Lý do bệnh nhân thoát cảnh đi từ nửa đêm, xếp hàng chờ phát thuốc

Việc phát thuốc 2 tháng/lần cho người bệnh mạn tính được đánh giá là giải pháp hiệu quả, giảm quá tải cho cơ sở khám chữa bệnh, thuận tiện cho người dân.

Tại phòng khám vú của Bệnh viện K, nhiều người bệnh đã không giấu nổi niềm vui và sự phấn khởi khi nhận được thông tin sẽ được cấp phát thuốc 3 tháng 1 lần thay vì mỗi tháng 1 lần như trước đây.

Bà L.T.T. (43 tuổi, trú tại Hưng Yên) không thể giấu niềm vui khi chia sẻ về thay đổi trong quy trình cấp phát thuốc tại Bệnh viện K (Hà Nội). Được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 2 vào năm 2024, bà đã trải qua phẫu thuật, 6 đợt hóa trị, 15 đợt xạ trị.

Sau điều trị, bà được hướng dẫn tái khám định kỳ 3 tháng/lần, nhưng việc lấy thuốc nội tiết lại là 1 tháng/lần. Mỗi tháng, bà T. phải xin nghỉ làm một ngày để lên Hà Nội, đối mặt với chi phí đi lại, ăn uống và thời gian chờ đợi mệt mỏi tại bệnh viện.

“Thực sự rất áp lực, nhất là với những người ở tỉnh xa như tôi”, bà T. nói.

Cùng tâm trạng, chị N.T.M (38 tuổi, trú tại Tuyên Quang), người điều trị ung thư vú từ năm 2023 phải xuống Hà Nội lấy thuốc hằng tháng, cũng không giấu nổi niềm vui. Sau phẫu thuật và 8 đợt hóa trị kèm thuốc đích, tình trạng của chị đã ổn định, chỉ cần tái khám 3 tháng/lần. Tuy nhiên, việc phải di chuyển lấy thuốc nội tiết vẫn là một trở ngại lớn.

“Mỗi lần đi mất cả ngày, tôi phải sắp xếp công việc, nghỉ làm, chưa kể chi phí đi lại tốn kém”, chị M. cho biết.

Bệnh nhân chờ phát thuốc tại Bệnh viện K. Ảnh: Phương Thúy.

Bệnh nhân chờ phát thuốc tại Bệnh viện K. Ảnh: Phương Thúy.

Khi có quy định phát thuốc 3 tháng/lần, người bệnh như chị M. và chị L. không còn phải xếp hàng, đi từ nửa đêm gà gáy di chuyển hàng trăm km mỗi tháng chỉ để nhận thuốc.

Bà N.T.L (71 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị đái tháo đường, tăng huyết áp nên không bỏ thuốc ngày nào. Hằng tháng, bà có một ngày phải dậy từ 3-4h để đi xe ôm vào bệnh viện xếp hàng chờ lấy thuốc. Mỗi lần đi khám, bà cảm thấy rất mệt mỏi vì phải chờ đợi, xếp hàng. Tuy nhiên, khi bệnh viện phát thuốc theo quy định mới, bà L. không còn phải đi từ nửa đêm, mờ sáng.

Thông tư 26/2025/TT-BYT, được triển khai từ cuối năm 2024, đã tạo ra một bước tiến lớn trong quản lý và chăm sóc bệnh nhân.

Theo lãnh đạo Bệnh viện K, thông tư này không chỉ chuẩn hóa quy trình kê đơn mà còn nâng cao trách nhiệm của nhân viên y tế và bảo vệ quyền lợi bệnh nhân. Cụ thể, quy định mới đảm bảo bệnh nhân được tư vấn đầy đủ về thuốc, giảm thiểu lạm dụng thuốc, kiểm soát tình trạng kháng thuốc và tăng tính minh bạch trong khám chữa bệnh. Đặc biệt, việc cấp phát thuốc dài ngày giảm tần suất đi lại, tiết kiệm chi phí và thời gian cho bệnh nhân, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết từ tháng 11/2024, bệnh viện đã triển khai cấp thuốc 2 tháng/lần cho bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, rối loạn lipid máu, viêm gan B, Parkinson…

Thống kê cho thấy, chỉ 3% bệnh nhân cần tái khám trước 50 ngày do tác dụng phụ hoặc cần điều chỉnh liều thuốc, trong khi 97% còn lại không gặp vấn đề gì trong thời gian này.

Theo ông Long, việc cấp thuốc dài ngày giúp giảm đáng kể áp lực lên các khoa khám bệnh, đặc biệt vào giờ cao điểm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế.

"Không chỉ cấp thuốc 2 tháng, có thể tăng lên 3 tháng cho người bệnh theo dõi ổn định", ông Long nói.

Nhiều gia đình có người thân cao tuổi, mắc nhiều bệnh cùng lúc, gặp khó khăn trong di chuyển đã phải tự xoay xở bằng cách đi khám bác sĩ tư hoặc mua thuốc ngoài, dù có bảo hiểm y tế. Việc cho phép cấp thuốc dài ngày sẽ giúp những người này tiết kiệm thời gian, công sức, đồng thời vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm một cách đầy đủ.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ly-do-benh-nhan-thoat-canh-di-tu-nua-dem-xep-hang-cho-phat-thuoc-2417364.html