Lý do cái xấu không ngừng nảy sinh

BPO - Công an tỉnh Ninh Bình vừa khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam cả hiệu trưởng, hiệu phó, kế toán và nguyên thủ quỹ Trường tiểu học Đông Thành, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Bốn cô giáo bị khởi tố và bắt tạm giam vì thu học phí sai quy định, đặc biệt là đã lập 2 hệ thống chứng từ kế toán để rút khẩu phần ăn của học sinh. Thật đáng tiếc khi lại thêm một số người làm nghề mà cả xã hội gọi là “thầy” vướng vòng lao lý. Đáng tiếc hơn, không ít trường hợp tương tự như vậy đã xảy ra, nhưng không được xử lý nghiêm, nên cái xấu, cái tồi tệ vẫn tồn tại, như trêu ngươi cái đẹp trong cuộc sống và thách thức công lý, thách thức luật pháp.

Năm 2013, Báo Bình Phước từng phản ánh trường hợp tương tự như ở Trường tiểu học Đông Thành. Hiệu trưởng, hiệu phó, kế toán một trường mầm non ở Đồng Xoài từng hợp thức hóa chứng từ để bớt tiền ăn của các cháu, giả mạo chữ ký của giáo viên và thủ quỹ để biển thủ ngân sách, lập quỹ trái phép để chia tiền thu từ phụ huynh. Vụ việc chỉ bị phát hiện khi chính người trong cuộc - thủ quỹ chủ động tự nguyện nộp lại tiền được ăn chia để... đi tố cáo. Thế nhưng, cô hiệu trưởng này chỉ bị kỷ luật giáng chức từ hiệu trưởng xuống hiệu phó, còn cô hiệu phó chỉ bị kỷ luật khiển trách và khi đó đã được điều động làm… hiệu trưởng trường mầm non khác.

Ở trường mầm non, không trường nào không mở đi mở lại bài hát “Cô và mẹ” của nhạc sĩ Phạm Tuyên và không phụ huynh nào, không mầm non nào không nhớ “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền...”. Còn với bậc tiểu học, không học sinh nào không biết đến bài hát “Bụi phấn” của nhạc sĩ Vũ Hoàng với tình cảm đong đầy “…Mai sau lớn, nên người, làm sao có thể nào quên ngày xưa thầy dạy dỗ khi em tuổi còn thơ”. Với những trường hợp này, các em lớn lên cũng sẽ không thể nào quên, nhưng đáng tiếc, thay vì không thể quên bởi tình thầy trò ấm áp, mà lại không thể quên vì ấn tượng quá xấu về những người từng dạy dỗ mình.

Một trường hợp khác, năm 2018 nhà nước hỗ trợ nông dân trồng điều bị mất mùa bằng tiền thì đơn vị chức năng ở Bù Đăng lại quy ra thuốc bảo vệ thực vật và cấp phát trực tiếp. Đáng tiếc hơn, thuốc bảo vệ thực vật này là loại thuốc sử dụng cho cây lúa chứ không phải cây điều. Chưa khẳng định có hay không có trục lợi trong việc này. Nhưng hậu quả của điều đó đã khiến hàng ngàn hộ nông dân đã mất mùa càng mất mùa nặng hơn, ngân sách nhà nước thì đã chi sai mục đích và không hiệu quả.

Sai phạm giữa những người lớn và tác động tới người lớn đáng lên án một, thì sai phạm với trẻ em, tác động trực tiếp tới trẻ em phải đáng lên án gấp 10 lần. Bởi trẻ em chưa có khả năng phản kháng, chưa đủ năng lực nhận biết mình đã bị trục lợi, bị bớt khẩu phần ăn như thế nào và điều đó không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại, mà còn ảnh hưởng đến tương lai rất xa ở phía trước.

Sau trẻ em, không tính trường hợp cá biệt, có lẽ hành vi trục lợi từ nông dân, từ chính sách dành cho nông dân hay ăn chặn của nông dân đáng lên án xếp thứ hai, bởi họ là đối tượng yếu thế trong xã hội, phần lớn còn nghèo, rất cần được hỗ trợ. Đảng và Nhà nước ta cũng đã dành cả chính sách và ngân sách đáng kể để hỗ trợ nông dân - một chủ trương rất giàu tính nhân văn. Nhưng trong thực tế, có không ít trường hợp đã lợi dụng sự nhân văn ấy mà chưa bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm, thậm chí bị giấu giếm đi nhằm để nó “chìm xuồng”. Đó là lý do cái xấu, cái tồi tệ nảy sinh vậy.

Trần Phương

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/ly-do-cai-xau-khong-ngung-nay-sinh-9311