Lưu ý khi dừng xe trên làn khẩn cấp

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề sử dụng làn khẩn cấp sai cách, ảnh hưởng đến độ an toàn cũng như tâm lý của người tham gia giao thông trên cao tốc.

Nhiều rủi ro khi dừng ở làn khẩn cấp

Sau vụ xe ô tô khách giường nằm đâm vào xe đầu kéo đang dừng khẩn cấp khiến 11 người thương vong ở cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, rất nhiều vấn đề được mổ xẻ, bàn luận liên quan đến vụ việc đáng tiếc, trong đó có luồng ý kiến tập trung về ý thức dừng, đậu của ô tô trên làn khẩn cấp.

Anh Phú, tài xế xe dịch vụ, thường có lộ trình trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chia sẻ về những trường hợp nguy hiểm mình từng chứng kiến: "Xe gặp sự cố thì tấp vào thôi chứ không có một vật chắn nào ở phía sau hết".

Hiện trường vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hôm 19/6

Hiện trường vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hôm 19/6

Ở chiều hướng ngược lại, anh Minh, một bác tài thường di chuyển trên các tuyến cao tốc phía Nam lại có nhiều dè dặt khi nhắc đến làn khẩn cấp, anh Nam chia sẻ: "Độ an toàn là thấp, trừ trường hợp bất khả kháng mới dừng ở làn đó. Tôi sắm đèn cảnh báo luôn. Bữa xe đang chạy, gạt mưa bị hư, phải dừng sửa mà sợ vô cùng. Thứ nhất là sợ công an phạt, thứ hai là xe chạy quá trời, ớn dữ lắm, xe chạy ầm ầm không, xe container không sao không lo được".

Cũng nhận định việc dừng ở làn khẩn cấp là điều thiếu an toàn, anh Đạt, bác tài nhiều năm kinh nghiệm bày tỏ sự bất an khi đối mặt với việc dừng trên làn khẩn cấp: "Nhiều khi đi mệt quá muốn dừng nghỉ một chút cũng không dám dừng nữa, sợ xe đằng sau chạy tới va chạm với mình, mình không dám dừng đậu trên đó, phải ráng tìm đến đường nhánh ra quốc lộ mình nghỉ".

Giữ thái độ cẩn trọng khi lưu thông trên các cung đường tốc độ cao, anh Đạt chia sẻ thêm về tâm lý chuẩn bị khi bất khả kháng phải dừng xe trên làn khẩn cấp: "Thứ nhất, khi bị sự cố thì cố gắng tấp sát vô lề của làn dừng khẩn cấp. Thứ hai phải bật đèn cảnh báo lên. Thứ ba nếu có vật gì có tác dụng cảnh báo thì mình đặt phía sau xe. Ban đêm thì có đèn pin, cầm cái đèn pin lên mình cảnh báo thì người ta sẽ biết là có xe đang bị hư".

Với vị trí là một chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Phan Lê Bình, khẳng định làn khẩn cấp không phải là một làn an toàn, làn khẩn cấp có những đặc tính cụ thể: "Đặc tính lớn nhất của làn khẩn cấp là được chừa ra để cho khi phương tiện cần lưu thông khẩn cấp, trong trường hợp đường chính bị tắc thì vẫn còn đường cho xe ưu tiên chạy".

Dừng ở làn khẩn cấp là điều thiếu sự an toàn và mang tính bất đắc dĩ. Vậy nên sự chu đáo, cẩn trọng là điều cần được ưu tiên. Điều này đặc biệt đúng với những trường hợp hạ tầng thực tế trên các tuyến cao tốc chưa phù hợp với kích thước phương tiện.

Riêng vấn đề này, anh Phú, tài xế xe dịch vụ, thường có lộ trình trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chia sẻ điều mình từng quan sát thấy: "Xe khách khi dừng ở làn khẩn cấp do thân xe quá rộng, hết luôn cả làn. Trường hợp trên làn cao tốc có 2 xe container chạy song song thì rất dễ va chạm, đặc biệt khi tài xế xe khách lên xuống xe để khắc phục sự cố. Xe khách dừng thì phải chừa một chút không gian phía cửa lên xuống, chắc chắn là sẽ dôi ra phía đường xe chạy".

Ảnh minh họa: Google AI Studio

Ảnh minh họa: Google AI Studio

Đường bộ cao tốc, nơi tập trung muôn hình vạn trạng các kiểu phương tiện từ thấp bé đến siêu trường siêu trọng, từ cá nhân cẩn trọng chỉn chu đến người đam mê tốc độ. Vậy nên tham gia giao thông trên đường cao tốc luôn tiềm ẩn nguy hiểm nhất định. Những rủi ro tiềm ẩn sẽ giảm khi cộng đồng tham gia giao thông ý thức càng cao. Hy vọng người tham gia giao thông hiểu sâu và hiểu thấu được tính chất của cung đường mình di chuyển, từ đó có biện pháp an toàn khi bất đắc dĩ phải neo lại trên làn khẩn cấp.

Lưu ý gì khi dừng ở làn khẩn cấp?

Hầu hết ý kiến đều cho rằng, làn khẩn cấp là làn đường tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt với những phương tiện phải sử dụng làn khẩn cấp ở thời điểm đêm tối, thời tiết xấu.

Vậy cần những lưu ý gì để tăng độ an toàn khi dừng ở làn khẩn cấp? Chúng ta sẽ cùng lắng nghe phần giải đáp đến từ chuyên gia giao thông Tiến sĩ Phan Lê Bình và anh Phan Thành Hiếu - Giáo viên đào tạo lái xe tại TPHCM.

"Xe hư, lái xe có vấn đề về sức khỏe thì có thể dừng ở làn khẩn cấp. Dừng thì phải có ý thức là có đèn nhấp nháy cảnh báo, tìm mọi cách để vật cản phía sau xe, từ 50-100 mét càng tốt để các lái xe khác nếu có đi vào làn khẩn cấp thì cũng kịp quan sát được từ xa. Phải làm sao cho phương tiện phía sau biết là mình đang dừng, họ sẽ kịp giảm tốc để tránh va chạm.

Với vận tốc trên cao tốc thì các phương tiện cần khoảng 3-5 giây mới có thể giảm tốc, tránh va chạm được. Phải tìm cách để cảnh báo các phương tiện khác đang lưu thông trên cao tốc. Sau đó nên tránh xa xe mình ra, tìm các biện pháp cứu hộ. Nếu trong khả năng thì nên thoát ra khỏi cao tốc, không nên ở trong cao tốc trong thời gian dài trong điều kiện xe không chạy".

"Mình dừng trên làn dừng thì phải bật đèn cảnh báo, đặt biển cảnh báo cách vị trí dừng tối thiểu 5-10 m. Tài xế bất đắc dĩ mới dừng, chứ đó là vị trí không được dừng. Chỉ dừng khi xe không thể di chuyển được nữa, đi vệ sinh cũng không được".

Phan Yến-Hiền Công/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/luu-y-khi-dung-xe-tren-lan-khan-cap-post1214252.vov