Lửa ấm

Ý nghĩ của Phan cũng không thể phủ nhận nổi sự thật ấy. Nó giống Phan y đúc. Từ dáng người đến cách đi đứng, giọng nói, nét mặt, cái mắt, cái miệng, như anh em sinh đôi.

Vợ Phan từng sững người, ngờ ngợ khi nhìn phía sau lưng nó. Phan càng cố tránh mặt thì nó lại càng tỏ ra ngây ngô, hiền lành, thân thiện với Phan bấy nhiêu. Thật là đáng ghét. Cơ mà không va mặt nó thật khó. Sống chung ở cái làng Vạc bé cỏn con này không đụng nhau đầu ngày thì cũng đụng nhau vào cuối ngày. Duy nhất có một con đường lưu thông ngoằn ngoèo tựa sợi chỉ xuyên qua làng Vạc, Phan đi đâu cũng phải bước qua con đường đó, mà nhà nó lại ở ngay đầu đường.

Cả cái làng Vạc này ai lạ gì câu chuyện của bà Nguyệt bờm xơm với tất tần tật các ông trong làng. Hồi ấy, phải gọi là cô Nguyệt mới phải. Cô Nguyệt có nước da trắng nuột, dáng đi uyển chuyển, ngực căng nở hây hây, hai mắt đong đưa. Cô liếc người đàn ông nào thì người đàn ông ấy mất ăn mất ngủ. Đàn bà trong làng nhìn cô Nguyệt là ngứa mắt, muốn đá thúng đụng nia. Mà chẳng ai làm gì được cô, vì người ta chỉ nghe từ tai nhau, kháo nhau thế thôi, chứ nào ai bắt tận tay day tận mặt cái chuyện họ nghĩ trong đầu. Đêm hôm khuya khoắt ai không ngủ thì cũng tranh thủ đập lúa, giã gạo, nhà nông bao việc, cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Tức tối thì cũng trong khoảnh khắc sẽ phải trôi tuột đi để tâm trí tập trung vào những lo toan khác. Hơn nữa, ngoài tính bờm xơm, lẳng lơ với đàn ông ra, thì cô Nguyệt dễ gây thiện cảm với mọi người xung quanh vì cô luôn xởi lởi, ngọt ngào. Chả phải để lấy lòng ai, mà bản tính của cô thế. Ấy vậy nên, chưa có một cuộc ẩu đả nào diễn ra giữa cô Nguyệt với đàn bà trong làng.

Minh họa: HÒA AN.

Minh họa: HÒA AN.

Nhà cô Nguyệt ngay mặt đường chính lưu thông của làng, đối diện lối ngoặt ra cánh đồng mênh mông quanh năm gió thổi mây vờn. Quán nước của cô Nguyệt nho nhỏ, dựng trước cửa nhà, khách lúc nào cũng rôm rả ở đó. Người người dừng nghỉ ngơi, vừa nhấm nháp chén trà, vừa ngắm cái miệng thắm đỏ, nụ cười tươi rói của cô cho đời đẹp lại, lấy động lực mà lao động tiếp. Cô Nguyệt bán hàng thì dễ tính, nợ bao nhiêu cũng được. Kỳ quái thay. Người ta mướt mát mồ hôi, dầm mưa dãi nắng trên cánh đồng vẫn thiếu thốn, cô Nguyệt ngồi cả ngày đủng đỉnh nhẹ nhàng phe phẩy cái quạt, vẫn đủ no cái bụng và nuôi đàn con khôn lớn. Vì nhàn hạ, má đào càng hồng hào, mắt càng lúng liếng...

Không ai nhìn thấy gì, chỉ biết rằng khi bố nó vắng nhà thường xuyên, đàn con của cô Nguyệt đều đặn được sinh ra, chẳng đứa nào giống đứa nào. Sau này, người làng Vạc truyền tai nhau, cô Nguyệt tằng tịu, dan díu với tất tần tật đàn ông nào có nhu cầu. Đêm đêm, đàn ông trong làng lấy cớ đi cắt lúa, soi cá, bắt tôm tép để ra khỏi nhà để có cơ hội vào cửa quán cô Nguyệt. Họ tự nguyện mang đến cho cô mọi thứ, từ lúa, gạo trong nhà đến cá tôm họ bắt được. Có lần, một vài đối tượng tìm đến quán cô Nguyệt trùng thời điểm, cô Nguyệt phải giấu một người đàn ông vào gầm giường, một người đàn ông vào thùng phi. Chả biết thực hư thế nào. Thỉnh thoảng có người ỡm ờ, hỏi dò nguồn gốc mấy đứa con của cô, đáp lại sự tò mò của họ là sự lặng thinh, là thái độ phớt lờ một cách thản nhiên. Họ bực mình lẩm bẩm sau lưng cô Nguyệt, hay chính bản thân cô cũng chả phân biệt nổi chúng là con ông nào, vì liền lúc bờm xờm lắm đối tượng quá mà.

Miệng lưỡi thiên hạ uốn éo đủ điều, những ngôn từ phun ra rào rào như gió. Gió thổi qua rồi thôi. Cô sống theo cách của riêng mình. Chắc do cô Nguyệt ít nghĩ nên cô băng qua năm tháng nhẹ nhõm dù chôn trong lòng bao nhiêu câu chuyện bí mật. Các con cô dần trưởng thành, lập gia đình, sinh con cái. Cô Nguyệt thành bà Nguyệt. Bà Nguyệt vẫn ngồi quán phe phẩy quạt với nụ cười bình thản. Chỉ vì tuổi cao sức yếu, bà đã về thế giới bên kia, khép lại một đời người gần như không âu lo sầu nghĩ. Nhưng các con bà thì khác. Chúng bị ám ảnh, day dứt khôn nguôi. Đứa na ná đứa này, đứa na ná đứa kia trong làng, chứ chúng lại không thấy mình giống anh em trong ngôi nhà của chúng. Mọi hoài nghi dần lớn lên theo tuổi đời. Đặc biệt là thằng Phiên. Bao đêm nó không tài nào ngủ được. Nó ước gì ai đó trả lời chính xác khúc mắc trong lòng nó. Người nó nên hỏi rõ ngọn ngành chính là mẹ nó, mà nó cứ lần khần không dám hỏi cho đến khi bà mất. Nó tự nhận thấy nó giống ông ta, giống anh Phan như ba giọt nước. Giờ chả nhẽ, vô duyên vô cớ, ông ta không nhận, tự dưng nó chạy đến hỏi à. Nó lại lần khần cho đến khi bất ngờ nghe ai đó báo, ông ta trúng gió, chết khi nằm ngủ ở chòi cá ngoài ao. Phiên trào nước mắt. Nó tấp tểnh chạy đến đám tang. Chạm cửa cổng nhà ông ta thì Phiên khựng lại, giờ tự dưng nó vào đám tang với cương vị như thế nào. Chao ôi, cái cảm giác không xác định rõ nguồn gốc của mình mới bơ vơ, dằn vặt, khổ sở làm sao. Cái cảm giác thèm gần gũi anh em máu mủ ruột rà nó tha thiết cỡ nào. Lá tìm về cội. Người cần biết tiên tổ, kết nối họ hàng. Thằng Phiên vì thế bao lần bỏ qua tự ái, chủ động chào hỏi thân mật anh Phan. Nhưng nó có cảm giác anh Phan tránh né nó.

Vợ bảo sao Phan phải sắt đá, cố chấp vậy để làm gì. Thiên hạ lời ra tiếng vào vì họ thấy rõ ràng thằng Phiên quá giống bố, giống Phan. Mà điều đó thì vợ Phan cũng phải thừa nhận. Dẫu gì cũng là anh em cùng cha khác mẹ. Trong người thằng Phiên chảy cùng dòng máu với Phan đó, chả có lẽ cả đời cứ phớt lờ nhau sao.

Phan không chấp nhận thằng Phiên do Phan không muốn chấp nhận lỗi lầm của bố. Ông đường đường là cán bộ về hưu, được xóm làng trân trọng, yêu mến. Ông là niềm tự hào trong lòng Phan. Phan đã nghĩ mãi, nghĩ mãi. Vò đầu bứt tóc mà nghĩ, Phan vẫn không tìm được lý do. Bố Phan có thể phản bội mẹ Phan, nhưng chí ít ông phải ăn nằm với người đàn bà tử tế hơn, chứ không thể là người đàn bà lăng loàn như bà Nguyệt. Bà ta ngủ với bao nhiêu đàn ông. Vậy thì bố Phan chả khác gì mấy người đàn ông ít ăn học, phè phỡn, hám gái trong làng.

Tháng Chạp, gió lạnh thổi tung cánh đồng, khói hương nghi ngút. Phan ra thăm mộ, thắp nén nhang cho bố. Ở làng Vạc, chỗ chôn cất người chết nằm ở cuối cánh đồng. Đường đồng heo hút, mương rãnh giăng dọc ngang chằng chịt. Đôi chân Phan dò từng bước thận trọng để len vào khu mộ của họ Trần sâu hun hút phía trong. Lùm tùm ở nghĩa địa, cỏ cây dại lâu ngày không được phát quang, phủ rợp ngang đầu. Nhà chỉ có Phan là con trai, chị Bấm đã lấy chồng xa, cái Ban lập nghiệp trên thành phố không muốn trở về làng. Khi còn sống, bố Phan dặn dò Phan rất kỹ từng khu vực, từng bia mộ ghi dấu tên ai, quan hệ họ hàng như thế nào. Phan đi lòng vòng, rồi dừng lại, chạnh lòng khi nhìn thấy cái bia mộ “Trần Văn Th…” nằm chỏng lỏn góc trống, giáp bên một con mương bẩn, bèo nổi trôi lềnh phềnh, cỏ lau rờm rợp phơ phất. Chữ trên bia mờ, nhòe nhoẹt nhìn chả rõ họ tên, năm sinh. Nhưng Phan chắc chắn, người nằm dưới mộ cùng họ với Phan, chỉ có điều mộ này không nằm trong cùng một khu mộ của họ Trần, mà lạc giữa các ngôi mộ họ Tô. Nhìn cái mộ được xây bao bằng tường gạch cũ mốc thếch, cỏ rậm rì, đất cát phủ gần hết gạch, chứng tỏ ngôi mộ này gần như bị lãng quên. Nếu Phan đoán không nhầm, người nằm dưới ngôi mộ cách Phan mấy đời, Phan sẽ gọi người ấy bằng cụ hay kị gì đó. Mộ của người cũng giống như người vậy, chưa tìm về đúng họ hàng, tổ tiên, cảm giác chưa yên và tồi tội thế nào ấy. Phan khẽ rùng mình trước cơn gió lạnh pha tẩm sự ẩm ướt của chiều muộn. Cái lạnh lướt qua môi má, liếm dọc sống lưng.

Trời tối nhanh, sương giăng khắp nẻo. Phan trở về nhà khi thấy chân tay mình run lẩy bẩy. Tự dưng Phan còn chóng mặt nữa. Cảm giác sắp ngã lăn ra. Cố lết đến lối rẽ đường làng. Mắt Phan tối sầm.

Người này bảo Phan trúng gió độc ở nghĩa địa. Người kia bảo đấy là hiện tượng bị ma ám. Phan nằm viện hơn tuần. Hóa ra Phan bị viêm dạ dày đã lâu. Bố mất, Phan lại mất ngủ, trằn trọc triền miên nên cơ thể bị suy kiệt, thiếu máu. Người đưa Phan vào việc chính là Phiên, người hiến máu để bác sĩ truyền cho Phan cũng chính là Phiên. Thấy anh trai mình ngã vật ngay trước cổng nhà, Phiên cuống cuồng đưa anh vào viện điều trị. Phiên chạy đôn đáo lo nhập viện cho anh xong xuôi, rồi mới gọi về nhà cho chị dâu. Tiếp xong máu, Phiên xin phép chị dâu về. Phan tỉnh dậy, biết chuyện nằm im lặng, vắt tay lên trán suy nghĩ.

Vợ Phan chép miệng, lắc đầu xin Phan đừng căng thẳng nữa. Sai lầm là việc của thế hệ trước, bố mẹ hai bên cũng đã về thế giới bên kia hết rồi. Cả Phan và Phiên có lỗi gì đâu, cả hai cần được sống thanh thản. Vợ Phan đã ngồi tâm sự rất lâu với Phiên khi Phan còn nằm xẹp lép trên chiếc giường trắng xóa của bệnh viện. Thực ra không biết thì thôi, chứ biết chính xác đó là em mình rồi thì làm sao có thể lạnh nhạt với nhau. Thêm anh em, nhà cửa càng thêm ấm áp.

Thoắt thoắng Tết nữa lại sắp gõ cửa. Phan nhấc máy gọi hỏi thăm chị Bấm, em Ban. Phan không cho vợ báo nên hai chị em không ai biết Phan ốm. Hình như khi bị ốm, người ta dễ mềm lòng hơn, nỗi nhớ thương người thân khuấy lòng ghê gớm hơn. Nghĩ đến cảnh cả gia đình sắp sum vầy, quây quần bên ngọn lửa ấm, căn bếp quen thuộc thơm nức mùi bánh chưng làm Phan phấn chấn hẳn lên. Trước khi cụp điện thoại, mắt Phan nhìn xa xăm ngoài cửa rồi bảo với chị Bấm, Tết này chị cố gắng đưa cả gia đình bên ấy về chơi, nhà mình có thêm người chị ạ. Chị Bấm gặng hỏi là ai thế. Phan trả lời nhẹ bẫng: “Chị về đi khắc biết chị nhé!”.

Truyện ngắn của TRẦN NGỌC MỸ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/lua-am-599939