Mariupol có thể thất thủ trong 'vài ngày tới'

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết trong cập nhật mới nhất rằng Nga đang tập trung vào Mariupol và có thể kiểm soát hoặc khiến thành phố đầu hàng trong 'vài ngày tới'.

Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko ngày 1/4 cho biết các cuộc giao tranh lớn vẫn đang nổ ra ở phía bắc và phía đông thành phố. Ông khuyến cáo người dân khoan vội trở về.

Cùng ngày, một kho trữ dầu tại Belgorod, thành phố ở Nga nằm cách biên giới với Ukraine khoảng 40 km, đã bắt lửa. Vyacheslav Gladkov, thống đốc vùng Belgorod, cáo buộc Ukraine đứng sau vụ hỏa hoạn mà không cung cấp thêm bằng chứng.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) và Nga đang có những toan tính về lĩnh vực năng lượng, sau khi Moscow tuyên bố sẽ dừng cung cấp khí đốt cho các nước "không thân thiện" nếu không thanh toán bằng đồng rúp.

Tổng thống Zelensky cảnh báo chiến sự sẽ "hướng nam"

Tình báo Quốc phòng Anh cho biết lực lượng Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát một vài ngôi làng ở Sloboda và Lukashivka, phía nam thành phố Chernihiv. Ngoài ra, Ukraine có một vài cuộc phản công thành công ở phía đông và đông bắc Kyiv.

Phía Anh cho biết Nga vẫn tiến hành nhiều cuộc tập kích vào Chernihiv và thủ đô Kyiv, dù trước đó nói rằng sẽ giảm hoạt động quân sự ở những thành phố này để tạo điều kiện cho đàm phán.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo việc Nga rút quân ở miền Bắc và miền Trung là một chiến thuật của Moscow chuẩn bị cho cuộc tấn công vào miền Đông Nam Ukraine.

“Chúng tôi biết họ rút khỏi những nơi chúng tôi đã chống trả để tiến vào khu vực quan trọng khác có thể gây khó khăn cho chúng tôi”, ông Zelensky nói.

Tại miền Đông Nam, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho biết quân đội Nga vẫn có “bước tiến vững chắc” vào thành phố trọng yếu Mariupol.

Nga trong ngày 1/4 đã nhất trí mở lại hành lang nhân đạo để sơ tán người dân tại Mariupol.

 Lực lượng thân Nga đang sử dụng súng phóng lựu chống tăng trong một cuộc đụng độ tại Mariupol ngày 31/3. Ảnh: Reuters.

Lực lượng thân Nga đang sử dụng súng phóng lựu chống tăng trong một cuộc đụng độ tại Mariupol ngày 31/3. Ảnh: Reuters.

Dù vậy, trên phương diện quân sự, cập nhật mới nhất của ISW cho biết quân đội Nga có thể kiểm soát hoặc buộc Mariupol đầu hàng trong “vài ngày tới”. Trước đó, cơ quan này thông tin Nga có thể chiếm thành phố này trong vài tuần.

ISW cho biết nếu Mariupol thất thủ, Nga có thể phối hợp với lực lượng ở Kharkiv tạo gọng kìm cô lập quân đội Ukraine ở vùng Donbas, miền Đông.

Viện trợ quân sự cho Ukraine đang có những sự “nâng cấp” khi phương Tây cho biết sẽ gửi xe bọc thép cùng pháo tầm xa cho Ukraine. Trước đó, Ukraine được viện trợ phần lớn là tên lửa cầm tay và máy bay không người lái.

Vẫn chưa rõ loại khí tài phương Tây dự định viện trợ cho Ukraine là gì, nhưng riêng Australia cho biết sẽ cung cấp cho Kyiv xe bọc thép Bushmaster có khả năng chống mìn.

“Chúng tôi không chỉ gửi lời cầu nguyện, chúng tôi gửi súng, đạn dược, hàng tiếp tế, áo giáp, và chúng tôi sẽ gửi xe bọc thép Bushmaster”, Thủ tướng Australia Scott Morrison nói.

Canberra đã có động thái trên sau khi Tổng thống Zelensky phát biểu trước Quốc hội nước này ngày 31/3 cầu viện thêm khí tài từ Australia.

“Lực cản” đàm phán Nga - Ukraine

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 1/4 nói rằng vụ nổ kho dầu ở thành phố Belgorod (Nga) mà Moscow cáo buộc do trực thăng Ukraine tấn công sẽ ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán giữa hai nước.

“Dĩ nhiên vụ việc này sẽ không tạo điều kiện thoải mái để tiếp tục đàm phán”, TASS dẫn lời ông Peskov nói.

Bộ Quốc phòng Ukraine nói với CNN rằng không có thông tin về vụ việc trên. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng ông không xác nhận hay phủ nhận cáo buộc tấn công kho dầu tại Belgorod do chưa nhận được thông tin quân sự.

Ông Kuleba cho biết thêm Ukraine đang chờ phản ứng chính thức của Nga đối với các đề xuất của Kyiv được đưa ra tại vòng đàm phán hòa bình ở Thổ Nhĩ Kỳ , nhấn mạnh không có nước nào thúc ép Ukraine thỏa hiệp trong các cuộc đàm phán.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay nước này ghi nhận các tiến triển trong cuộc đàm phán với Ukraine. Ông cũng khẳng định Moscow sắp phản hồi các đề xuất được đoàn đàm phán Ukraine đưa ra bằng văn bản hôm 29/3, Sputnik đưa tin.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 1/4 cho biết hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine có thể được tổ chức ở thành phố Istanbul.

 Kho dầu ở thành phố Belgorod, Nga bốc cháy ngày 1/4. Ảnh: Reuters.

Kho dầu ở thành phố Belgorod, Nga bốc cháy ngày 1/4. Ảnh: Reuters.

Ván bài năng lượng

Người phát ngôn chính phủ Đức Wolfgang Buechner ngày 1/4 nói rằng đã nhận được “sắc lệnh” mà Tổng thống Nga Vladimir Putin ký hôm 31/3 và sẽ đánh giá “để xác định những tác động cụ thể”.

Theo sắc lệnh mới được ông Putin ký ngày 31/3, các nước mua khí đốt của Nga phải mở tài khoản tại ngân hàng quốc doanh Gazprombank và chuyển đổi ngoại tệ sang đồng rúp.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết quy định mới về thanh toán bằng đồng rúp chỉ ảnh hưởng tới việc thanh toán từ cuối tháng 4 và trong tháng 5.

“Nhưng một lần nữa, tôi muốn nói với các đối tác rằng nên liên lạc với Gazprombank", ông Peskov nói.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức nói rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá ảnh hưởng đến từ động thái mới nhất của Moscow. Berlin nói rằng đã cho Gazprombank 10 ngày để giải thích chi tiết quy trình thanh toán (bằng đồng rúp).

Theo Financial Times, đây có thể coi là đòn trả đũa nhắm vào hệ thống biện pháp trừng phạt của phương Tây, vốn ngăn cản Nga tiếp cận vào một nửa dự trữ ngoại hối.

Trên thực tế, kế hoạch của ông Putin buộc phương Tây vi phạm các quy tắc trừng phạt bằng cách tạo sự tương tác với các ngân hàng Nga.

Liên minh châu Âu (EU) đã cùng Mỹ áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên lĩnh vực tài chính Nga, nhưng chưa có lệnh trừng phạt năng lượng. Việc phụ thuộc hơn 55% vào nguồn khí đốt nhập từ Nga khiến EU lưỡng lự khi thảo luận về các lệnh trừng phạt năng lượng.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói rằng phải ít nhất đến năm 2024, các nền kinh tế lớn của châu Âu mới có thể ngưng phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Trong khi đó, chiến sự kéo dài đẩy giá cả leo thang, lạm phát ở EU đạt mức kỷ lục 7,5%, theo báo cáo ngày 1/4. Nhiều quốc gia EU cũng ghi nhận mức lạm phát kỷ lục trong nước. Điều này đặt ra thách thức cho Ngân hàng Trung ương châu Âu trong việc điều chỉnh giá cả mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của khối.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mariupol-co-the-that-thu-trong-vai-ngay-toi-post1306721.html