'Luật áo tắm' ở Mỹ

Tại các bãi biển hay hồ bơi công cộng, chúng ta không hề xa lạ với những bộ bikini đầy màu sắc của chị em.

Cảnh sát đo trang phục tắm trên bãi biển để phát hiện người phạm luật vào những năm 1920.

Cảnh sát đo trang phục tắm trên bãi biển để phát hiện người phạm luật vào những năm 1920.

Bởi vậy, thật khó tưởng tượng đã có lúc chính quyền Mỹ ban hành luật áo tắm, kiểm tra trang phục của những người đến bãi biển. Người vi phạm có thể bị đuổi về nhà, buộc phải che kín thân thể, bị phạt tiền, thậm chí bị bắt giữ.

Cảnh sát “áo tắm”

Một thời gian dài, phụ nữ từng phải mang bít tất dài, mặc áo choàng tay dài với cổ áo cao… đi tắm biển. Điều này chắc hẳn không hề dễ chịu chút nào. Đó có lẽ là lý do vì sao từ đầu những năm 1900, trang phục tắm biển ngày càng ngắn hơn. Cho đến những năm 1920, nhiều điều tiếng xuất hiện khi phụ nữ mặc áo tắm lộ vai trần và lộ chân từ gối trở xuống.

Phải làm gì đó trước khi nước Mỹ rơi vào tình trạng đồi trụy không thể cứu vãn… Nhiều người đã nghĩ như vậy. Vì lẽ đó, một số thành phố đã thông qua luật qui định độ dài của đồ tắm, cấm bất cứ trang phục tắm nào trên đầu gối 15cm.

Cảnh sát “áo tắm” được tuyển dụng để bảo đảm những người đi bơi không vi phạm các quy tắc nói trên. Nếu họ phát hiện một phụ nữ mặc đồ tắm quá ngắn, người đó sẽ bị dẫn giải về nhà để thay hoặc buộc phải che kín phần hở quá quy định.

Cảnh sát bãi biển ở Chicago đã nghĩ ra một phương pháp thuận tiện trong khi thực thi nhiệm vụ: Một “thợ may bãi biển” được triệu tập để may lại những chiếc áo hở nách quá nhiều, dán một lớp vải vào phần váy được coi là quá ngắn, vào cổ áo quá rộng và thấp của người mặc.

Đồ bơi mà phụ nữ được phép mặc theo quy tắc như vậy quá luộm thuộm gây khó khăn cho các vận động viên bơi lội trong các cuộc tranh tài. Những vận động viên bơi lội ở Australia, nơi môn thể thao này rất được yêu thích, đã khắc phục vấn đề này bằng cách sáng tạo những bộ đồ tắm bó sát dành cho phụ nữ để vận động thoải mái khi xuống nước. Nhưng khi vận động viên bơi lội Annette Kellerman đến Mỹ và đi dạo ở một bãi biển tại Boston với bộ đồ bơi của vận động viên, cô đã bị bắt vì ăn mặc không kín đáo.

Kellerman không bị kết tội do đã thành công khi tranh luận trước tòa rằng, cô gặp trở ngại trong việc tập luyện thể thao của mình bởi điều luật về trang phục bơi của Mỹ. Nhân đó, cô tuyên bố ủng hộ quyền được mặc đồ bơi giúp phụ nữ thoải mái khi di chuyển dưới nước.

Annette Kellerman thậm chí còn cho ra mắt kiểu đồ bơi một mảnh bó sát theo hướng thiết kế hiện đại.

Bikini ra đời

Đồ bơi ngắn hơn và không tay áo trở nên phổ biến vào những năm 1920 và 1930. Sự phát triển các loại vải mới đã cho ra đời các kiểu đồ bơi thoải mái và thiết thực hơn.

Nhưng điều này vẫn chưa đủ đối với nhiều phụ nữ. Giai thoại kể rằng, vào năm 1923, trong khi đến Cannes bằng du thuyền, nhà thiết kế thời trang người Pháp nổi tiếng, Coco Chanel, đã bất cẩn đứng ngoài nắng quá lâu.

Kết quả là làn da cô ngả màu rám nắng lạ mắt, đối nghịch hoàn toàn với kiểu trang điểm nổi bật làn da trắng, vốn được tôn vinh trong hàng trăm năm qua. Sự ngẫu nhiên này ngay lập tức trở thành trào lưu làm đẹp trong giới hâm mộ Chanel. Các cô gái lũ lượt kéo nhau ra bãi biển, kín đáo vén váy và xắn tay áo để có được làn da rám nắng.

Kỹ sư người Pháp, Louis Reard, trong một chuyến đi biển đã để ý thấy nhiều phụ nữ cuốn mép áo tắm của mình lên nhằm lộ nhiều da dẻ hơn khi phơi nắng. Ông nảy ra ý định tạo ra một mẫu áo tắm siêu nhỏ, phục vụ nhu cầu phơi nắng của chị em.

Vào năm 1946, Louis Reard thiết kế và giới thiệu với thế giới bộ áo tắm bikini độc đáo. Đây là loại áo tắm hai mảnh riêng biệt. Một mảnh che vòng 1, còn mảnh kia che vòng 3, còn những phần thân thể khác thì để trần.

Hình dạng của hai mảnh bikini rất giống với đồ lót phụ nữ, và phần dưới của bikini vì thế có thể chỉ đơn giản là một dải dây hay mảnh vải giống kiểu quần soóc. Bộ đồ này được đặt theo tên đảo san hô Bikini, nơi diễn ra cuộc thử nghiệm bom nguyên tử, với lý do nó cũng gây ra nhiều kích động như sự kiện hạt nhân kể trên.

Bộ đồ tắm hai mảnh hở hang này đã gây xôn xao dư luận một thời gian dài. Phụ nữ châu Âu ưa chuộng bikini gợi cảm và hiện đại, nhưng phụ nữ Mỹ nắm bắt xu hướng trên chậm hơn.

Họ chỉ chấp nhận bikini vào giữa năm 1960, khi nữ diễn viên Ursula Andress đã tạo ra cơn sốt về loại áo tắm này trong bộ phim Dr. No vào năm 1962. Đây là bộ phim điện ảnh đầu tiên mở màn cho loạt phim điện ảnh dài kỳ về điệp viên 007. Từ đó, nhiều phụ nữ đổ xô đi mua bikini và với phong trào giải phóng phụ nữ đang diễn ra sôi nổi, luật áo tắm cuối cùng đã được nới lỏng trên các bãi biển của Mỹ.

Không chỉ riêng phụ nữ mới bị kiểm soát trang phục khi đi tắm biển ở Mỹ. Với lý do không ai muốn nhìn thấy “khỉ đột trên bãi biển”, Hội đồng thành phố Atlantic, bang New Jersey đã thông qua luật bắt buộc mặc áo sơ mi đối với nam trên bờ biển và bãi biển. Những người đàn ông ở trần có thể bị phạt và buộc phải mặc lại áo, nhưng bắt đầu từ năm 1937, nhiều quy tắc địa phương này đã bị hủy bỏ và đàn ông một lần nữa có thể tận hưởng ánh nắng Mặt trời với ngực trần.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/luat-ao-tam-o-my-tecPAgaMR.html