Lượng sức khi chọn nguyện vọng xét tuyển

Học sinh cần dựa vào năng lực học tập và sở thích để chọn ngành, chọn trường xét tuyển. Ảnh: MẠNH THÚY

Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 vẫn không giới hạn số nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT). Tuy nhiên, thí sinh phải cân đối và lượng sức mình để chọn nguyện vọng sao cho phù hợp.

Theo hướng dẫn tuyển sinh, thí sinh đăng ký xét tuyển đại học cùng với đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trên một phiếu và nộp tại các điểm tiếp nhận do Sở GD-ĐT quy định (thông thường là nơi thí sinh đang theo học); được một lần đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển trực tuyến (online) hoặc bằng phiếu nộp tại điểm tiếp nhận sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh đã xét tuyển, trúng tuyển và nhập học (đã nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi) bằng các phương thức xét tuyển khác trước ngày xét tuyển đợt 1 không được tham gia xét tuyển đợt 1. Đối với trường xét tuyển đợt bổ sung hoặc xét tuyển không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT (xét tuyển bằng kết quả học tập bậc THPT hoặc tổ chức thi riêng…), thí sinh phải đăng ký xét tuyển tại trường (online hoặc nộp trực tiếp theo quy định của từng trường).

Dù không giới hạn số nguyện vọng, số trường, nhưng theo các chuyên gia tư vấn, thí sinh phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Năm nay, các trường đại học đưa ra nhiều phương án tuyển sinh nên thí sinh cần nghiên cứu kỹ và lượng sức mình để lựa chọn, tăng cơ hội trúng tuyển. ThS Nguyễn Vân Trạm, Trưởng Phòng Quản lý đào tạo, Trường đại học Xây dựng Miền Trung định hướng: “Nếu thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào Trường đại học Xây dựng Miền Trung hay là trường nào đó, việc đầu tiên các em phải căn cứ vào là năng lực học tập, sau đó tìm hiểu điểm trúng tuyển qua các năm của ngành mà mình dự định đăng ký. Trên cơ sở đó, nếu các em thấy điểm xét tuyển của ngành đó vừa với sức học của mình thì đăng ký xét tuyển”.

Thực tế tuyển sinh những năm qua cho thấy, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng, chỉ cần 5-6 nguyện vọng là đủ, tức là mỗi bậc năng lực nên đăng ký 1-2 nguyện vọng. Đặc biệt ngành nào các em thích nhất và thấy phù hợp nhất thì nên để ngành đó là nguyện vọng 1. Sau đó, sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên.

Quy chế tuyển sinh quy định nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các bài thi/môn thi để xét tuyển với trường tuyển sinh sử dụng kết quả của kỳ thi THPT tương tự như năm 2019: Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo. Như vậy, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào các trường sử dụng các tổ hợp tương ứng để xét tuyển. Mặt khác, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ bám sát định hướng đề minh họa, vậy nên ngoài việc tự xác định năng lực, sở thích, các em có thể dựa vào kết quả học tập trong học bạ, tư vấn của thầy cô, gia đình, chuyên gia giáo dục… để cân nhắc, chọn ngành, chọn trường phù hợp cho mình.

MẠNH THÚY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/240751/luong-suc-khi-chon-nguyen-vong-xet-tuyen.html