Luật Biên phòng Việt Nam ra đời có ý nghĩa hết sức quan trọng

Việt Nam có đường biên giới đất liền khoảng 5.032,025km và bờ biển dài khoảng 3.260km, với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia (BGQG). Hiện nay, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo của thế giới và khu vực, tuy nhiên, Việt Nam, nhất là khu vực biên giới (KVBG) vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bù Đốp, BĐBP Bình Phước xóa mù chữ cho đồng bào trên địa bàn biên giới. Ảnh: Viết Hà

Cán bộ Đồn Biên phòng Bù Đốp, BĐBP Bình Phước xóa mù chữ cho đồng bào trên địa bàn biên giới. Ảnh: Viết Hà

Các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam; tình trạng vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy, di dịch cư tự do diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh... ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) ra đời có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Thực tiễn hơn 61 năm qua, BĐBP đã áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác Biên phòng, nhưng chưa được luật hóa đầy đủ, thống nhất. Công tác tổ chức xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG chưa được quy định cụ thể, thiếu cơ sở pháp lý để các cơ quan, lực lượng chức năng và BĐBP thực thi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG.

Tại buổi thảo luận về Luật BPVN tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: “BGQG là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị. Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG đang đặt ra cần thiết phải có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ, thống nhất. Vì vậy, việc ban hành Luật BPVN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cần thiết; đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ BGQG, KVBG trong tình hình mới”.

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh BGQG nhưng chưa được thể chế hóa thành pháp luật như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”...

Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ BGQG” đã xác định rõ nhiệm vụ biên phòng: “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, BGQG...; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác; bảo vệ, phòng thủ vững chắc BGQG; góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, đối ngoại ở KVBG và cả nước”.

Đồng thời, xác định cụ thể lực lượng bảo vệ BGQG: “Xây dựng lực lượng bảo vệ BGQG toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ BGQG trong tình hình mới”...

“Với vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của BGQG, Luật BPVN ra đời sẽ cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, thực hiện hiệu quả các vấn đề chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu quả giữa các bộ, ngành, chính quyền địa phương, lực lượng nòng cốt, chuyên trách với các lực lượng chức năng ở KVBG, cửa khẩu. Bên cạnh đó, phát huy được nguồn lực đầu tư của Nhà nước, địa phương và xã hội vào một số chương trình, mục tiêu quốc gia tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đáp ứng yêu cầu xây dựng BGQG, KVBG vững mạnh” - Ông Bùi Thanh Tùng, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cho biết.

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số. Luật BPVN ra đời sẽ có tác động rất lớn trong việc hoàn thành các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia. Bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho biết: “BĐBP đã và đang tham gia tích cực vào lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, là lực lượng được chính quyền địa phương, nhân dân biên giới tin yêu. BĐBP đã có nhiều mô hình, chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”...; thực hiện các dự án xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào; tham gia củng cố cơ sở chính trị, xây dựng nông thôn mới, góp phần củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc trên KVBG, bảo vệ vững chắc “phên dậu” của Tổ quốc”.

“Quốc hội đã thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Luật BPVN ra đời, sẽ đưa ra hệ thống pháp lý căn bản, tạo “đòn bẩy” để phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, tiếp tục phát huy những thành quả hơn 35 năm đổi mới đất nước, huy động nguồn lực cùng với địa phương hoàn thành các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia, giúp đồng bào các dân tộc tự lực, tự cường vươn lên trong cuộc sống, phát triển vùng biên giới ngày một giàu đẹp. Từ đó, mỗi người dân là một “cột mốc sống” bảo vệ vững chắc cương thổ của Tổ quốc” - Bà Cao Thị Xuân nhấn mạnh.

Cán bộ Đồn Biên phòng Y Tý, BĐBP Lào Cai đón học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nuôi tại đơn vị theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Ảnh: Viết Hà

Cán bộ Đồn Biên phòng Y Tý, BĐBP Lào Cai đón học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nuôi tại đơn vị theo mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”. Ảnh: Viết Hà

Việt Nam đã ký Hiệp ước biên giới, Nghị định thư về phân giới, cắm mốc với 3 nước láng giềng Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đây là hành lang pháp lý mang tầm quốc tế. Hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc; tôn tạo, tăng dày hệ thống mốc giới trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào và hoàn thành 86% việc phân giới, cắm mốc tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Việc giao thương qua lại biên giới ngày càng phát triển, đoàn kết nhân dân hai bên biên giới được tăng cường.

Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết: Trong suốt thời kỳ phát triển đất nước, khu vực biên giới phát triển rất nhanh, nhiều địa phương trở thành trung tâm giao lưu thương mại biên giới. Luật BPVN ra đời có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đối ngoại ở khu vực biên giới. Ngoài ra, công tác đối ngoại nhân dân hai bên biên giới có sự phát triển. Trên tuyến biên giới đất liền, Việt Nam đã thực hiện các mô hình kết nghĩa bản - bản, kết nghĩa cụm dân cư 2 bên biên giới với các nước láng giềng có chung đường biên giới rất hiệu quả, qua đó, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới, cùng chung tay xây dựng, bảo vệ đường biên, mốc giới, giúp nhau phát triển kinh tế...

Vì vậy, phải có luật điều chỉnh để tăng cường công tác đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, góp phần bồi đắp quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng ngày càng bền chặt.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luat-bien-phong-viet-nam-ra-doi-co-y-nghia-het-suc-quan-trong-post432032.html