính chất minh họa.

Một nỗi lo khác của khách hàng là ngoài con số khoảng 700.000 xe điện (theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam năm 2019) đã được cấp chứng nhận hợp tiêu chuẩn, được phép bán ra thị trường thì thực tế, lượng xe điện bán trên thị trường lớn hơn nhiều lần. Đây là những chiếc xe được lắp ráp chui hoặc nhập lậu. Gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ nhập lậu xe đạp điện, xe máy điện, gắn nhãn mác “made in Vietnam”. Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cả nước hiện có khoảng 3 triệu xe máy điện, xe đạp điện, nhưng cơ quan chức năng mới quản lý được 10%, số còn lại bị “thả nổi”. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, xe nhập khẩu nguyên chiếc hay xe sản xuất, lắp ráp trong nước đều phải dán tem hợp quy, thế nhưng theo kết quả khảo sát của chúng tôi tại một số cửa hàng cho thấy, không có nhiều xe được dán loại tem này.

Những chiếc xe điện nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có chứng nhận chất lượng luôn tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người sử dụng như cháy, nổ, mất an toàn giao thông... Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tai nạn giao thông có liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện đang diễn biến phức tạp, một phần do thị trường xe điện hiện nay phát triển mạnh, trong khi công tác quản lý còn lỏng lẻo, nhiều trường hợp công suất động cơ bị can thiệp dẫn tới xe có thể vận hành ở tốc độ cao hơn thiết kế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, trong khi các em học sinh còn thiếu kiến thức và kỹ năng lái xe cần thiết.

Để bảo vệ quyền lợi chính đáng và sự an toàn của người tiêu dùng, các cấp, các ngành chức năng, các địa phương cần tập trung quản lý, kiểm soát chặt chẽ chất lượng của xe đạp điện, xe máy điện; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng nhập lậu xe điện cũng như tình trạng hàng giả, hàng nhái; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về điều khiển xe điện cho các em học sinh thông qua việc cấp giấy phép lái xe một cách phù hợp. Mỗi khách hàng, nhất là các bậc phụ huynh cần lựa chọn kỹ sản phẩm để có thể mua được những chiếc xe điện bảo đảm chất lượng.

Bài và ảnh: GIANG LONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/lon-xon-thi-truong-xe-dien-642933