Lũ lịch sử nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà, người dân trắng đêm lánh nạn

Do ảnh hưởng của bão số 3, ở miền Tây tỉnh Nghệ An đã có mưa lớn kéo dài gây lũ khiến nhiều xã tại địa phương này bị ngập nặng. Tối 22/7 đến rạng sáng 23/7, hàng trăm hộ dân phải bỏ lại nhà cửa, tài sản, chạy lên núi để tìm nơi tránh trú, bảo đảm an toàn tính mạng.

Nước lũ dâng cao kỷ lục, nhiều thôn bản bị ngập sâu

Theo lãnh đạo UBND xã Tương Dương, trong tối 22/7, mưa lớn kéo dài kèm theo nước từ sông lên gây lũ lớn. Đỉnh điểm từ lúc 1 giờ sáng ngày 23/7, nước lũ dâng cao khiến hàng chục hộ dân phải chạy lên các đoạn đường cao ráo để lánh nạn.

Ông Lê Văn Lương - Bí thư Đảng ủy xã Tương Dương cho biết, ngay khi lũ kéo về, UBND xã đã họp khẩn, chỉ đạo các bản, làng ứng phó với tình hình. Trong đêm, xã Tương Dương đã khẩn trương huy động lực lượng, lập thành 5 tổ công tác xuống các bản để chỉ đạo, hỗ trợ người dân. Lũ đã cuốn trôi 3 cầu treo dân sinh gồm: cầu treo đền Vạn Cửa Rào nối qua sông Nậm Mộ với QL7A, cầu bản Chắn và cầu bản Lau.

Đến sáng 23/7, xã Tương Dương có 27 thôn bản bị cô lập hoàn toàn, 2.210 nhà dân bị ngập sâu phải di tản khẩn cấp đến nơi an toàn, trong đó có 1.738 hộ ngập 100%. Toàn bộ tuyến QL7A qua địa bàn xã Tương Dương bị ngập sâu, có đoạn ngập 2m, nhiều tuyến đường liên thôn cũng bị ngập nặng khiến các thôn bản bị chia cắt. Nghiêm trọng nhất là thôn Vĩnh Hảo và bản Pha (xã Con Cuông), nhiều nhà dân bị ngập sâu gây thiệt hại nặng về tài sản, gia súc và hoa màu. Sau khi nước lũ dâng cao, một số hộ dân đã lên thuyền gỗ sinh sống, chờ nước rút.

Lực lượng Công an giúp di dời dân và tài sản ra khỏi vùng ngập lũ

Lực lượng Công an giúp di dời dân và tài sản ra khỏi vùng ngập lũ

Tại xã Mường Xén, khuya 22/7, do mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn sông Lam tràn về gây ngập nhiều nhà dân. Trước tình hình đó, các hộ dân nhanh chóng di dời đến nơi an toàn, không kịp mang theo tài sản trong nhà. Sáng 23/7, sau khi nước lũ rút, người dân quay trở về thấy ngổn ngang bùn đất, cây cối và đá bám lại dày thành lớp. Một số người dân phải phá cửa nhà, bới rác và bùn để tìm những tài sản còn sót lại.

Ông Nguyễn Viết Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Mường Xén cho biết: Nước lũ dâng nhanh làm ngập nhà dân, trong đó có những nhà ngập lên tận mái. Trụ sở các cơ quan được xây dựng nơi cao ráo nhưng đều bị nước lũ dâng ngập, không thể tiếp cận được. Với tinh thần chủ động, ngay từ tối 22/7, Công an xã Mường Xén đã ứng trực 100% quân số, cán bộ, chiến sĩ giúp người dân di dời tài sản, tổ chức cho người dân đến nơi an toàn. Khoảng 21 giờ 30 phút, trong lúc di dời tài sản cho người dân thì Công an xã phát hiện 5 người trong 1 hộ gia đình đang bị cô lập giữa dòng nước chảy xiết tại khối 5, xã Mường Xén. Ngay lập tức, các cán bộ, chiến sĩ đã không ngại hiểm nguy, nhanh chóng tiếp cận và đưa 5 người dân đến nơi an toàn.

Tối 22/7, xe khách giường nằm BS: 37H-086.92 của nhà xe Trung Kiên chạy tuyến Vinh - Mường Xén chở khoảng 20 hành khách đã mắc kẹt tại đoạn giữa 2 điểm ngập trên QL7A (thuộc địa phận xã Hữu Kiệm, tỉnh Nghệ An). Đến sáng 23/7, chính quyền xã Hữu Kiệm đã sử dụng xuồng máy chạy dọc theo sông Nậm Mộ, tiếp cận được chiếc xe mắc kẹt.

Khuya 22/7 đến rạng sáng 23/7, lực lượng chức năng xã Yên Na đã sơ tán khẩn cấp 120 hộ dân tại khu vực bản Vẽ đến tạm trú tại các điểm trường học.

Lũ dâng ngập cao lên đến mái nhà

Lũ dâng ngập cao lên đến mái nhà

Ngày 23/7, theo thống kê sơ bộ của UBND xã Mỹ Lý, toàn xã có 70 ngôi nhà bị lũ nhấn chìm, cuốn trôi. Trước đó, chiều 22/7, lúc nước sông dâng cao ngập mái, những nhà dân của xã Mỹ Lý ở ven sông phải tháo chạy, bỏ lại tài sản và gia súc, gia cầm.

Trước tình hình trên, tối 22/7, UBND tỉnh Nghệ An đã có thông báo hỏa tốc thông báo nước lũ tràn từ thượng lưu về hồ thủy điện Bản Vẽ đạt 9.543m3/s, gần đạt lưu lượng đỉnh lũ kiểm tra là 10/500m3/s. Do đó, hồ Bản Vẽ đang tiến hành cắt, giảm lũ với lưu lượng xả xuống hạ du 1.727m3/s và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc các sở, thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các địa phương hạ du thủy điện Bản Vẽ khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn.

Ứng phó khẩn cấp tình hình mưa lũ

Để ứng phó với tình hình, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 22/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với mưa lũ trên lưu vực sông Cả.

Theo đó, lưu lượng dòng chảy lũ về hồ thủy điện Bản Vẽ ở mức rất cao (lưu lượng lũ đến hồ lúc 22 giờ 45 ngày 22/7/2025 là 10.044 m3/s, vượt lưu lượng lũ thiết kế 7.770 m3/s), mực nước thượng lưu hồ đang tăng rất nhanh, có nguy cơ vượt mực nước dâng bình thường vào sáng 23/7/2025; nguy cơ rất cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các sườn dốc, ven sông suối, ngập lụt sâu tại các khu vực thấp trũng.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, an toàn công trình đê điều, hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, nhất là đập thủy điện Bản Vẽ; chủ động xây dựng các phương án bảo đảm an toàn dân cư để sẵn sàng triển khai khi xảy ra những tình huống xấu nhất, không để bị động bất ngờ.

1 trong 3 chiếc cầu treo ở xã Tương Dương bị lũ cuốn trôi

1 trong 3 chiếc cầu treo ở xã Tương Dương bị lũ cuốn trôi

Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Quân khu IV và các lực lượng đóng trên địa bàn chủ động phối hợp với địa phương triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị tại các khu vực trọng điểm xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố công trình, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu để sẵn sàng hỗ trợ địa phương và Nhân dân ứng phó mưa lũ, cứu hộ cứu nạn khi có yêu cầu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức theo dõi, giám sát, dự báo tình hình mưa lũ, chủ động phối hợp với các quốc gia, đối tác quốc tế để thu thập bổ sung số liệu, nâng cao hơn nữa chất lượng dự báo mưa, dòng chảy về lưu vực sông Cả phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó mưa lũ.

Sáng 23/7, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Trần Hồng Vinh đã trực tiếp đến các xã bị ngập lụt để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ do hoàn lưu bão số 3.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, tính đến sáng 23/7, số hộ dân ở các xã gồm: Nhôn Mai (19 hộ), Hữu Kiệm (86 hộ), Tam Thái (20 hộ), Tam Hợp (20 hộ), Mường Quàng (10 hộ), Huồi Tụ (1 hộ), Quế Phong (5 hộ), Nga My (8 hộ), Tam Thái (22 hộ), Mường Xén (528 hộ), Châu Tiến (6 hộ), Nâm Cắn (2 hộ), Lượng Minh (13 hộ), Tam Quang (70 hộ), Tri Lễ (46 hộ), Con Cuông (340 hộ) được di dời đến nơi trú tránh an toàn.

Những địa phương bị cô lập, chia cắt và mất điện hoàn toàn, gồm: Tương Dương (21 thôn bản), Tam Quang (29 hộ), Mường Xén (9 khối), Hữu Khuân (44 hộ), Keng Đu, Mỹ Lý, Hữu Kiệm, Bắc Lý, Mường Típ, Nhôn Mai, Tam Quang (3 bản), Con Cuông (340 hộ). Mưa lũ khiến 1 người chết, 1 người mất tích và 4 người bị thương. Hiện nhiều địa phương đang bị cô lập, mất điện, mất liên lạc nên vẫn chưa thể nắm được số liệu thống kê.

Tính đến sáng 23/7, mưa lũ gây thiệt hại về nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An là 417 căn, 3.237 căn nhà ở các xã: Tương Dương, Con Cuông, Tam Quang, Mường Xén, Cam Phục và Nghĩa Đàn bị ngập nước. Về nông nghiệp, có hơn 1.342ha lúa, 286ha mạ, hơn 748ha rau màu, gần 533ha cây trồng hàng năm, 10ha cây lâu năm, gần 24ha cây ăn quả tập trung, gần 294ha cây rừng và 912 cây bóng mát, cây xanh đô thị bị thiệt hại. Về thủy sản có 130,7ha diện tích ao hồ nhỏ bị thiệt hại, 53 lồng bè hư hỏng.

Xuất hiện áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão

Chiều 23/7, Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông báo, tại vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông đã xuất hiện áp thấp nhiệt đới với sức gió giật cấp 9 có khả năng mạnh lên thành bão.

Hồi 13 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,0 độ Vĩ Bắc; 119,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (39 - 61km/giờ), giật cấp 9; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ 10 - 15km/h.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới liên tục thay đổi hướng và tốc độ trên vùng biển phía Đông của Bắc Biển Đông, cường độ cấp 8, giật cấp 10. Đến 13 giờ ngày 25/7, áp thấp nhiệt đới ở hướng Đông Bắc, tốc độ 25 - 30 km/h, tại vị trí 19,5N - 122,5E trên vùng biển phía Bắc của đảo Lu Dông (Philippines). Dự báo, do tác động của áp thấp nhiệt đới/bão, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao 2,0 - 4,0m. Biển động mạnh.

Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Văn Tình

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/lu-lich-su-nhan-chim-hang-ngan-ngoi-nha-nguoi-dan-trang-dem-lanh-nan_180870.html