Mắt ngọc rừng xanh

Cuốn du ký của tác giả Thùy Linh cho cảm giác như chúng ta không chỉ đọc mà còn được đi thông qua những dòng chữ. Dưới con mắt của một nữ họa sĩ yêu tự do, yêu thiên nhiên, mỗi miền đất như Mông Cổ, Đức, Ai Cập… hiện lên sống động. Bình minh trên hồ Ba Bể thật ảo diệu với làn sương khói không hiểu tới từ đâu. Núi rừng và cả nước hồ luôn biếc một màu xanh hồ thủy.

Hồ Ba Bể được hình thành cách đây hơn 200 triệu năm, ở độ cao hơn 150 m so với mực nước biển, diện tích mặt nước hơn 650 ha, chiều dài 8 km, xung quanh là những dãy núi đá vôi có khoảng 20 hang động nước và khô, là một trong 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, nằm trong vườn quốc gia Ba Bể có một thảm thực vật vô cùng phong phú với nhiều loại gỗ quý hiếm và hệ động vật với nhiều loại được ghi vào sách đỏ.

Nổi tiếng nhất là cây trúc dây (một loài tre) thân thả như mành mành xuống hồ, một cây sấu 700 năm tuổi và hơn 180 loại lan rừng, nhiều loại chỉ có ở vùng hồ này. Khu vực này nằm ở cánh cung sông Gâm, sông Năng và sông Chảy, được các nhà nghiên cứu gọi là địa hình Karst, kết quả của quá trình hòa tan giữa đá vôi, nước, khí các-bon và nhiều yếu tố sinh học khác.

 Phong cảnh Ba Bể. Ảnh: Minh Quân.

Phong cảnh Ba Bể. Ảnh: Minh Quân.

Núi, hồ biếc xanh

Thuyền đưa tôi dọc sông Năng tới động Puông, có hình dáng như đầu con cá mập khi nhìn từ xa. Hang động nước ở Ba Bể chỉ phát triển theo chiều ngang và không sâu, nhưng rất lớn và đẹp.

Động Puông dài 300 m, cao khoảng 30 m có nhiều thạch nhũ và những phiến đá hoa cương bám đầy rêu xanh. Người ta cho rằng những đợt bào mòn hàng triệu năm của sông Năng cổ trong lòng núi đá vôi đã tạo ra động Puông.

Lòng động khá tối nhưng vẫn có thể nhìn thấy những thạch nhũ đủ mọi hình dạng soi bóng trên mặt nước. Thú vị nhất là khi biết rằng trong động có một số nơi đá vôi đã chuyển hóa thành đá hoa cương, một hiện tượng địa chất độc đáo không phải hang động nào cũng có. Đây cũng là nơi sinh sống của 60 loài dơi gồm hàng vạn con, nên luôn có mùi không mấy dễ chịu.

Hành trình tiếp theo đưa tôi ngược dòng sông tới thác Đầu Đẳng. Ngọn thác không cao, nước chảy xiết luồn lách giữa khe núi được hình thành trong một trận động đất lớn cách đây hàng triệu năm. Chiều dài của thác khoảng 1.000 m, có ba tầng với độ chênh khoảng 4 m, do sông Năng bị hàng trăm tảng đá chặn lại mà thành.

Phong cảnh hết sức nên thơ, nhưng tiếc là sau 30 phút đi bộ và leo núi, tôi gặp một cơn mưa rừng và không chụp được nhiều ảnh. Cảnh quan tuyệt đẹp khi thuyền trôi trong lòng hồ.

Tôi đi ngang đảo nhỏ mang tên Bà Góa, gắn liền với truyền thuyết hình thành của hồ Ba Bể. Hai mẹ con người đàn bà góa đối xử tử tế với một người ăn mày là thần Giao Long đội lốt để thử lòng dân. Họ đã được vị thần ban cho những hạt thóc, để sống sót trong trận đại hồng thủy làm nên hồ Ba Bể. Những hạt thóc hóa thành thuyền độc mộc, giúp họ đi cứu người.

Trên thực tế, đây là một đảo đá vôi, giống đảo An Mã nơi có một ngôi đền cổ kính, là sản phẩm của quá trình trượt lở của các núi đá vôi xung quanh.

Trong lòng hồ Ba Bể hiện còn nhiều dân sinh sống, chủ yếu trồng trọt và đánh cá. Gần đây phát triển loại hình du lịch trekking trong rừng quốc gia nên du khách có thể nghỉ lại một số nhà dân trong lòng hồ hoặc ở bản Pắc Ngòi, nhà khách quốc gia Ba Bể.

Những buổi sáng thức dậy trong bản Pắc Ngòi thật đáng nhớ. Bình minh trên hồ Ba Bể thật ảo diệu với làn sương khói không hiểu tới từ đâu. Núi rừng và cả nước hồ luôn biếc một màu xanh hồ thủy.

Có những sáng, theo người dân đi bắt cá ven hồ, để trưa về được đãi món cháo cá chép ngon chưa từng thấy. Những bữa cơm thơm mùi gạo mới, nhiều rau, nhiều cá, hoa mướp xào và xôi nếp nương cùng thịt bằm trên căn nhà sàn lộng gió đã ở lại mãi trong ký ức của tôi về một vùng hồ trên núi.

 Sáng sớm, sương lãng đãng quanh hồ. Ảnh: Minh Quân.

Sáng sớm, sương lãng đãng quanh hồ. Ảnh: Minh Quân.

Động Hua Mạ

Buổi sáng cuối cùng, tôi rời bản đi 8 km dọc thung lũng đến động treo lưng chừng núi Hua Mạ. Động Hua Mạ thuộc khu vực xã Quảng Khê là một động rất đẹp, tiếng địa phương có nghĩa là đầu ngựa.

Để lên động treo này, bạn phải leo 300 m. Cửa động rộng 3 m, cao 5 m. Khi bước chân vào hang, lập tức tôi choáng ngợp bởi sự lung linh huyền ảo của các nhũ đá từ phía trên hang động rũ xuống mặt đất.

Đặc biệt lòng hang rất rộng, khoảng 1 ha. Vòm hang cao khoảng 10 m, chiều sâu trên 500 m. Theo truyền thuyết, một lần, nhà vua vi hành qua khu vực gần động, ngựa không thể qua được suối. Nhà vua bèn xuống ngựa hỏi bà con dân bản thì được biết đây là khu vực “Lèo Pjèn”, nghĩa là nơi ma thiêng nước độc.

Chập tối ở trong hang thường phát ra tiếng kêu thảm thiết, đó là hồn ma của những người dân lương thiện bị giặc giết, nay oan ức kêu than.

Nghe nói vậy, nhà vua liền dừng chân sai quân lính lập ngôi chùa tại hang Thẩm Thinh để nhờ Phật Quan Âm Bồ Tát giải oan cho những oan hồn được siêu thoát lên thiên đường. Sau khi lập ngôi chùa được ba ngày, người dân nơi đây không còn nghe thấy tiếng kêu trong hang vọng ra nữa. Tiếp đó, vua sai quân lính vào đập cửa hang để ngồi tụng kinh. [...]

Càng đi sâu vào động càng thấy như đang lạc bước trong một khu rừng rậm. Động có nhiều tầng sâu, đường dễ đi, càng xuống dưới càng đẹp hơn. Ngay ở tầng thứ hai, có một khối đá hình Phật Bà Quan Âm đứng trên lưng một con voi đang phủ phục với đủ loại muông thú vây quanh.

Xuống các tầng dưới, các nhũ đá tạo thành cả khu rừng nhiệt đới với cây cổ thụ và đủ loại gấu, sư tử, khỉ, chim muông...

Tôi cho rằng động này có thể xếp vào hàng những hang động đẹp nhất Việt Nam. Tôi rời Ba Bể trong sự luyến tiếc về một không gian trong xanh như ngọc. Núi rừng ơi, hẹn ngày trở lại!

Trần Thùy Linh / NXB Văn học liên kết công ty Sống

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mat-ngoc-rung-xanh-post1131024.html