Lý do chính trị gia Pita Limjaroenrat mất cơ hội trở thành tân Thủ tướng Thái Lan

Tuần qua, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã tuyên bố ông Pita Limjaroenrat sẽ bị đình chỉ tư cách nghị sĩ cho đến khi có phán quyết về những cáo buộc phạm luật vào lúc tranh cử hồi tháng 5 (ông cố ý nắm giữ 42.000 cổ phiếu của công ty truyền thông iTV). Ngày 19-7, Quốc hội nước này đã bỏ phiếu hủy tư cách ứng viên Thủ tướng của ông. Vậy tại sao một lãnh đạo đảng chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội như ông Pita lại bị chặn khỏi việc đề cử Thủ tướng?

Ngày 19-7, ông Pita Limjaroenrat đã bị Quốc hội Thái Lan hủy tư cách ứng viên Thủ tướng

Ngày 19-7, ông Pita Limjaroenrat đã bị Quốc hội Thái Lan hủy tư cách ứng viên Thủ tướng

Thách thức khó vượt qua

Chính trị gia Pita (42 tuổi) là một doanh nhân đã tốt nghiệp Đại học Harvard (Mỹ). Ông được bầu vào Quốc hội trong cuộc bầu cử năm 2019 với tư cách là thành viên của đảng Hướng tới tương lai, do ông Thanathorn Juangroongruangkit (một chính trị gia trẻ tuổi cũng từng du học Mỹ) lãnh đạo. Sau cuộc bầu cử, trong một đơn khiếu nại gần giống với trường hợp của ông Pita, Ủy ban bầu cử cáo buộc ông Thanathorn nắm giữ cổ phần của một công ty truyền thông khi ông đăng ký làm nghị sĩ, vi phạm luật bầu cử.

Ông Thanathorn đã bị Tòa án Hiến pháp kết tội, tước tư cách nghị sĩ. Đảng Hướng tới tương lai sau đó bị giải tán vì bị cáo buộc nhận một khoản vay “bất hợp pháp”. Tuy nhiên, nó sớm bị thay thế bởi đảng Tiến lên mới thành lập và ông Pita được bầu làm lãnh đạo của đảng này vào tháng 3-2020.

Với tài vận động của ông Pita, đảng Tiến bước mới thành lập đã bất ngờ giành được 151 ghế trong Hạ viện năm 2023. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là đảng này gần như “quét sạch” đại biểu Bangkok, giành được 32/33 ghế. Chính trị gia Pita sau đó đã xây dựng một liên minh gồm 8 đảng cùng nhau kiểm soát 312/500 ghế trong Hạ viện.

Vấn đề đối với ông Pita và đảng Tiến bước (hoặc bất kỳ đảng dân chủ nào ở Thái Lan) là Thủ tướng sẽ được bầu theo Hiến pháp năm 2017 do quân đội soạn thảo. Theo đó, 250 thành viên của Thượng viện (là những người được chính quyền quân sự trước đó bổ nhiệm năm 2019) được quyền bỏ phiếu bầu Thủ tướng. Điều này có nghĩa là, 1 ứng cử viên cần đạt 376/750 phiếu, trong khi liên minh của ông chỉ kiểm soát 312 ghế.

Trước vòng bỏ phiếu đầu tiên của Quốc hội, ông Pita và đảng của Tiến bước đã gặp phải 2 rào cản quan trọng khác. Đó là Tòa án Hiến pháp đã nhận được 2 vụ kiện chống lại họ. Tuy nhiên, ông Pita vẫn được phép tham gia vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 13-7, nhưng đã thất bại khi giành được 324 phiếu bầu. Chỉ có 13 thượng nghị sĩ ủng hộ ông. Sau đó, trước vòng bỏ phiếu thứ hai, chính trị gia trẻ tuổi này mất cơ hội tái tranh cử chức Thủ tướng.

Nguyên do bị những người bảo thủ phản đối

Chủ trương của chính trị gia Pita là cải cách tự do hóa trong hầu hết các lĩnh vực của xã hội và kinh tế Thái Lan. Đề xuất chính sách quan trọng của đảng Tiến bước là thúc đẩy một cuộc trưng cầu dân ý để thành lập một hội đồng sửa đổi Hiến pháp và loại bỏ các yếu tố phản dân chủ, chẳng hạn như bổ nhiệm Thượng nghị sĩ và khả năng bầu Thủ tướng.

Một chính sách quan trọng khác là sửa đổi Mục 112 của Bộ luật Hình sự Thái Lan, luật về tội khi quân với mức án lên tới 15 năm tù. Ông Pita và đảng Tiến lên cũng cam kết thúc đẩy dự luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới và cải thiện bình đẳng giới ở Thái Lan. Đáng chú ý, họ cũng tìm cách hạn chế quyền lực của quân đội với đề xuất cắt giảm đáng kể ngân sách quốc phòng.

Ngoài ra, đảng Tiến lên đã lên kế hoạch thông qua thuế tài sản và đất đai, đồng thời tăng thuế doanh nghiệp đối với các công ty lớn để chi trả cho các chính sách phúc lợi tập trung vào giáo dục, trẻ em, người khuyết tật và người về hưu. Tất cả những quan điểm này đã khiến ông Pita dành được thiện cảm của những cử tri trẻ tuổi và dư luận quốc tế, nhưng cũng khiến đảng trở thành mục tiêu của các thế lực bảo thủ.

Trong vòng bỏ phiếu bầu Thủ tướng tiếp theo của Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 27-7, rất có thể đại biểu của đảng Pheu Thai (đứng thứ hai trong cuộc bầu cử trước) sẽ được đề cử.

Nhưng bất chấp việc ông Pita bị đình chỉ tham gia Quốc hội, đảng Tiến bước vẫn chiếm nhiều ghế nhất trong Hạ viện và sẽ vẫn là một lực lượng mạnh mẽ trong việc theo đuổi chương trình nghị sự của mình.

Sau khi rời Quốc hội trong sự hoan nghênh của những người ủng hộ, ông Pita nói rằng Thái Lan đã thay đổi kể từ cuộc bầu cử hồi tháng 5 và “người dân hiện đã đi được một nửa chặng đường tới chiến thắng”. Nhưng liệu điều đó có quá lạc quan?

Theo The Conversation

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ly-do-chinh-tri-gia-pita-limjaroenrat-mat-co-hoi-tro-thanh-tan-thu-tuong-thai-lan-post546658.antd