Lý do 2 đạo diễn 'Gái nhảy' và 'Em chưa 18' đều ngã ngựa khi trở lại

Nửa đầu 2024 chứng kiến sự trở lại của nhiều nhà làm phim, trong đó có những cái tên kỳ cựu. Song, điểm chung là những dự án trên đều có doanh thu thấp, gây lỗ nặng.

Thị trường điện ảnh là sân chơi hào nhoáng nhưng cũng khắc nghiệt. Nếu ví những nhà làm phim như những tay leo núi thì điện ảnh sẽ là đỉnh núi hùng vĩ nhất, sừng sững nhất và cũng nguy hiểm nhất. Không ít cái tên đã vấp ngã trong quá trình chinh phục đỉnh cao đó, dẫu cho họ có là những tay leo dày dạn kinh nghiệm.

Nửa đầu 2024 chứng kiến sự trở lại của nhiều nhà làm phim, trong đó có những cái tên kỳ cựu. Lê Thanh Sơn với Em chưa 18 từng phá mọi kỷ lục của phim Việt vào năm 2017, nay đã trở lại với tác phẩm sinh tồn - Móng vuốt. Lê Hoàng - người được xem đã mở ra kỷ nguyên dòng phim thương mại Việt cũng quay lại đường đua phòng vé với Trà. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn và đạo diễn Hoàng Duy cũng đánh dấu màn trở lại địa hạt điện ảnh sau rất nhiều năm với Án Mạng Lầu 4Quý cô thừa kế 2.

Song, điểm chung là những dự án trên đều có doanh thu thấp, gây lỗ nặng, thậm chí có phim còn nhanh chóng rút khỏi rạp sau vài ngày công chiếu.

Nhiều đạo diễn vấp ngã trong lần trở lại

Móng vuốt là tác phẩm mang chủ đề sinh tồn, được đạo diễn Lê Thanh Sơn ấp ủ suốt 7 năm. Chuyện phim xoay quanh buổi dã ngoại trong rừng của nhóm bạn 7 người. Chuyến đi chơi bỗng hóa trải nghiệm kinh hoàng khi họ bất ngờ đụng độ con gấu hung dữ, khát máu.

Dự án mất 2 năm để hoàn thiện, chỉnh trang kỹ xảo và được cho đã ngốn một khoản tiền không nhỏ của nhà sản xuất. Trái ngược với sự đầu tư đó, doanh thu của phim lại không được như kỳ vọng, đối diện với nguy cơ lỗ nặng.

Tính đến sáng ngày 15/6, phim chỉ mới thu về 3,5 tỷ đồng sau 9 ngày công chiếu, con số quá thấp nếu so với kinh phí được cho là hàng chục tỷ đồng. Theo số liệu từ Box Office Vietnam, riêng trong sáng 15/6, Móng vuốt chỉ dắt túi khoảng 9,3 triệu đồng.

Đạo diễn Lê Hoàng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự trong lần trở lại địa hạt điện ảnh. Ra mắt dịp tết, cùng thời điểm với “cơn sốt” Mai của Trấn Thành và 2 bộ phim khác, tác phẩm Trà của nam đạo diễn 68 tuổi nhanh chóng rút rạp sau 4 ngày công chiếu, dắt túi 1,6 tỷ đồng. Thực chất, bên cạnh việc phải chạm trán với nhiều đối thủ mạnh, nguyên nhân chính khiến Trà thất thu nằm ở chất lượng tác phẩm.

Đứa con tinh thần của Lê Hoàng gây thất vọng với lối làm phim cũ kỹ, kịch bản nhiều sạn, nội dung nhàm chán, thiếu sáng tạo. Các tình tiết của phim tạo cảm giác ức chế cho người xem vì ồn ào và thiếu điểm nhấn.

 Lê Thanh Sơn từng kỳ vọng Móng vuốt sẽ thu về 300 tỷ đồng, song tác phẩm chỉ thu về hơn 3 tỷ đồng sau 1 tuần công chiếu.

Lê Thanh Sơn từng kỳ vọng Móng vuốt sẽ thu về 300 tỷ đồng, song tác phẩm chỉ thu về hơn 3 tỷ đồng sau 1 tuần công chiếu.

Hoàng Duy và Nguyễn Hữu Tuấn cũng là những cái tên quay trở lại màn bạc trong năm 2024. Bộ phim gần nhất của Hoàng Duy đã ra mắt cách đây 6 năm (Quý cô thừa kế), còn với Nguyễn Hữu Tuấn là 5 năm (đồng đạo diễn Thất sơn tâm linh). Song, điểm chung là dự án trở lại của cả hai đều không nhận được cảm tình từ khán giả, thất bại nặng nề tại đường đua phòng vé.

Quý cô thừa kế 2 của Hoàng Duy ghi nhận mức doanh thu 6,4 tỷ đồng sau 20 ngày chiếu. Bộ phim gây lỗ nặng cho nhà sản xuất bởi theo đạo diễn Hoàng Duy, tác phẩm cần khoảng 40 tỷ đồng mới hòa vốn. Trong khi đó, Án mạng lầu 4 của Nguyễn Hữu Tuấn rời rạp khi chỉ đạt mức doanh thu 2 tỷ đồng.

Lý do những đạo diễn thảm bại khi trở lại

Móng vuốtÁn mạng lầu 4 đều là những tác phẩm lấy chất liệu giật gân (thriller) làm chủ đạo. Cả hai dự án đều có những điểm hoặc lạ lẫm, hoặc kém thú vị, từ đó khó tiếp cận khán giả Việt.

Với Móng vuốt, đạo diễn Lê Thanh Sơn tập trung phát triển câu chuyện theo hướng một bộ phim sinh tồn, mang đậm không khí giật gân, hồi hộp. Đây là kiểu nội dung có thể mới lạ với thị trường Việt, nhưng đã xuất hiện trong hàng nghìn tác phẩm từ châu Á đến Hollywood trước đó.

Điều này khiến nội dung phim chưa thật sự gây được tò mò, ấn tượng đối với công chúng. Trước đó vài năm, Rừng thế mạng (2021) - tác phẩm sinh tồn của đạo diễn Trần Hữu Tấn dù là phim Việt duy nhất được ra mắt vào dịp lễ 1/1 năm đó nhưng cũng chỉ thu về 14,6 tỉ đồng, con số chưa đủ để nhà sản xuất có lãi.

Thêm vào đó, đứa con tinh thần của đạo diễn Lê Thanh Sơn mất điểm vì kịch bản cũ kỹ, diễn xuất thiếu thuyết phục. Phần hình ảnh phim được đầu tư hơn song chưa thực sự ấn tượng.

Khác với sự dồn dập của Móng vuốt, chất liệu giật gân trong Án mạng lầu 4 được thể hiện qua những căng thẳng tâm lý của nhân vật, những kìm nén, chất chứa, và hoảng sợ khi đối diện với một tai nạn bất ngờ. Về mặt ý tưởng, tác phẩm được đánh giá cao bởi tính mới lạ và khác biệt, song cách thức thể hiện phức tạp lẫn ôm đồm quá nhiều khiến phim không tạo được hứng thú với đại chúng.

Móng vuốtÁn Mạng lầu 4 do những hạn chế khác nhau mà không được lòng khán giả, song về điểm chung, cả hai đều xây dựng đứa con tinh thần của mình dựa trên bầu không khí giật gân - hồi hộp.

Trong top 20 tác phẩm Việt ăn khách nhất phòng vé, các phim giật gân vắng bóng. Danh sách chỉ ra, khán giả Việt yêu thích những bộ phim tâm lý có yếu tố gia đình (4 phim), hài/lãng mạn (5 phim). Đặc biệt 13/20 tác phẩm trong danh sách có yếu tố hài (bao gồm hài/lãng mạn, hài/hành động, hài/chính kịch). Phim giật gân có thứ hạng cao nhất là Quả tim máu (2014) của đạo diễn Victor Vũ, đứng hạng 29 với doanh thu 85 tỷ đồng.

4 tác phẩm có doanh thu cao nhất lịch sử phim Việt đều có yếu tố gia đình.

4 tác phẩm có doanh thu cao nhất lịch sử phim Việt đều có yếu tố gia đình.

Đối với Trà của Lê Hoàng và Quý cô thừa kế 2 của Hoàng Duy, hai tác phẩm đều là những phim tâm lý có yếu tố gia đình, song điểm trừ là cả hai vị đạo diễn đều khai thác đề tài “tiểu tam”, vốn đã lỗi thời và nhàm chán, khó khiến khán giả hứng thú. Thêm vào đó, ngôn ngữ điện ảnh của hai tác phẩm trên cũng có phần cũ kỹ, không tạo được ấn tượng về mặt thẩm mỹ và câu chuyện.

Việc xa rời thị trường điện ảnh thời gian dài ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng chinh phục phòng vé của các đạo diễn. Một mặt, các các phẩm của họ xa rời thị hiếu đại chúng, hoặc quá lạ lẫm, hoặc quá cũ kỹ, từ đó gây khó khăn trong việc tiếp cận số đông khán giả. Mặt khác, việc biến mất nhiều năm cũng khiến thương hiệu của những vị đạo diễn trên giảm sức hút, lép vế so với những cái tên chăm chỉ trên thị trường như Lý Hải, Trấn Thành, Võ Thanh Hòa…

Thuận Minh

Nguồn Znews: https://znews.vn/ly-do-2-dao-dien-gai-nhay-va-em-chua-18-deu-nga-ngua-khi-tro-lai-post1481199.html