Lực cản đói nghèo ở Co Sản

ĐBP - Không điện lưới quốc gia, không nước sản xuất, không hộ thoát nghèo… là thực trạng đang diễn ra ở bản vùng cao Co Sản, xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo. Mặc dù nhiều năm qua được thụ hưởng các chương trình xóa đói giảm nghèo song do địa hình chia cắt, chủ yếu đồi dốc nên người dân ở đây vẫn nghèo.

Chị Mùa Thị Chu, bản Co Sản cùng các con trong căn nhà cũ kĩ, lụp xụp.

Cách trung tâm xã Mùn Chung 6km, bản Co Sản là bản vùng cao duy nhất trong 9 bản của Mùn Chung có 100% hộ dân thuộc diện nghèo và cận nghèo. Trên đỉnh núi cao, phóng tầm mắt xuống những mái prôximăng cũ kĩ hoặc mái gianh vách nứa lụp xụp, Co Sản hiện rõ sự nghèo khó. Trưởng bản Co Sản Giàng A Phu chia sẻ với chúng tôi: Khoảng năm 1994, những hộ dân theo chương trình di dân tái định cư Thủy điện Nậm Mu 2 đã đến đây định cư. Về sau, thấy cuộc sống khó khăn quá, một số hộ đã bỏ Co Sản đi nơi khác sinh sống. Ðến nay, Co Sản là bản có 100% dân tộc Mông với 28 hộ, 156 nhân khẩu; 100% là hộ nghèo và cận nghèo. Ðịnh cư trên vùng đồi núi cao, cách trở khiến cho việc đi lại, phát triển kinh tế - xã hội khó khăn. Thiếu đất sản xuất, đặc biệt là đất lúa ruộng, thiếu nước canh tác và không có điện lưới quốc gia… nên cuộc sống của người dân rất vất vả.

Nằm giữa bản là ngôi nhà cũ kĩ, vách nứa tuềnh toàng của chị Mùa Thị Chu (sinh năm 1982) cùng những đứa con nheo nhóc. Ngoài vài chiếc nồi đen nhẻm nằm chỏng chơ, 2 chiếc giường tạm xiêu vẹo, ọp ẹp thì nhà chị chẳng có gì đáng giá. Là hộ thuộc diện nghèo “bền vững” lại đông con, chồng chị - anh Giàng A Cơ, sinh năm 1978 phải đi làm ăn xa, nên nhiều năm nay chị Chu một mình gách vác việc gia đình. Ngày qua ngày, chị chạy vạy lo từng bữa ăn cho các con. Bởi vậy, trong 5 người con, chỉ có cậu con trai Giàng A Dũng hiện còn theo học lớp 11, Trường THPT Mùn Chung (xã Mùn Chung), còn lại các em của Dũng chưa ngày nào được cắp sách tới trường. Khi được hỏi sao không cho các con đi học, chị Chu cho biết: “Nhà nghèo quá, miếng ăn còn không đủ làm sao cho con đi học được. Vì muốn phát triển kinh tế vươn lên thay đổi cuộc sống, tháng 4/2020 gia đình tôi đã vay 50 triệu đồng mua 2 con trâu nhưng không biết vì sao mà trâu đều bị chết”. Rồi chị Chu chỉ tay lên mái nhà: “Trước đây, nhà lợp bằng gianh, cứ đến mùa mưa lại dột. Tấm prôximăng mới này cũng là đi vay tiền mua rồi nhờ bà con trong bản lợp giúp cho gia đình để kịp đón tết. Bây giờ nhà đã nghèo lại thêm nợ”.

Không chỉ gia đình chị Chu mà hầu hết các gia đình ở Co Sản đều có cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. “Ăn chưa no, lo chưa tới” nên nhiều người không bận tâm đến việc học của con, cháu mình. Mặc dù chính quyền, đoàn thể xã Mùn Chung và thầy cô giáo nhiều lần đến từng gia đình gặp gỡ, vận động nhưng chỉ vài hộ có con em học đến trung học phổ thông rồi lại bỏ giữa chừng. Bao năm qua, bản Co Sản chưa có trường hợp nào thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp.

Mang những khó khăn, thiếu thốn của người dân Co Sản trao đổi với ông Quàng Văn Thiên, Chủ tịch UBND xã Mùn Chung, chúng tôi được biết: Bản còn thiếu các cơ sở hạ tầng điện - đường - trường - trạm, không có đất sản xuất đặc biệt là đất ruộng và nước tưới. Trước đây, do là địa bàn vùng cao, khó khăn nên người dân thường xuyên được ưu tiên cấp cây con giống để sản xuất. Tuy nhiên, do lối canh tác lạc hậu, thiếu nước tưới, dẫn tới năng suất, sản lượng thấp. Từ năm 2019, mô hình hỗ trợ nuôi bò sinh sản được triển khai ở Co Sản song chưa thực sự phát huy hiệu quả. Chăn nuôi gia súc, gia cầm còn manh mún, số lượng nhỏ lẻ mang tính tự cung, tự cấp nên khó phát triển, duy trì đàn.

Xác định đầu tư về giao thông là giải pháp giúp Co Sản “gần hơn” với các bản trung tâm, huyện Tuần Giáo đã và đang triển khai thi công tuyến đường bê tông nối từ trung tâm xã đến bản. Tuyến đường rộng 3m, dài 3,7km với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng và dự kiến đến tháng 5/2021 hoàn thành.

Cùng với đó, nhằm phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, năm 2018 từ nguồn vốn chương trình kiên cố hóa trường, lớp học, huyện Tuần Giáo đã triển khai xây dựng Ðiểm trường Mầm non Co Sản, thuộc trường Mầm non Mùn Chung với diện tích hơn 800m2 gồm: 1 phòng học lắp ghép và 1 phòng học kiên cố.

Cô giáo Lò Thị Vui, điểm trường mầm non Co Sản cho biết: Hiện nay điểm trường có 27 bé từ 2 - 5 tuổi. Ðể duy trì sĩ số, giáo viên phải thường xuyên đến từng gia đình vận động người dân cho con cháu mình đi học; nhất là thời điểm sau các kỳ nghỉ tết Nguyên đán, tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông. Do nơi đây khó khăn, cách trở, dân số ít nên chỉ được xây dựng lớp học mầm non; học sinh từ cấp tiểu học trở lên (nếu tiếp tục đi học) thì phải xuống trung tâm xã mới có trường học.

Riêng vấn đề điện lưới quốc gia, trước đây đơn vị chức năng đã đến bản khảo sát tại Co Sản song do số hộ dân ít, địa điểm trên núi cao, cách trở nên khó có thể thực hiện. Không điện nên đời sống lao động sản xuất, xóa đói nghèo của người dân Co Sản vẫn thiếu “ánh sáng” của khoa học kỹ thuật, của nhận thức. Có chăng, “điểm sáng” lớn nhất của Co Sản là bản không có người nghiện ma túy, không có hiện tượng trộm cắp; cộng đồng đoàn kết, giúp đỡ nhau. Nhiều gia đình khi sửa chữa, làm nhà hay có việc lớn đều được bà con trong bản chung tay hỗ trợ ngày công lao động.

Bài, ảnh: Ðỗ Quyên

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/186676/luc-can-doi-ngheo-o-co-san