Lũ lịch sử ở vùng núi cao Nghệ An

Mưa trắng trời, nước sông dâng cuồn cuộn, cuốn phăng mọi lối đi. Ở vùng núi cao biên giới Nghệ An, cuộc sống người dân gần như bị cô lập hoàn toàn. Xã Mường Xén vừa chạm đỉnh lũ, thì ở Con Cuông và Tương Dương, dòng nước hung dữ biến những con đường thành sông, chia cắt hàng chục xã. Điện mất, sóng điện thoại chập chờn, người dân chỉ còn biết chong đèn pin nhìn nhau, lo âu chờ tin tức…

Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưa to đến rất to khiến nhiều cơ quan, nhà dân bị ngập nặng. Ảnh: Điến Bắc

Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưa to đến rất to khiến nhiều cơ quan, nhà dân bị ngập nặng. Ảnh: Điến Bắc

Lũ đến nhanh và đột ngột, người dân không kịp trở tay

Chiều tối, cả miền núi cao Nghệ An như chìm trong màn mưa trắng xóa. Những cơn mưa như trút, dội xuống Mường Xén, Tương Dương, Con Cuông suốt nhiều giờ liền, không ngớt. dòng sông Lam vốn hiền hòa bỗng trở nên hung hãn, nước dâng cuồn cuộn, gầm gào tràn lên tuyến QL7, con đường huyết mạch nối miền xuôi với miền ngược. Đến tối, nhiều đoạn đường ngập sâu hơn 1m, giao thông tê liệt hoàn toàn, mọi phương tiện đành đứng chôn chân nhìn dòng nước cuốn trôi rác rưởi, cây cối.

Khối 1, xã Mường Xén (tỉnh Nghệ An) bị nhấn chìm trong lũ. Ảnh: Kim Oanh

Khối 1, xã Mường Xén (tỉnh Nghệ An) bị nhấn chìm trong lũ. Ảnh: Kim Oanh

Dọc hai bên đường, nhiều nhà dân thấp thoáng trong mưa lũ, như nổi lềnh bềnh giữa biển nước. “Chỉ trong vài tiếng, nước đã dâng quá nhanh, chúng tôi không kịp trở tay, mọi thứ ngập chìm trong nước. Cả đời người, đây là khoảnh khắc kinh hoàng mà chúng tôi thấy”, bà Nguyễn Thị Kiều (68 tuổi), trú tại thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông thảng thốt. Nhiều gia đình vội vã chạy lũ, dắt díu nhau mang theo ít quần áo, lương thực, đồ quý giá rồi leo lên khu đất cao. Trong mưa tối, bóng áo xanh của bộ đội, công an cùng dân quân len lỏi giữa dòng nước xiết, chèo ca nô tiếp cận từng bản làng bị cô lập. Tiếng loa tay vang lên giữa tiếng mưa: “Mọi người tuyệt đối không vượt qua suối, khe nước, bảo đảm tính mạng, an toàn là trên hết”.

Báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT - TKCN và PTDS tỉnh Nghệ An cho thấy: Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 21 thôn bản bị cô lập hoàn toàn. Số hộ phải di dời khẩn cấp là 2.210 hộ. Số nhà bị ngập hơn 2m là 2.210 hộ, trong đó có 1.738 hộ ngập 100%. QL7A, đoạn qua địa bàn xã Tương Dương bị ngập sâu, không thể lưu thông. Quân đội đã huy động hơn 2.000 chiến sĩ tham gia khắc phục, hỗ trợ người dân.

Thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông chưa bao giờ chứng kiến một trận lũ dữ dội đến thế. Chỉ sau một đêm, những con đường đất ven sông đã biến thành dòng nước cuộn xiết, cuốn theo rơm rạ, cây cối. Trời mưa tầm tã, nước dâng lên ngang thân nhà, nhấn chìm nhiều vật dụng trong gia đình. Người dân vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh nước lũ ào về, chẳng kịp cho ai một phút chuẩn bị. Ông Võ Quang Tâm (64 tuổi) lặng người đứng bên căn nhà ướt sũng, giọng trầm xuống: “Chiều qua, nước còn nhỏ, tôi vẫn dắt trâu ra bãi. Ai ngờ chỉ vài tiếng sau, nước dâng như thác, cuốn sạch 10 con trâu, 3 con bò của gia đình. Ước tính thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Toàn bộ vốn liếng vay mượn anh em, hàng xóm để mua đàn trâu bò giờ mất trắng”.

Không riêng ông Tâm, nhiều hộ dân trong thôn cũng chịu cảnh tay trắng. Tài sản bị nước lũ cuốn trôi, gia súc chết nổi lềnh bềnh, nỗi lo lắng hằn rõ trên từng gương mặt. “Tôi sống ở đây mấy chục năm rồi nhưng chưa bao giờ thấy lũ về nhanh và lớn như lần này. Năm 1988 từng xảy ra một trận lũ lớn mà dân ở đây gọi là lịch sử, nhưng năm nay nước lên còn cao hơn, khủng khiếp hơn. Giờ nước đã ngập hết cả nhà, chúng tôi không biết phải xoay xở thế nào”, ông Nguyễn Thái Long, thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông, chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Kiều và người dân xã Con Cuông (tỉnh Nghệ An) đang chờ nước rút để trở về nhà.

Bà Nguyễn Thị Kiều và người dân xã Con Cuông (tỉnh Nghệ An) đang chờ nước rút để trở về nhà.

Ông Đinh Văn Sơn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Con Cuông cho biết: Từ tối ngày 22/7, nước sông Lam dâng cao đã khiến 19/36 thôn ở xã Con Cuông bị ngập từ 1-3m. Có 360 hộ dân bị ngập sâu, trong đó nhiều hộ mất trắng tài sản. Riêng tại thôn Vĩnh Hoàn, có 40/50 hộ bị ngập, trên 20 hộ bị ngập rất sâu. Thôn Bản Pha có 150 hộ thì có tới 140 hộ bị ngập sâu trong nước.

Khuôn mặt sạm nắng của ông Lê Thanh Thủy (66 tuổi), trú xã Tương Dương, hằn sâu nỗi thất thần khi nhắc về trận lũ. “Kinh khủng lắm, nước lên nhanh quá! Chúng tôi chỉ kịp ôm vội vài bộ quần áo và giấy tờ quan trọng để chạy thoát, còn lại tất cả chìm trong nước lũ”- ông Thủy nghẹn lời. Trận mưa kéo dài khiến dòng nước từ thượng nguồn ào về, cuốn theo cây cối, đất đá. Chỉ trong ít giờ, sân nhà ông Thủy ngập chìm trong nước. “Chưa bao giờ tôi thấy nước dâng nhanh đến thế, mọi thứ diễn ra quá bất ngờ, chẳng kịp trở tay”- ông Thủy nói.

Xung quanh, những mái nhà ngập sâu, tiếng người gọi nhau dọn dẹp đồ đạc lẫn trong tiếng nước chảy rào rào. Người dân Tương Dương sau cơn lũ chỉ biết đứng nhìn tài sản, vật nuôi bị lũ cuốn đi, chồng chất nỗi lo không biết bao giờ mới khôi phục lại cuộc sống yên bình.

Ứng trực 24/24

Tính đến 17h30 ngày 23/7, toàn tỉnh Nghệ An hiện có ít nhất 45 vị trí thuộc 16 tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị ngập nước. Bởi vậy, từ sáng 23/7, mọi ngả đường tới vùng lũ Mường Xén đều bị ngăn cách bởi nước lũ, sạt lở. Chỉ phương tiện đường thủy hoặc trực thăng mới có thể lên được Mường Xén. PV Báo Đại đoàn kết đã rất nỗ lực tiếp cận nhưng bất thành. Đường bị ngập, các phương tiện cơ giới không qua được.

Nói qua điện thoại, chị Hòa ở bản Cầu Tám, xã Mường Xén, vẫn chưa hết bàng hoàng trước trận lũ lịch sử cho biết: Đêm 22/7, mưa như trút xuống từng giờ, sông Nậm Mộ dâng lên cuồn cuộn. Chỉ sau vài tiếng, nước đã vượt bờ, tràn vào nhà dân, cuốn theo gỗ, rác và cả gia súc. Nhiều hộ phải bỏ lại toàn bộ đồ đạc, chạy lên đồi cao trú tạm. “Chưa bao giờ tôi thấy nước lên nhanh như vậy. Đêm qua, cả gia đình phải lội nước giữa trời tối để thoát thân”, chị Hòa nói.

Ông Kha Hải Thanh (72 tuổi), trú tại khối 1, xã Mường Xén, cho biết: “Tôi chưa từng thấy trận lũ nào đáng sợ như vậy, chỉ vài tiếng, nước đã ngập ngang cửa sổ. Mọi người trong khối chỉ biết chạy thoát thân, còn tất cả bị lũ nhấn chìm. Thiệt hại bởi trận lũ này sẽ là rất lớn. Chúng tôi chỉ mong nước rút nhanh để còn dọn dẹp, khôi phục lại cuộc sống”.

Khung cảnh tan hoang tại xã Mường Xén. Ảnh: ĐB

Khung cảnh tan hoang tại xã Mường Xén. Ảnh: ĐB

Qua điện thoại, mức độ tín hiệu khá yếu, ông Lô Đình Thụ - Chủ tịch UBND xã Mường Xén cho biết, từ khuya 22/7, sóng điện thoại lúc có lúc không, có khi mất hẳn. “Hiện mưa đã ngớt, nước có xuống nhưng rất chậm. Bà con bắt đầu quay về nhà dọn dẹp, song nước từ thượng nguồn vẫn đổ về, tạo áp lực lớn cho đường sá và khu dân cư hạ du”- ông Thụ nói.

Dọc tuyến QL7, nhiều điểm vẫn chìm trong biển nước, xe cứu hộ phải túc trực 24/24. Các lực lượng công an, bộ đội, dân quân đã được bố trí tại những điểm xung yếu, sẵn sàng ứng cứu nếu nước tiếp tục dâng. Việc tiếp cận Mường Xén vẫn đang phụ thuộc vào tình hình thời tiết. “Người dân Mường Xén lúc này chỉ còn biết chờ đợi nước rút để dọn dẹp, khôi phục cuộc sống. Giờ mọi liên lạc, tiếp tế đều nhờ lực lượng chức năng. Nước rút sớm ngày nào, bà con đỡ cảnh bị chia cắt ngày đó”- ông Thụ chia sẻ.

Ông Lê Văn Lương, Bí thư Đảng ủy xã Tương Dương cho biết: Trên địa bàn có 3 cây cầu treo bị cuốn sập trong đêm 22/7. Cụ thể, vào khoảng 1h sáng 23/7, cầu treo Cửa Rào bắc qua sông Nậm Mộ nối QL7 bị lũ nhấn chìm, đổ sập. Cũng trong đêm 22/7, cầu bản Chắn và cầu bản Lau đã bị lũ phá hủy.

Điền Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lu-lich-su-o-vung-nui-cao-nghe-an-10311120.html