Luật sư Nguyễn Hữu Thọ: Nhà lãnh đạo suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân
Sáng 9/7, tại Trung tâm Báo chí TPHCM, Ban Liên lạc câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Đoàn thanh niên các cơ quan Trung ương Cục miền Nam tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề 'Thời tuổi trẻ của cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ' nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (09/7/1910 - 09/7/2025).
Ông Nguyễn Hữu Thọ, bí danh Ba Nghĩa, sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức trung lưu tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn, nay thuộc thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, Long An. Sau thời gian học tại Trường tiểu học Long Mỹ, huyện Long Mỹ, Rạch Giá (huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang ngày nay), ông được gia đình cho sang Pháp học vào năm 1921.
Năm 1932, ông tốt nghiệp cử nhân luật hạng ưu. Năm 1939, ông tiếp tục thi đỗ kỳ sát hạch của luật sư đoàn và bắt đầu mở văn phòng luật tại nhiều địa phương như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sài Gòn - Chợ Lớn.
Chứng kiến nhiều phiên tòa dựng nên để kết tội nhiều chiến sĩ ra sức đấu tranh để bảo vệ quê hương, luật sư Nguyễn Hữu Thọ bắt đầu tham gia vào phong trào cách mạng.

LS Nguyễn Hữu Thọ (đứng) - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ảnh tư liệu
Tại Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tháng 2-1962, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 6-1969, ông được cử làm Chủ tịch hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tháng 4-1980, ông giữ quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là người có nhiều đóng góp quan trọng vào việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng, ông là người chỉ đạo và trực tiếp tham gia xây dựng Hiến pháp năm 1992, thực hiện nhiều đổi mới trong hoạt động của bộ máy nhà nước, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Huỳnh Thị Gấm nhấn mạnh: “Luật sư, quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ như một ngôi sao sáng, một hình tượng cao đẹp của thời đại cách mạng, thời đại Hồ Chí Minh. Tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp, nhân cách của Luật sư luôn cao quý, sáng đẹp trong lòng người đương thời và các thế hệ mai sau. Những cống hiến to lớn của Luật sư vẫn còn nguyên giá trị, luôn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc”.

PGS.TS Huỳnh Thị Gấm phát biểu tại tọa đàm
Hiện nay, tại quê hương Long An của cố Luật sư đã xây dựng Khu lưu niệm với tổng diện tích 10.000m2, du khách đến đây có thể tham quan 3 khu vực chính: Đền tưởng niệm, Phòng trưng bày thân thế và sự nghiệp luật sư Nguyễn Hữu Thọ và Thư viện Nguyễn Hữu Thọ.
Du khách cũng được chiêm ngưỡng kiến trúc đền độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa phương Nam như bức hoành phi Tài Đức Song Toàn, các họa tiết hoa lá hóa long, hoa cúc hóa long và song long chầu nhật tinh xảo.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự bày tỏ sự tri ân sâu sắc và ghi nhớ những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ.

Quang cảnh buổi tọa đàm
Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là dịp để chúng ta ôn lại, tưởng nhớ, biết ơn, và quan trọng hơn là, học tập và noi theo tấm gương của một trí thức lớn, một chiến sĩ cộng sản kiên định, một nhà lãnh đạo suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Tiếp tục "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", xây dựng Ðảng thật sự trong sạch, vững mạnh; đấu tranh chống mọi biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống; chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thật sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
Tăng cường sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biến những thành tựu vẻ vang thành động lực để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển mạnh mẽ của đất nước.