Mạch nguồn bất tận

50 năm gần đây, với không ít công trình nghiên cứu, các nhà khoa học thu được nhiều thành tựu mới, làm rõ nét hơn về thời đại Hùng Vương.

Hội thảo khoa học quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam” tập hợp, đánh giá những kết quả nghiên cứu đó, đề xuất các bước phát triển nghiên cứu nhằm làm sâu sắc, toàn diện hơn những giá trị trong đời sống xã hội của thời đại Hùng Vương…

Những thành tựu nghiên cứu mới

Suốt 50 năm qua, Viện Hàn lâm khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam thường xuyên quan tâm tới việc nghiên cứu các giá trị trong thời đại Hùng Vương. Đặc biệt, những tư liệu khảo cổ học đã cung cấp khối lượng lớn các di tích, di vật-là những bằng chứng sinh động chứng minh cho các vấn đề còn tồn nghi và bỏ ngỏ trong thời đại Hùng Vương, như: Nguồn gốc, niên đại; đời sống kinh tế, tổ chức xã hội, văn hóa, vấn đề nhà nước; kỹ thuật xây thành Cổ Loa, những giá trị tiêu biểu, đặc sắc của thời đại Hùng Vương; các mối giao lưu nhiều chiều của thời đại này...

 Hát Xoan, di sản văn hóa phi vật thể có nguồn cội từ thời đại Hùng Vương.

Hát Xoan, di sản văn hóa phi vật thể có nguồn cội từ thời đại Hùng Vương.

Theo GS, TS Lâm Thị Mỹ Dung, Trường Đại học KHXH và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội): Đến nay, hơn 200 di tích thuộc văn hóa Đông Sơn đã được phát hiện ở Việt Nam. Nhận thức về văn hóa Đông Sơn của các nhà khảo cổ học Việt Nam, dưới khái niệm một văn hóa khảo cổ ngày càng rõ nét... Trên cơ sở những thành tựu đạt được ở lĩnh vực luyện kim và nông nghiệp lúa nước cùng các ngành nghề thủ công bước đầu được chuyên hóa, cư dân Đông Sơn đã tạo được một hạ tầng cơ sở khá vững chắc cho việc xuất hiện một nhà nước đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Trong các nền văn hóa thời sơ sử ở Việt Nam, chỉ có trong văn hóa Đông Sơn là tìm được dấu tích của nơi cư trú có phòng ngự, đó là Cổ Loa. Với cơ sở kinh tế vững mạnh, Cổ Loa thường được coi là kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương, có tổ chức quân đội, trang bị nhiều loại vũ khí. Với sự hình thành của mạng lưới kết nối vùng rộng, những cuộc di chuyển người do biến động chính trị và nhu cầu tìm nguồn sống mới, nhiều mặt hàng từ Nam Trung Hoa và Bắc Việt Nam được đưa vào những lãnh địa miền Trung và Nam Việt Nam. Chứng cứ còn lại là những khu vực với nhiều di vật có nguồn gốc từ các trung tâm văn hóa sơ kỳ thời đại đồ sắt ở Trung Hoa, Bắc Việt Nam, Đông Nam Á lục địa và hải đảo, Ấn Độ. Những hiện vật khảo cổ cũng chứng tỏ sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn tới không chỉ khu vực miền Trung, miền Nam Việt Nam mà còn thực sự tham gia vào sự hình thành các tiểu quốc Lâm Ấp Champa và cả Phù Nam những thế kỷ đầu công nguyên.

Khẳng định những kết quả nghiên cứu mới về thời đại Hùng Vương là rất đáng khích lệ, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: Việc nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa thời đại Hùng Vương cần tiếp tục được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, không bó hẹp về không gian và thời gian ở vùng châu thổ sông Hồng mà cần nghiên cứu mở rộng ở nhiều khu vực khác nhằm thể hiện được sự phát triển của văn hóa thời đại Hùng Vương; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại trong khảo cổ nhằm có được những bằng chứng lịch sử xác đáng hơn, khoa học hơn và có độ tin cậy cao về thời đại đầu tiên của dân tộc ta.

Thời đại tạo ra nền tảng văn hóa Việt

Những bằng chứng khoa học còn chứng tỏ rằng, thời đại Hùng Vương gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nét văn hóa mang đậm giá trị nhân văn về quan niệm sống, cách đối nhân xử thế của con người Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải một tôn giáo mà chính là biểu trưng của lòng thành kính, sự biết ơn công đức các vua Hùng là những người có công dựng nước Văn Lang. Việc xây dựng đền thờ của vua Hùng, việc thờ cúng các vua Hùng vốn bắt đầu từ việc nhân dân quanh vùng tự đứng ra làm. Đến nay, ngày giỗ các vua Hùng trở thành ngày Giỗ Tổ, ngày Quốc lễ của cả dân tộc… Trên cơ sở những đánh giá khách quan, năm 2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và đánh giá cao vị trí của thời đại này trong dòng chảy dân tộc Việt Nam. PGS, TS Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ học) khẳng định: “Trên tất cả những nét văn hóa Việt cổ cơ bản định hình từ thời Hùng Vương-An Dương Vương đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam sau đó, vừa có sự lan tỏa mạnh mẽ, vừa có sức sống bền bỉ, mãnh liệt, vượt qua đêm trường nghìn năm Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, phục hưng mạnh mẽ dưới thời Đinh-Tiền Lê-Lý-Trần… tồn tại và phát triển đến ngày nay”.

Đồng tình với quan điểm này, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng: Việc nghiên cứu các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương không chỉ khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khát vọng phát triển của đất nước, làm sâu sắc hơn các giá trị văn hóa, lịch sử của nước ta mà còn góp phần giải quyết những vấn đề hiện nay cũng như tương lai qua các bài học lịch sử. Các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học lịch sử cần tiếp tục làm rõ hơn truyền thống yêu chuộng hòa bình, truyền thống đấu tranh giữ nước, cũng như xây dựng đất nước từ thời đại Hùng Vương được kế thừa, phát triển qua suốt chiều dài lịch sử dân tộc; khẳng định sự kế thừa từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh là một dòng chảy liên tục của lịch sử, văn hóa Việt Nam. Điều này góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng của dân tộc, phát huy những tinh hoa của dân tộc và làm vẻ vang hơn những đức tốt đẹp quý báu cha ông ta.

Bài và ảnh: LAN DỊU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/mach-nguon-bat-tan-592380