Lũ hoành hành ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa

Mưa lũ kết hợp với các nhà máy thủy điện đồng loạt xả nước gây ngập hàng chục nghìn nhà dân ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, khiến nhiều người chết.

Sáng 1/12, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, cho hay mưa lũ làm 4 người dân ở huyện Phú Hòa và Sơn Hòa tử nạn.

 Người dân TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, chèo ghe đến vùng cao tránh lũ. Ảnh: A. Cương.

Người dân TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, chèo ghe đến vùng cao tránh lũ. Ảnh: A. Cương.

Ông Tô Phương Bắc, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho hay khoảng 18h ngày 30/11, nước lũ cuồn cuộn đổ về, khu vực thôn Thành Hội, xã Sơn Hà, bị ngập sâu.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã đưa cano đến khu vực này để ứng cứu một gia đình đang bị mắc kẹt. Tuy nhiên, trên đường từ thôn Thành Hội chạy ra ngoài, cano bị lật giữa dòng nước xiết khiến hai cháu bé bị lũ cuốn trôi tử nạn.

Trong khi đó, ông Phạm Trung Chánh, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết đến sáng nay, nhiều khu dân cư trên địa bàn vẫn còn bị chia cắt, cô lập, hàng trăm nhà dân bị ngập sâu.

Tối qua, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thức trắng đêm để sơ tán khẩn cấp 867 hộ với hơn 2.300 nhân khẩu ở vùng ngập lụt đến nơi an toàn.

 Thủy điện Sông Ba Hạ, tỉnh Phú Yên, xả lũ với lưu lượng lên đến 9.400 m3/s chiều tối qua, đến sáng 1/12 hạ xuống còn 5.400 m3/s. Ảnh: T.T.

Thủy điện Sông Ba Hạ, tỉnh Phú Yên, xả lũ với lưu lượng lên đến 9.400 m3/s chiều tối qua, đến sáng 1/12 hạ xuống còn 5.400 m3/s. Ảnh: T.T.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, cho biết đợt mưa lũ lần này bằng đỉnh lũ lịch sử năm 1993. Triều cường đạt đỉnh lúc 5h ngày 1/12 nên nhiều khu dân cư còn ngập sâu, giao thông chia cắt.

Nhiều thủy điện tăng lưu lượng xả lũ làm ngập gần 29.000 nhà dân, trong đó TP Tuy Hòa có gần 21.000 ngôi nhà ngập sâu. Tối qua, nhiều tuyến đường trung tâm TP Tuy Hòa như: Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn, Hùng Vương, Lê Lợi… ngập sâu.

Lũ dâng nhanh khiến người dân trở tay không kịp. Họ chèo ghe rời nhà đến vùng cao tránh lũ trong đêm. Trước tình hình cấp bách, Phú Yên đã sơ tán khoảng 5.517hộ dân với 18.540 nhân khẩu tránh lũ trong đêm.

Ông Trần Lý, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, cho biết đến sáng 1/12, hồ chứa thủy điện này đang xả lũ xuống hạ lưu với lưu lượng 5.400 m3/giây.

 Mưa lũ tràn về khiến nhiều khu vực ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, bị ngập sâu từ 0,5 đến 1 m. Ảnh: A. Cương.

Mưa lũ tràn về khiến nhiều khu vực ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, bị ngập sâu từ 0,5 đến 1 m. Ảnh: A. Cương.

Theo ông Lý, hồ thủy điện này bắt đầu tăng lưu lượng xả lũ từ sáng 30/11 do các thủy điện ở Tây Nguyên đồng loạt xả xuống thủy điện Sông Ba Hạ với lưu lượng lớn. Đến trưa cùng ngày, tổng lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ xuống hồ thủy điện Sông Ba Hạ đã lên mức hơn 7.000 m3/giây.

Tối 30/11, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã yêu cầu Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ cùng một số nhà máy thủy điện trên sông Ba phải giảm lưu lượng xả lũ để giảm áp lực lũ đối với hạ du. Sau khi xả lũ với lưu lượng 9.400 m3/giây, nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đã giảm dần lưu lượng.

Tại Bình Định, đến cuối ngày 30/11, hơn 23.600 hộ dân ở Bình Định bị ngập trong nước lũ, 8 nhà bị sập. Chính quyền phải sơ tán hơn 437 hộ dân với hơn 1.000 người. Mưa lũ cũng khiến 3 người ở Bình Định thiệt mạng.

Sáng 1/12, 2 sà lan đang thi công đập ngăn mặn sông Cái bị nước lũ cuốn làm hư hại đường ống nước, sau đó một sà lan mắc kẹt ở cầu Hà Ra (Khánh Hòa), đe dọa an toàn cầu này.

Ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hòa, cho biết trong quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng thanh tra giao thông phát hiện 2 sà lan cỡ lớn trôi từ thượng nguồn sông Cái (Nha Trang) về phía khu vực cầu Hà Ra.

 Sà lan làm đứt ống dẫn nước và mắc kẹt ở trụ cầu Hà Ra. Ảnh: Nguyễn Văn.

Sà lan làm đứt ống dẫn nước và mắc kẹt ở trụ cầu Hà Ra. Ảnh: Nguyễn Văn.

Theo ông Dần, một sà lan bị kẹt giữa hai trụ đỡ của hệ thống cấp nước, chiếc còn lại đã húc hỏng một đường ống. Đến khoảng 8h cùng ngày, một trong 2 chiếc sà lan đã làm gãy đôi 2 đường ống cấp nước và đâm vào cầu Hà Ra.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Khánh Hòa xác nhận 2 chiếc sà lan của nhà thầu đang thi công dự án đập ngăn mặn trên sông Cái là Công ty Trung Nam 18 E&C.

"Phương án là kéo ngược sà lan để tránh hư hại chân cầu Hà Ra. Tuy nhiên, nước lũ đang cuốn mạnh nên chưa thể kéo bây giờ. Đáng lo nhất là an toàn của cầu Hà Ra", ông Dần nói.

Lãnh đạo Công ty CP cấp thoát nước Khánh Hòa cho biết sự cố vỡ ống nước đã làm hàng nghìn hộ dân của các phường Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Hải, Vĩnh Hòa, Vĩnh Lương (TP Nha Trang) mất nước sinh hoạt.

Xuân Hoát - Minh Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lu-hoanh-hanh-o-binh-dinh-phu-yen-khanh-hoa-post1280758.html