Luật Hiến, ghép mô tạng: Sửa để theo kịp thời đại

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, luật hiện hành bộc lộ nhiều bất cập, chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành.

Một ca lấy - ghép tạng được thực hiện bởi các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: BVCC

Một ca lấy - ghép tạng được thực hiện bởi các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: BVCC

Vì vậy, việc sửa đổi luật là yêu cầu khách quan và cấp thiết.

Nhiều vấn đề chưa được điều chỉnh

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác được Quốc hội thông qua từ năm 2006, là văn bản pháp lý đầu tiên định hình nền tảng cho một lĩnh vực y học nhân văn và tiên tiến.

Nhờ hành lang pháp lý đó, Việt Nam đã thực hiện hơn 9.500 ca ghép tạng, phát triển mạng lưới gồm 27 cơ sở đủ năng lực kỹ thuật, từng bước làm chủ nhiều kỹ thuật ghép phức tạp như ghép tim - gan đồng thời, khí quản, phổi…

Đây là phát biểu của GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế tại Hội thảo đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, sau gần hai thập kỷ, thực tiễn, trình độ công nghệ, nhu cầu người bệnh và yêu cầu quản trị đã thay đổi căn bản, trong khi Luật hiện hành bộc lộ nhiều bất cập, chưa theo kịp tốc độ phát triển của ngành. Vì vậy, việc sửa đổi Luật là yêu cầu khách quan và cấp thiết.

Thực tiễn hiện nay đặt ra nhiều vấn đề chưa được Luật hiện hành điều chỉnh hoặc chưa điều chỉnh đầy đủ, như: Chưa có cơ chế tài chính đồng bộ cho toàn bộ chuỗi hoạt động hiến - lấy - vận chuyển - bảo quản - ghép; Người dưới 18 tuổi chưa được phép hiến tạng, kể cả trong trường hợp có ý chí tự nguyện và sự đồng thuận của gia đình.

Trong khi đó, chẩn đoán chết não - điều kiện tiên quyết để xác định khả năng hiến - còn phức tạp, kéo dài, thiếu quy chuẩn dễ áp dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tỷ lệ hiến từ người chết não rất thấp trong khi hơn 90% số tạng được ghép hiện nay vẫn đến từ người hiến sống, gây ra nhiều thách thức về đạo đức và pháp lý.

Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn, điều phối ghép tạng chưa được luật hóa đầy đủ, thiếu chính sách đào tạo, công nhận và đãi ngộ. Quy trình đăng ký hiến tạng còn phức tạp, chưa thân thiện và khó tiếp cận với đa số người dân.

Do đó, theo GS.TS Trần Văn Thuấn, việc sửa đổi Luật lần này phải được nhìn nhận như một nội dung đột phá thể chế, đảm bảo tính khả thi, nhất quán, tạo nền tảng pháp lý bền vững, nhân văn và hiệu quả cho lĩnh vực ghép tạng.

Cần bổ sung quy định về người được hiến tạng

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, luật hiện hành đang bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, đòi hỏi cần sửa đổi.

Do đó, PGS.TS Đồng Văn Hệ cho rằng, cần bổ sung quy định cho phép trẻ em và người chết tim được hiến tạng. Cùng với đó, cần quy định rõ cơ chế tài chính cho cả người ghép và người hiến.

“Hiện nay, cơ chế tài chính cho người ghép chưa có, còn cho người hiến thì đã có nhưng vẫn rất hạn chế”, PGS Hệ cho biết.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, để có được một tạng hiến từ người chết não, cần trải qua rất nhiều công đoạn. Trong khi đó, nếu không có hiến tạng thì không có ghép tạng.

“Hiện, với 31 trung tâm ghép trên cả nước, đáng lẽ Việt Nam có thể thực hiện được gấp 10 số ca ghép tạng so với hiện tại. Vấn đề là chúng ta không có nguồn hiến. Nếu không có cơ chế tài chính đủ lớn thì hoạt động hiến, ghép tạng gặp rất nhiều khó khăn”, PGS.TS Đồng Văn Hệ nhấn mạnh.

Ngoài ra, luật hiện hành quy định thứ tự các nhóm được ưu tiên ghép tạng. Trước hết là trẻ em, sau đó là người cấp cứu. Trong khi đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 lại quy định trường hợp cấp cứu được ưu tiên trước, tiếp đó là trẻ em và phụ nữ có thai.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, quy định về thứ tự ưu tiên tại Luật Hiến, ghép tạng hiện nay không còn phù hợp. Trẻ em có thể chờ 1 - 2 năm để được ghép tạng, nhưng người cấp cứu có thể chỉ chờ được 1 ngày.

Các bệnh viện hiến cũng phải thực hiện nhiều công việc, tốn nhiều công sức. Trong khi đó, bệnh nhân cần được ghép tạng ngay tại bệnh viện hiến lại được xếp về phía sau trong thứ tự ưu tiên.

Một yếu tố khác là cơ chế tài chính hiện nay trong hoạt động hiến, ghép tạng cũng cần được quy định rõ hơn. Ví dụ, ở một số quốc gia, có 3 nguồn chi cho các hoạt động này, gồm: BHYT, gia đình người nhận tạng, ngân sách Nhà nước.

Theo PGS Hệ, việc quy định như vậy rất minh bạch và công bằng, có sự tham gia của các bên. Do đó, theo ông, dự thảo luật sửa đổi nên quy định: Chi phí đối với hoạt động hiến, ghép tạng do Bộ Tài chính, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan đưa ra cơ chế phù hợp.

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: “Trước đây chúng ta đã quy định chỉ những người chết não mới được hiến tạng, nhưng nay sẽ mở rộng ra đối với cả những người chết tim. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải điều chỉnh cả nhóm ưu tiên đối với người được ghép. Điều chỉnh sao cho phù hợp với vấn đề khoa học, tính nhân đạo, nhân văn và tính minh bạch, công bằng đối với tất cả các nhóm được ghép”.

Cũng theo ông Khoa, nếu không có kết nối hiệu quả giữa bệnh viện hiến và cơ sở ghép, thì dù nguồn tạng có tăng, cũng khó tận dụng.

“Chúng ta đang thiếu cả về tổ chức, pháp lý lẫn công cụ điều phối chuyên nghiệp”, ông Nguyễn Trọng Khoa nhận định.

Theo thống kê, đến tháng 6 năm nay, Việt Nam đã thực hiện hơn 10.000 ca ghép tạng, trong đó hơn 90% là từ người hiến sống. Số ca hiến từ người chết não tuy có cải thiện so với những năm trước đó - đạt 236 trường hợp - nhưng vẫn rất khiêm tốn so với nhu cầu và với các nước trong khu vực.

Vân Huyền

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/luat-hien-ghep-mo-tang-sua-de-theo-kip-thoi-dai-post738042.html