Lúa mùa nổi vươn xa nhờ mô hình thuận thiên tại Tây Ninh
Dự án giải pháp thuận thiên thích ứng với biến đổi khí hậu ĐBSCL tại tỉnh Tây Ninh do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) được triển khai, giúp phục hồi mô hình canh tác thuận thiên, tăng sinh kế cho nông dân cũng như bảo tồn hệ sinh thái và góp phần đưa sản phẩm lúa mùa nổi ra thế giới.

Lễ ký kết hợp đồng sản xuất tiêu thụ lúa mùa nổi tại tỉnh Tây Ninh. Ảnh: WWF
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF-Việt Nam), việc Tập đoàn Khải Nam ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa mùa nổi năm 2025 với các hộ nông dân tại 2 xã Tân Hưng và Vĩnh Châu thuộc tỉnh Tây Ninh, nâng diện tích canh tác lúa mùa nổi lên 112ha cho dự án, giúp tạo ra chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững tại địa phương, chuyển từ sản xuất thô sang chế biến sâu, có thương hiệu đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.
Giá thu mua lúa tươi ổn định ở mức 15.000 đồng/kg giúp đảm bảo sinh kế cho người nông dân trước biến động của thị trường. Hiện tại, các sản phẩm giá trị gia tăng làm từ lúa mùa nổi như mì, phở đã thâm nhập thành công vào thị trường Đức và có mặt trên kệ của Longdan - chuỗi siêu thị hàng Việt lớn nhất tại Anh.
Việc phục hồi canh tác giống lúa mùa nổi truyền thống là một phần quan trọng trong chu trình tự nhiên của ĐBSCL, mang lại những lợi ích to lớn và đa tầng cho hệ sinh thái. Mùa nước nổi, những cánh đồng lúa này hoạt động như một hồ chứa lũ tự nhiên giảm áp lực cho vùng hạ lưu đồng thời bổ sung nguồn nước ngầm và bồi đắp lượng phù sa màu mỡ cho đất, giúp nông dân loại bỏ dần phân bón hóa học. Khi một khu vực đất ngập nước khỏe mạnh được tạo ra, sẽ là nơi trú ngụ và sinh sản lý tưởng cho nhiều loài thủy sản và chim nước, góp phần phục hồi đa dạng sinh học vốn đang bị suy thoái trong vùng.