Mai Châu: Đổi thay từ chính sách hỗ trợ sinh kế cho đồng bào Dân tộc thiểu số
Xã Mai Châu được thành lập trên cơ sở sáp nhập hoàn toàn diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Mai Châu, xã Nà Phòn, xã Thành Sơn, xã Tòng Đậu và 5 xóm: Phiềng Xa, Vắt, Tiểu Khu, Bâng, Đồng Bảng của xã Đồng Tân. Sau khi thành lập, xã Mai Châu mới có diện tích 147,741 km2, quy mô dân số 18.457 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%.

Từ hỗ trợ của Chương trình MTQG Phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và MN, người dân xóm Nà Phặt (Thành Sơn cũ) đã mở homestay đón khách du lịch nhằm phát triển kinh tế.
Xác định chính sách dân tộc, công tác dân tộc là đòn bẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã Mai Châu đã huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thành Sơn (cũ) là địa bàn đặc biệt có khó khăn với 60% dân tộc Thái và trên 30% dân tộc Mường sinh sống. Tuy nhiên, đây cũng là vùng núi cao có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành mát mẻ và văn hóa bản địa độc đáo. Xác định có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, từ năm 2018, xã vận động một số hộ trên địa bàn xây dựng homestay đón khách du lịch. Để hỗ trợ các hộ, xã vận dụng nguồn vốn từ Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Mai Châu (cũ) mở lớp đào tạo nghề kỹ năng quản lý du lịch cộng đồng tại xã, giúp các hộ tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi mở homestay. Lớp đào tạo có thời hạn 3 tháng với những kiến thức thực tế như lễ tân, phục vụ, quảng bá thương hiệu, tổ chức hoạt động trải nghiệm đã thu hút hơn 30 học viên theo học.
Từ sự hỗ trợ ban đầu ấy, du lịch cộng đồng đang mở ra cơ hội đổi đời cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Thành Sơn. Một số doanh nghiệp đã liên kết với các hộ dân địa phương để phát triển du lịch cộng đồng. Ngoài ra, trên địa bàn có 3 điểm du lịch cộng đồng, trung bình mỗi năm thu hút khoảng 1,5 – 1,7 nghìn khách du lịch, trong đó có khách nước ngoài.

Đồng bào dân tộc Thái (Nà Phòn cũ) tiếp tục gìn giữ nghề dệt thổ cẩm nhằm phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.
Xây dựng các mô hình sinh kế giúp đồng bào dân tộc thiểu số ổn định cuộc sống cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Đồng chí Hà Trung Thảo, Chủ tịch UBND xã Mai Châu cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 10 dự án, 36 tiểu dự án đang được triển khai trên địa bàn với mục tiêu phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động nguồn vốn của chương trình, xã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất cho bà con, trong đó một số mô hình đã phát huy được hiệu quả như mô hình hỗ trợ giống bò lai cho các hộ đặc biệt khó khăn và hỗ trợ nâng cao hiệu quả, mở rộng diện tích một số cây trồng chủ lực như ngô lai, lạc và cây thế mạnh là tỏi tía, khoai sọ, khoai lang ... Hiện nay, các sản phẩm như dệt thổ cẩm đồng bào Thái Mai Châu, tỏi tía Thành Sơn, ngô nếp Thung Khe đã được quan tâm đầu tư xây dựng nhãn hiệu tập thể nhằm nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, xã đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, nhất là các dự án lớn về du lịch nghỉ dưỡng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Mới đây, trên địa bàn xã được đầu tư dự án Noong Luông Retreat – khu nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch. Dự án có tổng diện tích hơn 118 ha, vốn đầu tư 359 tỷ đồng. Trong đó, 50% diện tích phục vụ nông nghiệp công nghệ cao là các loại rau củ quả sạch, cây giống và dược liệu. Trong khuôn khổ dự án có các khu nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư hiện đại.
Song song với việc xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, Mai Châu đang đầu tư phát triển hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Bằng nguồn lực của 3 chương trình MTQG là chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Mai Châu đã đầu tư hàng chục công trình hạ tầng điện, đường, trường trạm cho các thôn, xóm vùng đặc biệt khó khăn. Năm 2025 là năm kết thúc thực hiện ba chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây được xác định là thời điểm “nước rút” để hoàn thành giải ngân vốn đầu tư, tháo gỡ khó khăn thủ tục nhằm đảm bảo tiến độ các dự án. Hiện nay, xã tiếp tục chỉ đạo tiến độ đối với các dự án đã khởi công và đã hoàn thành các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, xã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành là cơ quan thường trực 3 chương trình để tiếp tục tháo gỡ khó khăn về thủ tục đối với các dự án trong chương trình.
Trong không gian phát triển mới với lợi thế về địa lý và bản sắc văn hóa, định hướng của xã là phát triển tiềm năng của từng vùng theo hướng “kinh tế xanh” - phát triển du lịch cộng đồng, dịch vụ và nông nghiệp chất lượng cao. Trong đó, khu vực trung tâm xã tiếp tục khai thác thế mạnh du lịch cộng đồng, khu vực vùng cao như Thành Sơn (cũ) hướng tới phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nông nghiệp và cây dược liệu dưới tán rừng. Với hướng đi đúng đắn và sự đầu tư đồng bộ, Mai Châu đang có nhiều cơ hội chuyển mình trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế -xã hội gắn với bảo tồn bản sắc và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.