Lựa chọn đúng các chương trình công tác

Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình công tác toàn khóa là giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo có tính hiệu quả cao, được khẳng định qua nhiều nhiệm kỳ tại Đảng bộ thành phố Hà Nội. Thành công của 8 chương trình công tác cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố một lần nữa cho thấy, Thành ủy Hà Nội đã lựa chọn đúng. Đây là bài học kinh nghiệm quý, là cơ sở để Thành ủy Hà Nội khóa XVI báo cáo Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố 10 chương trình công tác toàn khóa mới.

Chương trình về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025” là một trong 3 chương trình công tác toàn khóa mới của nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ giúp Hà Nội phát triển đồng đều hơn. Ảnh: Quang Thái

Thể hiện sâu sắc vai trò lãnh đạo

Tiếp thu kinh nghiệm từ các khóa trước, Thành ủy Hà Nội khóa XVI đã ban hành 8 chương trình công tác toàn khóa ngay trong nửa đầu năm 2016 để cụ thể hóa 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố. Triển khai thực hiện 8 chương trình công tác của Thành ủy, các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức từ thành phố xuống cơ sở đều cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, đề án. Ban Chỉ đạo các chương trình thường xuyên giao ban, đánh giá, kiểm đếm kết quả theo các chỉ tiêu, nhiệm vụ, đề ra giải pháp cho từng quý tiếp theo.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết, nét đổi mới là Ban Thường vụ Thành ủy tiến hành kiểm tra việc thực hiện các chương trình công tác ngay trong năm đầu tiên, không đợi đến giữa kỳ hay cuối kỳ mới kiểm tra. Nhờ đó, thành phố đã kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lơ là, thiếu quyết tâm; động viên, nhân rộng những cách làm hay. Ví dụ điển hình về hiệu quả công tác lãnh đạo thông qua các chương trình công tác là Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”. Hiện Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cuối năm 2020, có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 96,1%).

Đánh giá về kết quả trên, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Thông qua Chương trình số 02-CTr/TU, Thành ủy Hà Nội đã thống nhất nhận thức, nội dung, giải pháp trong cả hệ thống chính trị để tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Đây là kinh nghiệm hay cho cả nước”.

Đến nay, mỗi chương trình đều để lại những dấu ấn sâu sắc, khẳng định tính hiệu quả và đặc biệt là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Kết quả thực hiện 8 chương trình công tác đã đóng góp quan trọng, giúp Hà Nội hoàn thành và hoàn thành vượt 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố, trong đó vượt 4 chỉ tiêu và 3 chỉ tiêu về đích trước 2 năm.

Dự định ban hành 10 chương trình công tác

Trên cơ sở kế thừa và phát huy kinh nghiệm của nhiệm kỳ qua, tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Thành ủy Hà Nội khóa XVI sẽ trình dự thảo Chương trình hành động với dự kiến ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa nhằm cụ thể hóa 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm; 3 khâu đột phá phát triển Thủ đô giai đoạn 5 năm 2020-2025.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, trong 10 chương trình công tác toàn khóa, có 3 chương trình mới so với nhiệm kỳ 2015-2020, đó là chương trình về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025”, “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025”, “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”. Dự kiến, các chương trình sẽ được ban hành sớm hơn nhiệm kỳ trước, cụ thể là trong quý I, chậm nhất là đầu quý II-2021.

Nhấn mạnh nét mới trong xây dựng các chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020-2025, Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến cho rằng, khi chương trình về nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả cao 10 năm qua, việc có thêm chương trình về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025” sẽ giúp Hà Nội phát triển đồng đều hơn. Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Ngọc Việt khẳng định: “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025” là lựa chọn chính xác khi Hà Nội đã trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Quyền quyết định nội dung chương trình hành động, các chương trình công tác thuộc về Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Nhưng chắc chắn, với kinh nghiệm thực hiện 8 chương trình công tác nhiệm kỳ qua cộng với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ và niềm tin, sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, chắc chắn, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thông qua các chương trình công tác sẽ tiếp tục đem lại những thắng lợi mới cho Thủ đô trong giai đoạn sắp tới.

Hiền Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/980557/lua-chon-dung-cac-chuong-trinh-cong-tac